.

Để xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện

Cập nhật: 06:59, 10/11/2020 (GMT+7)

 (ABO) Những năm qua, công tác xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh để học sinh rèn luyện đạo đức, lĩnh hội tri thức, phát triển toàn diện về đức - trí - thể - mỹ luôn là mục tiêu đặt lên hàng đầu mà ngành Giáo dục Tiền Giang đang hướng đến. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng bạo lực học đường (BLHĐ) được xem là mối nguy tiềm ẩn đặt ra không chỉ với những người làm công tác giáo dục, mà còn cả với các cấp chính quyền, các ngành và toàn xã hội.

Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Ảnh chụp tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.
Xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh giúp nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Ảnh chụp tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, TP. Mỹ Tho.

Theo các chuyên gia tâm lý, có nhiều nguyên nhân xảy ra tình trạng BLHĐ như: Chương trình học quá nặng nề; tác động của mạng xã hội; sự buông lỏng thiếu quan tâm của gia đình… BLHĐ hầu như xảy ra ở các cấp học nhưng tập trung nhất là ở cấp học THCS và THPT.

Theo nghiên cứu, BLHĐ sẽ trải qua ba giai đoạn là trước, trong và sau hành vi bạo lực. Dấu hiệu dễ thấy nhất của tình trạng BLHĐ là những học sinh gây gổ, hăm dọa, kết băng nhóm, mang theo hung khí trong người… Bên cạnh đó, dấu hiệu tiềm ẩn của BLHĐ là hiện tượng học sinh học kém, lêu lổng, chán học, thái độ bất mãn… Đối với công tác giáo dục cần xem các dấu hiệu tiềm ẩn là vấn đề có ý nghĩa nhất vì nó cảnh báo nhà trường tiến hành can thiệp, ngăn chặn các hành vi BLHĐ kịp thời, định hướng cách giải quyết thỏa đáng.

Tại Tiền Giang, nhiều năm qua đã triển khai tốt công tác phòng, chống BLHĐ, quan tâm giáo dục cho học sinh những kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử và giải quyết mâu thuẫn. Các trường học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và thực hiện Bộ quy tắc ứng xử trong trường học; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, giá trị sống, nhằm tạo sự chuyển biến trong thái độ, hành vi chuẩn mực của học sinh, giáo viên, cán bộ trong trường học.

Bên cạnh đó, tại các trường học trên địa bàn tỉnh còn làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật, cho học sinh thông qua các buổi chào cờ, sinh hoạt, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho học sinh, giáo viên về mối nguy hiểm và hậu quả của BLHĐ. Đặc biệt là vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong định hướng, nhắc nhở, giáo dục học sinh về tinh thần đoàn kết và thay đổi những hành vi lệch lạc, thiếu chuẩn mực…, cùng học sinh giải quyết mọi vấn đề trong môi trường học đường, giúp học sinh tự tin, sáng tạo; đồng thời, giúp các em tránh xa tệ nạn xã hội và phát triển nhân cách toàn diện…

Như vậy, để hướng đến mục tiêu xây dựng môi trường học đường an toàn, thân thiện, không có BLHĐ đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ không riêng gì ngành Giáo dục, mà còn là sự quan tâm từ phía gia đình, xã hội.

Về phía ngành Giáo dục cần đưa thêm vào nhà trường những chương trình giáo dục mang tính nhân văn, xã hội, các hoạt động thân thiện, gia tăng yếu tố dạy người trong giáo dục. Cần có các chương trình, hướng tới các nhóm học sinh có dấu hiệu hành vi bạo lực nguy cơ cao, có các chương trình giáo dục kỹ năng xã hội cho học sinh; tổ chức tư vấn, tham vấn tâm lý học đường trong các trường học để hỗ trợ học sinh vượt qua các khó khăn tâm lý, định hướng các ứng xử lành mạnh, thân thiện.

Về phía gia đình cần hướng tới cho học sinh cải thiện các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Bên cạnh đó, cha mẹ nên trò chuyện để hiểu con em mình hơn; cần phải biết và thường xuyên gặp gỡ các bạn thân của con em mình để biết những vấn đề con em mình đang gặp phải và đang che giấu. Về phía xã hội cần thiết lập tốt các quy tắc ứng xử sao cho phù hợp; mọi người giao tiếp, nói chuyện với nhau trên cơ sở tôn trọng, giúp đỡ và chan hòa nghĩa tình với nhau.

NGUYỆT PHƯƠNG


 

.
.
.