Báo chí lan tỏa nét đẹp văn hóa
Theo kế hoạch, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam và Báo Nhân Dân sẽ phát động và chính thức triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí”, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925/21-6-2025).
Lựa chọn xây dựng môi trường văn hóa là nội dung phong trào thi đua của giới báo chí thêm một lần nhấn mạnh bản chất văn hóa của hoạt động báo chí.
Văn hóa và báo chí có mối quan hệ biện chứng, báo chí là bộ phận của văn hóa nhưng báo chí cũng sáng tạo ra và phổ biến văn hóa, lưu truyền văn hóa. Tính văn hóa trong báo chí được thể hiện ở dự án, kế hoạch, định hướng phát triển của cơ quan báo chí, với người làm báo đó là nếp sống, ở cách hành xử với đồng nghiệp, người dân trong công tác.
Ảnh minh họa: Báo Tin tức. |
Những phẩm chất cao quý kết tinh thành giá trị văn hóa luôn được giữ gìn, trao truyền, trở thành niềm tự hào của những người làm báo cách mạng. Có thể kể ra những điển hình như Báo Quân đội nhân dân đã tổ chức 14 lần Cuộc thi viết “Những tấm gương bình dị mà cao quý”, tôn vinh những tấm gương người tốt, việc tốt, lan tỏa những việc làm đầy nhân văn, tạo ra văn hóa sống đẹp, nhân ái tới cộng đồng. Về những cá nhân, có thể kể ra nhà báo Phạm Thanh Hà, Tổng biên tập Tạp chí Phụ nữ mới, bền bỉ với các hoạt động tiếp sức “xóm chạy thận”; nhà báo Hoàng Anh, Báo Đại biểu Nhân dân với hoạt động cung cấp bình oxy mùa dịch Covid-19...
Bên cạnh những tập thể, cá nhân có hành động và tác phẩm nhân văn, giàu chất văn hóa, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một số cơ quan báo chí và người làm báo còn tồn tại những khuyết điểm, hạn chế, thiếu sót. Một số cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ, mục đích, sa đà vào thông tin mặt trái xã hội, thiếu tính nhân văn, phản giáo dục, phản văn hóa như khai thác quá sâu về đời tư một nam sinh lớp 10 tự tử vì áp lực học hành.
Năm nào cũng có những người làm báo vụ lợi, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp đã bị khởi tố. Dễ thấy nhất là không ít người làm báo tham gia mạng xã hội thiếu chuẩn mực và thiếu trách nhiệm khi đăng tải, chia sẻ những thông tin sai sự thật, chưa được kiểm chứng, bình luận mang tính kích động về những vấn đề như an ninh quân sự, trật tự xã hội...
Những tiêu cực trong hoạt động báo chí liên quan trực tiếp đến đạo đức nghề nghiệp - một phạm trù quan trọng của văn hóa. Khi nhà báo tác nghiệp với những hành vi không chuẩn mực, gắn với việc theo đuổi những lợi ích cá nhân, gắn với việc vụ lợi là hành vi phản văn hóa, để lại hình ảnh xấu. Cách làm nghề như vậy làm suy giảm uy tín và vai trò của báo chí; nguy hại nhất là báo chí không còn giữ được bản chất văn hóa lành mạnh, tiến bộ, ảnh hưởng không tốt đến công cuộc xây dựng văn hóa và con người hiện nay.
Cùng với các điều luật, quy định, quy tắc, việc triển khai Phong trào thi đua “Xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan báo chí” sẽ trực tiếp xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa. Chỉ khi mỗi cơ quan báo chí, mỗi người làm báo có văn hóa ý thức được trách nhiệm xây dựng kế hoạch hoạt động, tác nghiệp vì mục đích tận hiến với nghề nghiệp; cho ra đời những sản phẩm báo chí chất lượng, tích cực, lan tỏa giá trị nhân văn, văn hóa thì phong trào thi đua mới không sa vào hình thức, góp phần tích cực làm lành mạnh đời sống báo chí, nâng tầm giá trị văn hóa trong từng sản phẩm báo chí.
(Theo www.qdnd.vn)