Nhớ thương trung thu của một thời xa
Đó đây lại rộn ràng vang lên tiếng trống thì thùng của các đội múa lân mừng đón trung thu.
Mâm cỗ trung thu thời xa xưa. Nguồn ảnh: Internet |
Tôi thả lòng mình nhớ về những trung thu của một thời trẻ xa xưa, với sự náo nức, hân hoan vui đón Tết thiếu nhi.
Ngày ấy cùng với niềm vui ngày khai trường gặp bạn bè, thầy cô sau khi nghỉ hè thì mùa thu có niềm vui khi ánh trăng đổ xuống. Ngày đi học, tối về thả sức nô đùa dưới ánh trăng, thật vui vẻ, êm đềm.
Thời ấy đèn điện còn ít nên trăng sáng lắm. Trăng là ngọn đèn trời, là thứ ánh sáng tự nhiên ban tặng, sáng trong mà mát mẻ, sạch sẽ đến đáng yêu.
Ánh trăng ve vuốt da người cùng làn gió mát, xoa dịu mơn man làm tan đi bao nhọc mệt của ngày dài. “Sáng trăng sáng cả giàn trầu”, ánh trăng sáng ngắm thích lắm, như dòng vàng, thác bạc mát lạnh từ trên cao đổ xuống.
Có làm việc dưới ánh trăng, thì việc làm vất vả cũng như nhẹ bớt, mà lại có phần thi vị, đẹp như bức tranh khi thấy:
“Hỡi cô tát nước bên đàng.
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi?”
Những gì tươi sáng, đẹp đẽ hay được tiền nhân ví với ánh trăng rằm. Mặt cô ấy tròn vành vạnh như mặt trăng đêm rằm, “sáng như trăng rằm” mà đẹp nhất lại là trăng rằm tháng tám.
Cụ Nguyễn Du tả Thúy Vân:
“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”.
Trăng gắn với cuộc sống, gắn với lịch con nước để trồng, cấy, tưới, bừa của nhà nông. Trông trăng để dự báo thời tiết “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”. Ngày xưa trăng và con người thân nhau hơn bây giờ. Người ta thuộc cả ánh trăng, cả hình dạng của trăng để đặt thành những bài đồng dao:
“Mồng một lưỡi trai,
Mồng hai lá lúa.
Mồng ba câu liêm,
Mồng bốn lưỡi liềm.
Mồng năm liềm giật,
Mồng sáu thật trăng.
Mười rằm trăng náu,
Mười sáu trăng treo.
Mười bảy sảy giường chiếu,
Mười tám rám trấu.
Mười chín đụn dịn,
Hăm mươi giấc tốt,
Hăm mốt nửa đêm.
Hăm hai bằng tay,
Hăm ba bằng đầu.
Hăm bốn ở đâu,
Hăm nhăm ở đấy.
Hăm sáu đã vậy,
Hăm bảy làm sao.
Hăm tám thế nào,
Hăm chín thế ấy.
Ba mươi không trăng”.
Trẻ em thời xa xưa háo hức với đèn ông sao. Ảnh: Internet |
Rằm tháng tám cũng là hoạt động cuối cùng trong chuỗi những hoạt động hè của bọn trẻ ở quê ngày trước. Sau dịp hội trại thi đội hình, đội ngũ, thể dục, thể thao, văn nghệ…, thì tết trung thu là dịp cuối dành cho con trẻ trong năm.
Háo hức lắm khi đồ chơi ở quê nghèo, đứa nào có cái đèn ông sao năm cánh, bọc giấy bóng xanh đỏ, quanh viền lơ phơ tí giấy màu là oai phong lắm rồi, làm gì có đầu lân, trống lớn mà có cái trống ếch con con gõ chỉ bung bung là đủ rộn rã xóm làng.
Đầu lân làm bằng cái thúng hỏng, vẽ nhằng vẽ nhịt, lấy khúc màn rách làm đuôi. Thế mà vui đáo để. Đứa nào cũng tranh nhau chui vào múa may, ngọ nguậy, uốn éo cho vã đầm đìa mồ hôi ra thì mới chịu thôi.
Ông phỗng thì lấy áo của mẹ, độn cái gối vào, lấy vôi quệt thẳng vào mặt, thế mà cả lũ cũng dắt díu nhau toong toong gõ trống. Múa chán chê ở sân kho hợp tác thì vào mấy nhà trong xóm xin quà. Tiền chả có đâu nhưng hay được trái bưởi, mấy quả hồng, nải chuối, cái kẹo lạc là thích mê lên.
Thế là cả bọn tụ lại bày cỗ trông trăng, lại chí chóe tranh nhau nhìn lên mặt trăng tròn vạnh, sáng như ánh đèn măng - sông, mà thi nhau chỉ đâu hình chú Cuội, đâu hình gốc đa. Đứa ra vẻ hiểu biết, thì giảng giải đó là các hố lõm trên mặt trăng, chứ trên đó làm gì có chú Cuội, chị Hằng.
Cỗ trông trăng bày trên lá chuối, đứa chạy về nhà lấy thêm củ khoai, miếng sắn. Khá giả thì mang góp bánh nướng, bánh dẻo. Miếng bánh nướng ngày xưa bột vừa cứng, vừa thô, lại nướng hơi quá lửa, cháy đen đen. Bánh dẻo bột khô với nhân là mứt bí, chia nhau được miếng tí teo, mà vị ngọt đơn sơ, ngọt ngon nhưng nhức đến tận bây giờ.
Đồ chơi tự làm có linh hồn riêng, niềm vui riêng. Chuỗi đèn hạt bưởi khô xâu lại bằng tăm tre, cháy lách tách tỏa mùi thơm dìu dịu, thắp lên sáng rung rinh cả một thời con trẻ. Cắm đèn hạt bưởi vào đèn ông sao, ánh sáng khi mờ, khi tỏ, lung linh, huyền ảo giữa đêm trăng trong.
Trung thu ngày xưa bên bạn bè được thả sức hò hét, chạy nhảy, nô đùa, đánh vỗ, trốn tìm, múa lân, đánh trận giả, đánh khăng, bắn bi, đánh đáo...
Đó là thực sự là Tết thiếu nhi. Nhớ lắm! Thương nhiều ánh trăng xưa!
Bây giờ cuộc sống đủ đầy nên niềm vui uể oải, trẻ con có ít điều để háo hức chờ mong. Khi mọi thứ đều như lập trình, thì làm sao có niềm vui tròn vẹn như ánh trăng rằm.
Việc học hành giờ đây sao nề nặng, tuổi thơ bị trôi cuốn nơi nào? Suốt ngày với màn hình, ám ảnh cả chiêm bao, với một vẻ mặt không vui, không buồn, không giận.
Có rủ nhau đi xem múa lân cũng thấy màu thương mại, khi gõ cửa xin tiền, hay chặn cả đầu xe xin xỏ. Chương trình trung thu được tổ chức theo lập trình vẫn có phá cỗ, có cả MC làm chú Cuội, chị Hằng, múa lân hoành tráng mà sao chưa thực sự làm bọn trẻ bây giờ thực sự hòa mình bầu không khí ấy.
Chơi trung thu đấy mà có mấy ai còn nhớ bài đồng dao:
“Ông giẳng ông giăng
Ông giằng búi tóc
Ông khóc, ông cười
Mười ông một cỗ
Đánh nhau lỗ đầu
Đi cầu nhà huyện
Đi kiện nhà quan
Đi bàn nhà phủ
Một lũ ông già
Mười ba ông điếc
Con diệc hai chân
Đưa giăng về trời”.
(Theo enternews.vn)