Thứ Năm, 16/05/2013, 19:13 (GMT+7)
.

Những “hạt sạn” đề kiểm tra và đáp án từ đâu?

Mấy hôm nay dư luận từ thầy cô và học sinh TP. Mỹ Tho râm ran chuyện đề thi học kỳ II lớp 8 đối với môn Văn và môn Anh văn do Sở Giáo dục & Đào tạo Tiền Giang biên soạn. Đến khi Báo Ấp Bắc đăng bài “Những “hạt sạn” khó chấp nhận” của tác giả Lê Minh Hoàng, viết về đề kiểm tra và đáp án môn Văn lớp 8 thì thầy cô (có tôi) cùng học sinh cảm thấy nỗi ấm ức được trút bỏ phần nào.

Đồng cảm với tác giả bài báo, tôi thử giải thích nguyên nhân về lỗi chính tả (điều mà đề kiểm tra yêu cầu nghiêm ngặt). Tôi đặt câu hỏi: Có thể nhầm lẫn trong đánh máy? Nhưng trên bàn phím, phím “c” và phím “t” nằm cách nhau 2 dòng. Vậy “hạt sạn” này từ đâu? Rồi tôi đưa thêm các câu hỏi: Vậy còn người duyệt đề, có đọc đề không? Có chuyên môn để hiểu đề đúng/sai hoặc sơ sót... gì gì đó hay không? Có suy nghĩ rằng liệu đề này học sinh mình sẽ làm được? Có đúng nội dung học? Có đúng trọng tâm? Có đảm bảo sự cân đối các nội dung học tập cả năm?...

Nếu làm đúng điều này, người duyệt đề phải suy nghĩ, phải cân nhắc ít nhất một vài ngày, lúc đó khả năng phát hiện sai sót, lỗi chính tả... rất cao. Nhưng thực tế thì không phải như vậy và hệ lụy của nó là để xảy ra những “hạt sạn”. Nói theo tác giả Lê Minh Hoàng, té ra người ra đề hình như cũng chưa phân biệt rõ lắm về “văn giải thích, chứng minh” với văn “bình luận”, giữa “suy nghĩ ” và “giải thích, chứng minh”!

Đối với học sinh, nếu làm đúng yêu cầu đề thi “nêu suy nghĩ ” thì học sinh sẽ nhận được điểm thấp vì thầy cô buộc phải chấm theo đáp án; ngược lại, nếu học sinh làm không đúng yêu cầu đề nhưng đúng ý của người ra đề sẽ được điểm cao. Chúng ta hãy hình dung: Về nhà các em sẽ trách thầy cô, dạy sao để em làm đúng (như thầy cô dạy) nên không đạt yêu cầu! Thầy cô trăn trở, bứt rứt “Chẳng lẽ mình sai? Chuyên môn mình kém?”.

Chung quanh chuyện đề và đáp án kiểm tra học kỳ II môn Ngữ văn lớp 8 không chỉ dừng lại ở “sự cố”,  mà vấn đề đặt ra là “tính khoa học” cho một kỳ thi đối với học sinh đang ở lứa tuổi dễ bị tổn thương. Và chính những “hạt sạn” xuất phát từ những điều cơ bản nhất của chuyên môn một khi không được chú ý thì hệ lụy của nó sẽ khó tránh khỏi.

HUY VIỆT

.
.
.