.

Tranh luận sôi nổi xung quanh vụ việc ở Đại học Tôn Đức Thắng

Cập nhật: 11:07, 07/11/2020 (GMT+7)

Vụ việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm đặt câu hỏi tại phiên chất vấn tại nghị trường Quốc hội.
 

a
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn tại phiên họp. Ảnh: VIẾT CHUNG

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau) hỏi: “Việc cách chức Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng (ông Lê Vinh Danh) của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có đúng thẩm quyền, theo quy định của Luật Giáo dục đại học?”.

Trả lời ĐB, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, liên quan đến vụ việc tại Đại học Tôn Đức Thắng, Chính phủ ủng hộ mô hình tự chủ thực hiện ở trường đại học này. Theo quy định của Luật Giáo dục đại học, thì Hội đồng trường là cơ quan quyền lực của trường đại học. “Việc cách chức hiệu trưởng, như trường hợp ông Lê Vinh Danh, phải được Hội đồng trường quyết định, sau đó sẽ báo cáo cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Như vậy, khi có Hội đồng trường thì việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đơn phương xử lý Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng mà không thông qua Hội đồng trường là không đúng luật”.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giải thích thêm, ở thời điểm kỷ luật ông Lê Vinh Danh, Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng đã hết nhiệm kỳ hoạt động, trong khi Hội đồng trường nhiệm kỳ mới chậm được kiện toàn. Nói cách khác, thời điểm kỷ luật ông Lê Vinh Danh thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng đang không có Hội đồng trường.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Phó Thủ tướng trả lời thẳng: Tổng Liên đoàn có thẩm quyền với việc kỷ luật Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng hay không?

Phó Thủ tướng khẳng định lại, theo Luật Giáo dục Đại học thì việc kỷ luật không đúng thẩm quyền. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Chính phủ đã cử một Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng làm việc, trước hết là kiện toàn Hội đồng trường theo đúng quy định của Luật Giáo dục đại học để tháo gỡ, giải quyết vấn đề.

Tuy nhiên, theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là mô hình tốt, có được một trường như vậy là điểm sáng của mô hình tự chủ đại học. Thành công của Trường Đại học Tôn Đức Thắng có đóng góp của nhiều cơ quan, đơn vị như TPHCM, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội đồng trường, trong đó có cả hiệu trưởng trường. Còn việc xử lý kỷ luật cán bộ thì phải thực hiện theo Luật Giáo dục đại học, Luật Cán bộ công chức, viên chức và công tác cán bộ của Đảng.

Chưa hoàn toàn hài lòng, ĐB Lê Thanh Vân tiếp tục tranh luận, nêu quan điểm Tổng Liên đoàn có quyền kỷ luật viên chức do mình quản lý, nhưng thẩm quyền quyết định trong trường hợp này là thuộc Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng. ĐB đề nghị các cơ quan, bộ ngành có các đại học trực thuộc tôn trọng mô hình, quy định về tự chủ đại học.

Tuy nhiên, là đại diện của Liên đoàn Lao động, từng tham gia Hội đồng trường Đại học Tôn Đức Thắng, ĐB Trần Thị Diệu Thuý, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM nhận định, trường hợp Đại học Tôn Đức Thắng không có Hội đồng trường thì việc kỷ luật hiệu trưởng do cơ quan chủ quản quyết định. Như vậy, việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định cách chức ông Lê Vinh Danh là đúng luật.

“Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã gửi văn bản hỏi Bộ Nội vụ. Văn bản trả lời của Bộ Nội vụ (số 4378 ngày 21-8-2020) nêu rõ, về thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ công chức là người đứng đầu các trường đại học, đến nay do Đại học Tôn Đức Thắng chưa có Hội đồng trường nên thẩm quyền tiến hành kỷ luật và ra quyết định kỷ luật đối với Hiệu trưởng Đại học Tôn Đức Thắng là do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quyết định”, nữ ĐB dẫn chứng.

(Theo sggp.org.vn)


 

.
.
.