Cà phê đường tàu: Không thể đùa giỡn với tử thần
Việc tái diễn tình trạng quay phim, chụp ảnh trên “phố cà phê đường tàu” đã “vi phạm nghiêm trọng” hành lang an toàn giao thông đường sắt và cần có phương án giải quyết dứt điểm.
Hiện có hơn 30 hộ dân mở quán bán cà phê, giải khát ngay sát tuyến đường tàu tại khu vực phía bắc ga Hà Nội. Ảnh: VGP/Anh Tú |
Không đánh đổi sự an toàn của người dân, du khách với bất kể lợi ích kinh tế nào
Phố cà phê đường tàu tại khu vực phía bắc ga Hà Nội, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã được cơ quan chức năng khẳng định là gây mất trật tự, an toàn giao thông, cần phải chấm dứt hoạt động kinh doanh. Nhưng sau nhiều lần rầm rộ ra quân xử lý, vi phạm lại tiếp tục tái diễn, vậy nguyên nhân do đâu?
Theo ghi nhận, hiện có hơn 30 hộ dân mở quán bán cà phê, giải khát ngay sát tuyến đường tàu đi qua các phường: Hàng Bông, Cửa Đông, Cửa Nam, Hàng Mã và Đồng Xuân của quận Hoàn Kiếm.
Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam Phan Quốc Anh cho biết, từ khoảng đầu năm 2018, khu vực phía bắc ga Hà Nội, đoạn từ Km0+595 đến Km0+840, tuyến đường sắt Hà Nội-Đồng Đăng xuất hiện nhiều khách du lịch nước ngoài đến tham quan, quay phim chụp ảnh trên đường sắt, nhất là khi có tàu chạy qua.
Cùng với đó là tình trạng hàng quán bày bàn ghế ngay trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt để bán nước cho khách du lịch. Tổng công ty đã giao đơn vị có trách nhiệm quản lý, duy tu đoạn tuyến, phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng tuyên truyền, cưỡng chế giải tỏa vi phạm và tình trạng trên đã lắng xuống trong một thời gian dài.
Tuy nhiên, từ đầu tháng 2 năm nay, các vi phạm nêu trên tái diễn, đặc biệt trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua. "Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã liên tục có nhiều văn bản đề nghị lực lượng chức năng, chính quyền địa phương các phường, quận liên quan phối hợp, tập trung xử lý dứt điểm vi phạm", ông Phan Quốc Anh nói.
Theo ông Nguyễn Anh Quân, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, 100% các cơ sở kinh doanh cà phê ở khu vực đường tàu này đều vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Quận sẽ thu hồi toàn bộ giấy phép kinh doanh của các hộ dân nằm trong khu vực hành lang an toàn đường sắt nêu trên.
"Quan điểm của UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội là không đánh đổi sự an toàn của người dân, du khách với bất kể lợi ích kinh tế nào", ông Nguyễn Anh Quân nhấn mạnh.
Đánh giá cao sự quyết liệt của lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, chuyên gia giao thông, ThS. Vũ Tuấn Linh chia sẻ: "May mắn cho Hoàn Kiếm, Hà Nội và cả Việt Nam là chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào, chưa có sinh mạng nào phải trả giá cho cà phê đường tàu. Nếu chẳng may có tai nạn xảy ra, có người dân, du khách tử vong dưới bánh tàu hoả, đặc biệt là khách nước ngoài, cái giá phải trả của du lịch nội địa sẽ đắt gấp nhiều lần chút lợi nhỏ các chủ cửa hàng kiếm được. Không chỉ là sinh mạng mà hình ảnh Hà Nội, đất nước Việt Nam trong mắt bạn bè, khách du lịch quốc tế cũng sẽ xấu đi rất nhiều".
Những quán cà phê này được mở ngay sát đường ray tàu hỏa. Ảnh: VGP/Tú Anh |
Liệu còn tái diễn?
Cũng như lần xử lý trước đó, những ngày qua lực lượng chức năng quận Hoàn Kiếm nói riêng và Hà Nội nói chung đã rất quyết liệt xử lý vi phạm của "phố cà phê đường tàu". Trật tự tại khu vực bước đầu đã được vãn hồi. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu vi phạm có tái diễn? Và nếu có thì xử lý trách nhiệm đối với ai?
Anh Lê Khánh, trú tại xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ chia sẻ, từ quê nghe tiếng đồn cà phê đường tàu, anh ra tận nơi trải nghiệm. "Không ngờ nguy hiểm như thế này, sát sạt bên tàu chạy, có thể gặp rủi ro bất cứ lúc nào. Cả một dãy phố mấy chục quán xá mở cửa vi phạm ngang nhiên, các cơ quan chức năng không biết hay không quyết liệt xử lý. Cà phê đường tàu này phải gọi là cà phê với tử thần mới đúng. Phải đóng cửa vĩnh viễn", anh Lê Khánh bày tỏ.
Đại đa số người dân được hỏi đều khẳng định, việc để tồn tại hay tái diễn cà phê đường tàu tại khu vực này là rất nguy hiểm, gây nhiều hệ luỵ về giao thông, trật tự, văn hoá xã hội.
"Nên bỏ cà phê đường tàu để bảo đảm an toàn, tránh tình trạng bát nháo. Không thể viện cớ vì lý do mưu sinh của một ít người mà làm ảnh hưởng đến cả ngành đường sắt và an toàn của hàng trăm, hàng nghìn người", bác Bùi Văn Tuyến (Ba Đình, Hà Nội) nói.
ThS. Vũ Tuấn Linh chia sẻ, việc đóng cửa "phố cà phê đường tàu" là đúng đắn và rất được dư luận hoan nghênh. Nhưng muốn xoá dứt điểm vi phạm cần phải có biện pháp triệt để.
"Phải quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương, đơn vị có liên quan, nếu để tái diễn vi phạm phải kỷ luật nặng. Đối với các hộ kinh doanh tại đây cần tuyên truyền liên tục, không ngừng nghỉ, đồng thời có sự hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp. Với những cá nhân cố tình coi thường pháp luật, vì tư lợi mà xé rào phải đưa ra pháp luật xử lý", ông Vũ Tuấn Linh nói.
"Dẹp" không ảnh hưởng đến du lịch
Về khía cạnh du lịch, PGS.TS Phạm Hồng Long, Giảng viên khoa Du lịch học (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) chia sẻ quan điểm, việc Hà Nội dẹp bỏ phố đường tàu không ảnh hưởng nhiều đến ngành du lịch Thủ đô. Nhiều du khách quốc tế lẫn nội địa có thể thích thú với phố đường tàu nhưng đây không phải địa điểm quá quan trọng với du lịch Hà Nội.
"Hà Nội là điểm đến lớn với nhiều điểm đến nhỏ hấp dẫn khác, từ văn hóa, sinh thái, tâm linh và cả kinh tế, chính trị. Một du khách muốn khám phá Hà Nội không thể chỉ dành một ngày. Họ có khi cần tới vài ngày hoặc cả tuần mới đi hết từ nội đô đến các khu vực ngoại thành. Do đó, chuyện dẹp bỏ phố cà phê đường tàu rõ ràng không phải là vấn đề lớn, có thể ảnh hưởng tới du lịch Thủ đô", PGS.TS Phạm Hồng Long chia sẻ.
(Theo chinhphu.vn)