ĐBSCL cần được cởi trói để phát triển đô thị và công nghiệp
Nông nghiệp là chỗ dựa kinh tế chính của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và vùng đất này cũng dựa vào nông nghiệp để phát triển. Các thiết kế đầu tư, chính sách kinh tế cho vùng nhiều chục năm qua đều nhắm vào trọng tâm thúc đẩy nông nghiệp. Nhưng nền tảng kinh tế này đang dần trở nên suy yếu.
Trung tâm Bến Lức, khu vực có thị trường bất động sản phát triển năng động nhất của Long An – Ảnh: TL |
Nền tảng nông nghiệp ngày càng yếu
Tăng trưởng của nông nghiệp suy yếu dần từ sau năm 2005 và xu thế đi xuống thể hiện rõ rệt kể từ đó. Trong 10 năm, từ 2001-2010, tăng trưởng của nông nghiệp đạt hơn 7% năm, thì 10 năm tiếp theo chỉ còn ở mức 3,5% năm. Tỷ trọng của nông nghiệp trong GRDP và trong lao động cũng sụt giảm mạnh. Vai trò kinh tế của vùng ĐBSCL với nền kinh tế quốc gia cũng giảm.
Công nghiệp có xuất phát điểm rất thấp, chỉ chiếm khoảng 16% GRDP, tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với nông nghiệp trong các năm 1991-2000. Từ năm 2000 công nghiệp đã có sự bứt phá và kéo dài đến năm 2010 với mức tăng trưởng đến 19%/năm. Từ năm 2011-2020 tăng trưởng của công nghiệp chậm lại nhưng vẫn cao gấp 3 lần so với nông nghiệp.
Công nghiệp chế biến đã trở thành nhân tố chủ yếu đóng góp vào tăng trưởng kinh tế chung của vùng, nhưng sự quan tâm dành cho công nghiệp thật sự là không nhiều.
Phát triển công nghiệp nhờ… đất xấu
Sự phát triển không đều giữa các tỉnh trong 10 năm gần đây phần lớn từ công nghiệp. Long An và sau đó là Tiền Giang thu hút được nhiều nguồn đầu tư tư nhân, bao gồm cả vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào công nghiệp.
Nhờ vậy, tăng trưởng kinh tế của hai tỉnh này nhiều năm qua ở mức rất cao, cơ cấu công nghiệp đa dạng hơn, số doanh nghiệp thành lập mới nhiều hơn, tỷ lệ di dân thấp, tỷ lệ thất nghiệp cũng thấp, thu nhập trung bình tính trên người cũng cao hơn.
Thu hút FDI là nguồn lực quan trọng phát triển kinh tế của các tỉnh ĐBSCL, với Long An và Tiền Giang thì đó là dòng vốn vào công nghiệp chế biến, còn với một số tỉnh khác là năng lượng như nhiệt điện, điện gió, điện mặt trời. Nhưng liên quan đến công ăn việc làm và sức lan tỏa thì công nghiệp chế biến có tác động lớn hơn.
Không phải địa phương nào cũng thu hút được vốn đầu tư từ bên ngoài như Long An và Tiền Giang. Hạ tầng giao thông và tác động lan tỏa từ TPHCM là điều dễ nhìn thấy. Nhưng ẩn chứa đằng sau đó thì công nghiệp khởi phát từ những vùng đất xấu. Đất không trồng lúa được thì dễ dàng chuyển sang công nghiệp, nhờ đó mà nhiều huyện đất đai khô cằn ở Long An sau này trở nên giàu có. Long An phát triển trước, phải mất 3-4 năm sau mới đến Tiền Giang. Dần dà công nghiệp chế biến được thu hút dọc theo hành lang quốc lộ 1.
Thành phố động lực và các chuỗi chế biến
Những tỉnh thu hút FDI ít nhưng phát triển được một số chuỗi ngành chế biến quy mô lớn như cá tra, tôm thì tăng trưởng kinh tế cũng duy trì được mức khá cao.
Đất đai là khó khăn lớn nhất. Là vùng tập trung cho nông nghiệp, không gian cho phát triển đô thị, phát triển công nghiệp nhìn chung là rất hạn hẹp. Giá đất rất cao, khó khăn để tiếp cận có phần nguyên nhân quan trọng từ quy hoạch sử dụng đất của vùng dành ưu tiên cho nông nghiệp. Đây là nguyên nhân về thể chế cản trở quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ của vùng. |
Bài học từ vai trò của TPHCM và các tỉnh miền Đông cho thấy nhu cầu phát triển đô thị cấp vùng và các đô thị liên kết ở ĐBSCL. Khi nào mà Cần Thơ chưa thể hiện được vai trò trung tâm, là nguồn động lực lớn có sức thúc đẩy và lôi kéo các địa phương, thì liên kết vùng vẫn yếu, kinh tế vùng vẫn là những tập hợp rời rạc của hơn chục nền kinh tế quy mô nhỏ, vụn vặt.
Bài học của công nghiệp chế biến với lúa gạo, thủy sản từ nhiều năm trước cho thấy tầm quan trọng của nguồn vốn đầu tư từ chính những người ở địa phương.
