Ổn định thị trường xăng dầu
Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, là “máu” của nền kinh tế. Bởi vậy, việc thị trường xăng dầu có những diễn biến bất ổn, những ngày vừa qua không ít cửa hàng kinh doanh xăng dầu ở nhiều địa phương trên cả nước treo biển "hết hàng", đặc biệt đây không phải lần đầu tiên xảy ra tình trạng này, khiến dư luận hết sức quan tâm, lo lắng, mong muốn những vướng mắc, bất cập sẽ sớm được giải quyết triệt để.
Ảnh minh họa: TTXVN. |
Nhằm ổn định thị trường xăng dầu, Bộ Công Thương đã nhanh chóng thành lập các đoàn công tác tiến hành thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có biểu hiện "găm" hàng, thậm chí rút giấy phép kinh doanh của một số doanh nghiệp. Đây là việc làm cần thiết, thể hiện trách nhiệm của cơ quan quản lý, nhưng biện pháp xử phạt thực ra mới chỉ giải quyết được phần ngọn.
Câu hỏi đặt ra là vì sao nhiều đại lý, cửa hàng kinh doanh xăng dầu “hết hàng” hoặc chỉ bán nhỏ giọt, nhất là khi có biến động về giá? Cơ quan chức năng khẳng định tổng nguồn cung xăng dầu không thiếu. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu nằm ở chỗ “dòng chảy” xăng dầu giữa doanh nghiệp đầu mối và các thương nhân phân phối, tổng đại lý, đại lý, cửa hàng đến người tiêu dùng đã có lúc bị gián đoạn. Nhiều ý kiến cho rằng, cơ chế điều hành giá chưa phù hợp là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng này.
Doanh nghiệp hoạt động phải có trách nhiệm với xã hội, phải thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật có liên quan. Xăng dầu ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, là mặt hàng kinh doanh có điều kiện thì hoạt động kinh doanh xăng dầu càng phải chấp hành nghiêm pháp luật, không thể thấy lãi thì làm, thấy lỗ là bỏ.
Tuy nhiên, bản chất của hoạt động sản xuất, kinh doanh là lợi nhuận. Nếu giá đầu vào tăng, giá bán ra chưa kịp điều chỉnh tăng theo, chiết khấu bằng 0 đồng, càng bán càng lỗ thì chủ cơ sở kinh doanh có tâm lý "găm" hàng chờ giá lên hoặc “ngại” nhập hàng để bán là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đây cũng chính là thực tế xảy ra trong kinh doanh xăng dầu thời gian gần đây, là một bất cập trong cơ chế điều hành giá xăng dầu.
Hiện nay, theo Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 1-11-2021 của Chính phủ, chu kỳ điều hành giá xăng dầu đã được rút ngắn từ 15 ngày xuống 10 ngày. Thế nhưng đây vẫn là khoảng thời gian khá dài vì giá xăng dầu trên thị trường thế giới biến động hằng ngày.
Hơn nữa, theo quy định, đối với các kỳ điều hành trùng vào ngày nghỉ, ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước thì thời gian điều hành giá sẽ được lùi sang ngày làm việc tiếp theo; đối với kỳ điều hành trùng vào dịp Tết Nguyên đán, thời gian điều hành được lùi sang kỳ điều hành tiếp theo, nên thời gian điều hành giá vào dịp này càng bị kéo dài.
Việc không kịp điều chỉnh giá đã tạo ra sự “lỗi nhịp” giữa giá xăng dầu trong nước và giá trên thị trường thế giới. Nếu giá thế giới giảm mà trong nước chưa điều chỉnh giảm thì người tiêu dùng bị thiệt, ngược lại, nếu giá thế giới tăng mà không kịp điều chỉnh giá bán trong nước tăng theo, sẽ không tạo ra động lực để doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư kinh doanh.
Bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân chính là lời giải quan trọng nhất cho bài toán ổn định thị trường xăng dầu. Muốn vậy, cần có cơ chế điều hành giá thật linh hoạt theo diễn biến thị trường, bên cạnh đó, việc tính giá cơ sở xăng dầu cũng cần phù hợp với thực tiễn.
(Theo www.qdnd.vn)