Kiên trì chống "giặc lửa"
(ABO) Nỗi buồn vụ cháy quán karaoke khiến 3 cán bộ, chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy hy sinh hồi đầu tháng 8-2022 ở TP. Hà Nội chưa kịp nguôi ngoai, thì tin 32 người chết trong vụ cháy quán karaoke ở tỉnh Bình Dương vào ngày 6-9 và chỉ cách vài ngày (ngày 10-9), ở Thanh Oai, TP. Hà Nội lại xảy ra vụ cháy làm 3 mẹ con tử vong tiếp tục "xát muối" vào lòng dư luận. Nhưng vẫn chưa dừng lại, ngày 11-9, tiếp tục xảy ra cháy ở một quán karaoke ở tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên, vụ cháy không có người thương vong đã làm dư luận “thở phào” nhẹ nhõm, nhưng nỗi lo về hỏa hoạn thì vẫn luôn hiện hữu.
Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Bình Dương triển khai phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại hiện trường vụ cháy quán Karaoke tại 166C, khu phố 1A, phường An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương vào ngày 6-9-2022. (Ảnh: nhandan.vn). |
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội dẫn đến tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều khu dân cư, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhanh chóng được hình thành và phát triển. Mặc dù các ngành chỉ đạo thực hiện công tác an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ đã có nhiều biện pháp tuyên truyền và sự nỗ lực của các cấp, nhưng vẫn còn một số đơn vị, cá nhân chưa chú trọng đến công tác phòng cháy, chữa cháy dẫn đến xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại về người và tài sản.
"Giặc lửa" đang ngày càng khó lường. Theo thống kê, trong giai đoạn 2015 - 2019, cả nước đã xảy ra 17.844 vụ cháy, làm 433 người chết, 960 người bị thương, thiêu hủy tài sản trị giá gần 8.000 tỷ đồng, thiệt hại gần 9.600 ha rừng.
Số liệu thống kê mới nhất của Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ - Bộ Công an cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 848 vụ cháy, làm chết 41 người, bị thương 42 người; thiệt hại tài sản ước tính sơ bộ khoảng 415 tỷ đồng và gần 41 ha rừng. So với cùng kỳ năm 2021, thiệt hại về tài sản tăng gần 130 tỷ đồng.
Riêng tháng 7-2022, xảy ra 154 vụ cháy, làm chết 6 người, bị thương 3 người; thiệt hại tài sản ước tính thành tiền khoảng 77,14 tỷ đồng và 4,19 ha rừng; xảy ra 326 vụ sự cố chạm chập thiết bị điện trên cột điện, trong nhà dân, cháy cỏ rác.
Những tưởng chỉ có tháng 7 - thời điểm có nhiệt độ trung bình cao và số ngày nắng nóng nhiều nhất trong năm sẽ làm “bà hỏa” hoạt động mạnh hơn cả, nhưng không, trong tháng 8-2022, các vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về cả người và tài sản vẫn liên tiếp xảy ra. Theo Bộ công an, trong tháng 8-2022, toàn quốc xảy ra 134 vụ cháy, làm chết 10 người, bị thương 7 người, tài sản thiệt hại sơ bộ ước tính 29,68 tỷ đồng.
Đau lòng nhất là vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ngày 1-8, tại quán karaoke 231, Quan Hoa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội, làm 3 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy hy sinh khi tham gia chữa cháy, cứu nạn. Kế đến ngay trong đầu tháng 9-2022, cụ thể ngày 6-9, vụ cháy quán Karaoke tại 166C, khu phố 1A, phường An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 32 người chết khiến cộng đồng không khỏi bàng hoàng, xót xa, thương tiếc…
Một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các cấp chính quyền, người dân về an toàn, phòng, chống cháy, nổ. Đừng để kết thúc các vụ cháy vẫn chỉ “cháy là do lửa”. Cháy đương nhiên là do… lửa, nhưng lửa từ đâu thì lại chính là do con người, bất cẩn thì cháy, không may thì cháy. Dư luận sẽ xót xa, sẽ bàn luận, sẽ lên án… nhưng rồi cũng sẽ qua nhanh và cuộc sống vẫn tiếp diễn, giống như chưa từng có hàng chục sinh mệnh con người đã mãi mãi ra đi.
Tập huấn phòng, chống cháy, nổ tại Công ty TNHH Nam of London (Khu công nghiệp Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang). |
Và việc làm thế nào để ngăn chặn, hạn chế "bà hỏa" gây họa đang là vấn đề trăn trở không chỉ của riêng lực lượng phòng cháy, chữa cháy mà của chung toàn xã hội.
Các vụ cháy trong thời gian vừa qua đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về tính mạng con người và tài sản, khiến cho các cấp chính quyền và nhiều người phải đau xót và trăn trở. Giá như không có sự thờ ơ, chủ quan trong phòng cháy, chữa cháy, mà tất cả mọi người cùng nhau nâng cao ý thức tự bảo vệ tính mạng bản thân, người thân trong gia đình, cộng đồng và bảo vệ tài sản thì sẽ tránh được nguy cơ cháy nổ.
Mọi người cần nâng cao kỹ năng xử lý tình huống khi xảy ra hỏa hoạn; chấp hành nghiêm các quy định về phòng cháy, chữa cháy với tinh thần “phòng cháy thật, chữa cháy thật”, chứ không phải đối phó với cơ quan quản lý phòng cháy, chữa cháy; quan tâm đến an toàn cháy, nổ, đảm bảo an ninh, an toàn thì mới có cuộc sống bình yên.
Ngay sau khi xảy ra vụ cháy quán Karaoke tại 166C, khu phố 1A, phường An Phú, TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện 792 ngày 7-9-2022 về chỉ đạo khắc phục vụ cháy ở Bình Dương. Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có ý kiến chỉ đạo Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng cháy, chữa cháy tại các văn bản: Nghị quyết 102 ngày 9-8-2022 của Chính phủ, Công điện 683 ngày 1-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ, Công văn 2530 ngày 21-4-2022 của Văn phòng Chính phủ...
Bộ Công an chủ trì, phối hợp UBND các địa phương có kế hoạch kiểm tra, rà soát tổng thể các cơ sở có nguy cơ cháy cao trên địa bàn, nhất là các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, kịp thời phát hiện chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định, không để xảy ra các vụ việc tương tự.
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình cháy, nổ và yêu cầu bảo vệ, phát triển bền vững đất nước, Bộ Công an đã xác định chiến lược trên mặt trận chống "giặc lửa". Theo đó, cùng với việc nâng cao ý thức của mỗi người dân, hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý về phòng cháy, chữa cháy thì Bộ Công an đã tiếp tục quan tâm, đầu tư trang thiết bị, phương tiện hiện đại phù hợp điều kiện Việt Nam để phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Việc nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trong nước cũng được khuyến khích.
Đặc biệt, cùng với Bộ Công an, cả hệ thống chính trị cũng nhận thức rõ việc áp dụng và làm chủ khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến nhằm giúp tăng cường sức mạnh ngăn chặn, phòng ngừa "giặc lửa" hoành hành. Vừa qua, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thực hiện Kết luận của Ban Bí thư đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Kế hoạch này nêu rõ việc triển khai các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất, lắp ráp phương tiện, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Chú trọng ứng dụng công nghệ hiện đại, trong đó đẩy mạnh xây dựng, triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu dùng chung và phát huy lợi thế của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
HỮU NGHỊ