Nhiều việc làm vì học sinh thân yêu
Mặc dù học sinh đã được nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh Covid-19; thế nhưng, tại các trường học, trước ngày 1-4, nhiều cán bộ, giáo viên vẫn bám trường bám lớp để giúp học sinh ôn tập lại kiến thức qua mạng, qua truyền hình hoặc làm vệ sinh trường lớp… Mỗi người mỗi việc, tuy vất vả, nhưng các thầy cô lúc nào cũng nở niềm vui trên khuôn mặt, vì học trò thân yêu của mình.
Với tinh thần đồng lòng, vượt khó, ngành Giáo dục sẽ vượt qua khó khăn trước đại dịch Covid-19 (ảnh chụp vào đầu năm nay). |
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, ngành Giáo dục đã gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, với tinh thần đồng lòng, không ngại khó, nhiều thầy cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp để thực hiện nhiều công việc có ích vì học sinh thân yêu.
Những ngày cuối tháng 3, đi ngang Trường Mầm non Đăng Hưng Phước (huyện Chợ Gạo), thấy sân trường như thay bộ áo mới, nhiều màu sắc, họa tiết trang trí bắt mắt. Cô Nguyễn Thị Cẩm Giang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Tận dụng khoảng thời gian trẻ được nghỉ học ở trường, các cô tranh thủ làm một số việc: Làm hồ sơ, sổ sách; trang trí; lau dọn vệ sinh… Ai cũng làm việc hết mình vì đàn em thân yêu!”.
Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho là một trong những trường đầu tiên của tỉnh triển khai việc học trực tuyến. Dưới sự chỉ đạo sáng tạo, quyết liệt của Ban Giám hiệu nhà trường, việc học trực tuyến đã từng bước đi vào quỹ đạo ổn định, tích cực. Hằng ngày, giáo viên đều đặn đến trường hỗ trợ học sinh ôn tập trực tuyến qua mạng. Có thể nói, phương tiện duy nhất vào thời điểm này để các thầy cô liên lạc được với học sinh đó là chiếc laptop kết nối mạng, cài đặt phần mềm hỗ trợ việc học trực tuyến.
Thầy Lê Huỳnh Phước Hiệp, giáo viên môn Hóa học của Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết, thời điểm này, cả thầy và trò đều đồng lòng vượt khó, đặc biệt là học sinh khối 12. Nhờ có việc học trực tuyến mà thầy và trò có thể trao đổi với nhau trong việc ôn lại kiến thức, rèn kỹ năng giải bài tập. Có thể nói, tuy chất lượng không bằng dạy trực tiếp trên lớp, thế nhưng đây được xem là biện pháp hữu hiệu thời Covid để giúp học sinh không quên kiến thức trong thời gian này.
“Mỗi giờ lên lớp, thấy học trò online đầy đủ là tâm trạng của giáo viên rất vui. Nhiều học sinh chủ động trong việc học, tham gia giải bài tập trên Facebook hoặc Zalo… Hễ có vấn đề gì cần trao đổi sâu, học trò liền gọi điện thoại cho giáo viên để trao đổi” - thầy Hiệp chia sẻ.
Còn với các thầy cô ở bậc tiểu học, những ngày này tập trung đọc, nghiên cứu để đưa ra quyết định chọn sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên tranh thủ làm thêm đồ dùng dạy học và những công việc chuẩn bị cần thiết, để không bị cập rập sau khi có lệnh đi học lại.
Có thể nói, không chỉ giáo viên mà cả học sinh đã tranh thủ thời gian để ôn lại kiến thức cũ, giải lại một số bài tập kỹ năng cần thiết, đặc biệt là đối với những học sinh cuối cấp. Em Nguyễn Công Tuấn, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, cho biết: “Những ngày nghỉ vừa qua, dưới sự hướng dẫn của thầy cô, em đã giải rất nhiều bài tập và thực hành được một số đề thi THPT Quốc gia. Em đã sẵn sàng cho ngày trở lại trường”.
Tin rằng, với tinh thần đồng lòng cùng nhau vượt khó, các thầy cô giáo cũng như học sinh của toàn ngành Giáo dục tỉnh nhà sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn này. Việc giữ cho mình sức khỏe tốt, một tâm lý vững vàng được xem là liều thuốc hữu hiệu nhất để chiến thắng đại dịch Covid-19.
THẢO PHƯƠNG