Trong các năm 2000-2010 đã có sự phát triển mạnh mẽ các nhà máy chế biến để hình thành các chuỗi ngành lúa gạo, thủy sản và trái cây.
Bốn chuỗi ngành này (lúa gạo, tôm, cá tra, trái cây) với kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ đô la, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm và thúc đẩy sự ra đời của nhiều ngành cung ứng dịch vụ.
Tuy nhiên việc tập trung vào một số chuỗi ngành lớn cũng có những giới hạn của nó khi chuỗi ngành càng ngày càng đòi hỏi tính chuyên sâu. Yêu cầu về tiêu chuẩn, chất lượng gay gắt, yêu cầu tuân thủ tiêu chí môi trường sẽ làm gia tăng chi phí, giảm sử dụng lao động và khó đạt mức tăng trưởng như những năm đã qua.
Giá cả của những nhóm nông sản xuất khẩu quy mô lớn có biên độ tăng giảm lớn, xuất hiện với tần suất khá dày khi Trung Quốc trở thành thị trường chủ yếu. Với biên độ thay đổi lớn và thường xuyên như vậy thì mức độ hủy diệt rất lớn, rất khó để ổn định kinh tế, bền vững môi trường.
Đối phó với những biến động lớn như vậy là sự tiêu hao nguồn lực lớn. Biểu hiện của tình trạng này là suy giảm thu nhập, cùng kiệt sức lực. Quy đến cùng thì đó là sự tiêu hao nguồn lực của nền kinh tế, suy giảm nguồn lực tái đầu tư, suy giảm tài nguyên, môi trường.
Vào lúc này, cần có những đánh giá về thị trường và tác động. Nếu ngành nào đó quá phụ thuộc vào một thị trường thì không nên tìm cách gia tăng sản lượng. Phải hướng tới đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng cơ cấu khách hàng, cơ cấu thị trường. Thị trường trong nước phải được xây dựng làm chỗ dựa cho sản phẩm mới và giúp cho việc tái cấu trúc của những chuỗi ngành chế biến xuất khẩu.
Cần có thêm nhiều chuỗi ngành quy mô nhỏ
Khu vực nông nghiệp, nông thôn còn có nhiều nhóm sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế tác của tiểu thủ công nghiệp có khả năng đưa vào thị trường. Những ngành này, tuy quy mô nhỏ nhưng gắn liền với loại tài nguyên bản địa, mang cấu trúc đặc trưng mỗi vùng miền, liên quan với những nhóm lao động gắn với ngành nghề riêng.
Bài học phát triển các chuỗi chế biến lúa gạo, thủy sản cần được nghiên cứu để thúc đẩy đầu tư với các chuỗi ngành quy mô nhỏ, công nghiệp địa phương, công nghiệp nông thôn. Hướng đi này khai thác được nguồn lực tại chỗ bao gồm lao động, ngành nghề và sản vật mang tính đặc thù.
Chương trình OCOP là hướng đi tốt cho sự phát triển nền kinh tế địa phương năng động, đa dạng. Nhưng OCOP nên có định hướng rõ hơn với thị trường trong nước, bản sắc địa phương, tính đặc trưng của sản phẩm góp phần cho việc xây dựng công nghiệp ở khu vực nông thôn.
Sự phát triển thị trường trong nước, nhu cầu tiêu dùng đa dạng, tâm lý ưa thích sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc trưng của địa phương, sản phẩm làm thủ công trong những năm gần đây mang lại cơ hội mới cho các chuỗi ngành quy mô nhỏ, năng động, đa dạng.
Cần sự quan tâm nhiều hơn cho công nghiệp
Bài học từ Long An, Tiền Giang là để phát triển được công nghiệp cần thu hút được đầu tư từ bên ngoài, trong đó có dòng vốn FDI. Nhưng kết quả sẽ tốt hơn nếu khơi gợi được dòng vốn đầu tư từ địa phương.
Trong chiến lược tới đây ĐBSCL cần dành sự quan tâm nhiều hơn cho phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nhóm ngành tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp ở khu vực nông thôn.
Các vấn đề cần quan tâm về chính sách là đất đai, hỗ trợ đào tạo lao động, tiếp cận công nghệ, tiếp cận tín dụng và thị trường. Trong những vấn đề trên thì đất đai là khó khăn lớn nhất. Là vùng tập trung cho nông nghiệp, không gian cho phát triển đô thị, phát triển công nghiệp nhìn chung là rất hạn hẹp.
Giá đất rất cao, khó khăn để tiếp cận có phần nguyên nhân quan trọng từ quy hoạch sử dụng đất của vùng dành ưu tiên cho nông nghiệp. Đây là nguyên nhân về thể chế cản trở quá trình đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ của vùng. Ngay cả khi hệ thống giao thông được mở rộng mà nút thắt trên chưa gỡ thì kinh tế của vùng vẫn khó bứt phá.
Đề xuất của người viết bài này với các tỉnh ĐBSCL là dành sự quan tâm nhiều hơn với công nghiệp. Nhiều thời gian, không gian, địa điểm và chính sách cho phát triển công nghiệp.
(Theo thesaigontimes.vn)