Cần xây dựng quy trình xử lý rủi ro
(ABO) Không ít lần ngồi trên xe, trên tàu… quan sát chung quanh, tôi tự hỏi: “Nếu có sự cố xảy ra, tôi phải làm thế nào ?”. Tôi không biết và cũng không dám hỏi, vì sợ bị nói là “trù ẻo”. Dư luận mấy ngày gần đây bàn sôi nổi về vụ tai nạn lật ca nô nghiêm trọng làm chết 17 người. Mọi chuyện đang được điều tra làm rõ, trong đó có vấn đề quản lý và chấp hành quy định về an toàn.
Máy bay, phương tiện giao thông có xác suất xảy ra tai nạn thấp hơn rất nhiều so với phương tiện giao thông khác. Nhưng theo tôi biết, cơ trưởng và phi hành đoàn đều đã được huấn luyện diễn tập và kiểm tra đạt yêu cầu quy trình xử lý tai nạn. Không chỉ có vậy, trước khi khởi hành, hành khách còn được hướng dẫn kỹ cách sử dụng phương tiện cứu sinh.
Hiện giờ, trên xe khách, theo quy định phải có bình chữa cháy, búa phá cửa kính. Nhưng dùng nó để làm gì? Ai dùng? Trường hợp nào dùng? Hành khách không được hướng dẫn!
Tương tự, trên tàu, thuyền, ca nô, tắc ráng… bao giờ cũng có áo phao cho hành khách. Có là một chuyện nhưng mặc hay không là chuyện khác. Dù mặc áo phao hay không, phương tiện vẫn khởi hành. Nguyên do hành khách không mặc áo phao trước tiên là do người vận hành phương tiện đó, tài công, thủy thủ không kiên quyết yêu cầu. Họ sợ buộc hành khách mặc áo phao làm hành khách lo lắng.
Thêm nữa, bày ra xếp vào mất công, mà áo phao mỏng manh, mau hỏng. Góp phần vào lý do không mặc áo phao là mấy chiếc áo phao không được vệ sinh sạch sẽ, những cái bị hư hỏng như rách, khóa không cài được nhưng không được thay thế kịp thời. Và bây giờ lại có ý kiến áo phao được yêu cầu mặc đó chỉ là công cụ hỗ trợ nổi chứ không phải là áo phao cứu sinh thật sự.
Phải làm gì để tránh tai nạn tương tự kể trên xảy ra trong tương lai? Có lẽ nên đề xuất các cơ quan chức năng, trước khi cấp phép lưu hành, vận chuyển hành khách cho các phương tiện giao thông thủy bộ, phải buộc chủ phương tiện xây dựng và trình phê duyệt quy trình xử lý rủi ro cho người vận hành phương tiện, quy trình thoát hiểm cho hành khách. Các quy trình đó phải hợp lý, khả thi và phải được hướng dẫn cho hành khách tham gia thực hiện trước khi khởi hành.
Các phương tiện cứu hộ để đáp ứng quy trình thoát hiểm phải được đánh giá cẩn thận, đừng để khi đã xảy ra tai nạn rồi mới nói dùng không đúng. Đặc biệt chú ý phải hướng dẫn hành khách cách sử dụng. Nếu theo quy trình buộc phải sử dụng trong khi di chuyển, cần phải kiên quyết yêu cầu hành khách chấp hành, không được du di.
Người Việt Nam có quan niệm sẽ xui xẻo khi nói về tai nạn. Nhưng chính vì sẵn sàng ứng phó với tai nạn, tai nạn mới không xảy ra. Mà nếu có xảy ra thì thiệt hại sẽ giảm đến mức tối thiểu.
NGUYỄN HUỲNH ĐẠT