Đừng để có lỗi với nông dân!
(ABO) Nông dân Việt Nam luôn cần cù, chăm chỉ, chịu thương chịu khó, ham học hỏi, nhạy bén nắm bắt khoa học - kỹ thuật để áp dụng vào trồng trọt, nhanh nhạy trong chuyển đổi cây trồng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trong những giai đoạn đất nước khó khăn, ngành Nông nghiệp (trong đó có ngành cây ăn trái) luôn là “điểm tựa” cho nền kinh tế đất nước.
Câu chuyện đầu ra cho nông sản đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm, nông dân cũng đã mòn mỏi chờ đợi. Ảnh: PM |
Từ sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30-4-1975) đến nay, một bộ phận rất lớn nông dân Việt Nam nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (trong đó có Tiền Giang) nói riêng đã thoát nghèo, vươn lên khá, giàu nhờ sự cần mẫn, siêng năng trồng trọt trên mảnh đất của mình.
Trong những năm gần đây, nhờ có những đột phá về giống và khoa học - kỹ thuật nên nông dân đã từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học - kỹ thuật hiện đại vào trồng trọt nên chất lượng và sản lượng của ngành cây ăn trái không ngừng được nâng lên, từ đó đời sống của nông dân cũng có những bước thay đổi đáng kể.
Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ khác, ta thấy thu nhập từ ngành hàng cây ăn trái chưa có tính bền vững. Từ trong và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đến nay, việc xuất khẩu tiểu ngạch vào thị trường Trung Quốc gặp khó khăn đã đẩy giá thanh long rơi tự do đến sát đáy là một dẫn chứng sinh động về việc giá cả bấp bênh, khiến cho thu nhập của nông dân từ mảnh đất của mình chưa thật sự bền vững.
Câu chuyện giá ngành hàng cây ăn trái khi trồi khi sụt “không biết đâu mà lần” không phải là mới, mà nó đã diễn ra trong nhiều năm qua. Có lẽ, chúng ta không thể quên vào thập niên 90 của thế kỷ XX, nông dân ở huyện Cái Bè (Tiền Giang) nói riêng và một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long nói chung đua nhau trồng nhãn tiêu Huế, rồi sau đó là mận hồng đào huyết.
Lúc đầu giá bán 2 loại trái cây này rất cao, nông dân ai cũng phấn khởi. Nhưng rồi sau đó nhà nhà đốn các loại cây khác để trồng nhãn tiêu Huế, tiếp theo là mận hồng đào huyết, làm cho cung vượt cầu, khiến cho nông dân lao đao, phải tiếp tục đốn bỏ để trồng loại cây ăn trái khác.
Câu chuyện đầu ra cho nông sản đã được nhắc đi nhắc lại nhiều năm, nông dân cũng đã mòn mỏi chờ đợi. Mới đây, tại buổi tọa đàm “Để nông sản không bị ùn tắc ở cửa khẩu: Đâu là giải pháp căn cơ?” do Cổng Thông tin Chính phủ tổ chức chiều ngày 4-3, các diễn giả đều nhấn mạnh yêu cầu cần phải nhanh chóng triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là xuất khẩu nông sản phải theo con đường chính ngạch, không thể đi tiểu ngạch, “đường mòn lối mở” mãi được.
Tại buổi tọa đàm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, trong tuần sau, Bộ này sẽ chủ trì, cùng bàn thảo với các cơ quan, hiệp hội, ngành hàng liên quan “để bắt đầu con đường chuyển từ tiểu ngạch sang chính ngạch” cho nông sản Việt.
Việc tìm lối ra nào cho trái cây Việt Nam để nông dân không phải “đắng lòng” kêu gọi giải cứu, đó là việc của các ngành, các cấp. Đừng để có lỗi với nông dân khi mà họ đã hoàn thành trách nhiệm của mình!
THIÊN QUANG