.
Nhìn lại năm 2020 Giáo dục và đào tạo:

Vượt qua khó khăn, đạt được những tiến bộ toàn diện

Cập nhật: 20:08, 20/12/2020 (GMT+7)

 

Giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: HOÀNG HÙNG.
Giờ học của học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh). Ảnh: HOÀNG HÙNG.

Năm 2020, dịch Covid-19 tác động không nhỏ đến các hoạt động dạy học của ngành giáo dục. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp, kết thúc năm 2020, ngành giáo dục đã đạt được những kết quả tích cực ở các lĩnh vực, các cấp bậc học, góp phần đẩy nhanh quá trình thực hiện hiệu quả đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD và ĐT).

Hoàn thành mục tiêu kép

Đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xảy ra, các trường học đã thực hiện đóng cửa để cùng cả nước chống dịch. Bộ GD và ĐT đã cắt giảm chương trình vừa phù hợp thực tế phòng, chống dịch vừa bảo đảm kiến thức, kỹ năng của chương trình dạy học. Tuy nhiên, việc nghỉ học dài ngày vẫn phải hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông, kiểm tra, đánh giá, thi cử… là bài toán khó, tạo áp lực rất lớn đối với các nhà trường. Vì vậy, ngành Giáo dục triển khai mục tiêu kép vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019 - 2020.

Bộ GD và ĐT đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ năm học 2019-2020 và phòng, chống dịch với phương châm “sức khỏe, an toàn của học sinh, sinh viên, giáo viên là trên hết” và “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Trong đó, Bộ GD và ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học; hướng dẫn tinh giản nội dung dạy học chương trình học kỳ 2 của năm học 2019-2020 bảo đảm những nội dung cốt lõi, nền tảng. Ngành Giáo dục cũng triển khai dạy học qua in-tơ-nét và trên truyền hình, đào tạo từ xa trong thời gian học sinh, sinh viên nghỉ học ở trường để phòng, chống dịch Covid-19.

Kết quả, trong hơn bốn tháng triển khai, có gần 50% trường đại học tổ chức dạy học trực tuyến. Ở nhiều địa phương dạy học trực tuyến rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học như: Tỉnh Phú Thọ rút ngắn được 4 đến 6 tuần; Nghệ An, Quảng Trị, Yên Bái, Thái Nguyên rút ngắn được 2 đến 4 tuần... Tại Hà Nội có 95% đến 98% tham gia học trực tuyến trên in-tơ-nét; Quảng Ninh có hơn 71% học sinh tiểu học và THCS và hơn 92% học sinh THPT tham gia học trên in-tơ-nét, truyền hình... Ngày 29-9, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố báo cáo PISA. Theo số liệu của báo cáo này, việc học trực tuyến phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Cụ thể, Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Vì vậy, kết thúc năm 2020, sau hai đợt dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, gần 1,5 triệu giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và gần 24 triệu học sinh, sinh viên cả nước đều an toàn trước dịch bệnh và vẫn bảo đảm chất lượng giáo dục.

Hiệu quả trong thi, tuyển sinh

Không chỉ tác động việc dạy và học, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 cũng chịu tác động mạnh mẽ của dịch Covid-19. Mặc dù phải tổ chức làm hai đợt nhưng kỳ thi tốt nghiệp THPT đã được tổ chức thành công, bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, khách quan, công bằng. Trước và trong những ngày diễn ra kỳ thi và trong thời gian chấm thi, Bộ GD và ĐT đã đi kiểm tra, làm việc với ban chỉ đạo thi các tỉnh, thành phố và các hội đồng thi, qua đó kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Các địa phương đã chủ động triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm thi và có các giải pháp hỗ trợ cao nhất cho thí sinh; bảo đảm không để thí sinh, nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi.

Nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, bảo đảm “vừa sức”, không đánh đố thí sinh, có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng. Phổ điểm từng môn thi (theo đợt thi cũng như theo địa phương) và phổ điểm các tổ hợp xét tuyển truyền thống được phân tích chi tiết và thông tin công khai. Lần đầu tiên Bộ GD và ĐT thực hiện đối sánh kết quả thi với điểm học bạ, kết quả đối sánh được công bố ngay sau khi có kết quả thi đợt một cho thấy kết quả thi cơ bản phản ánh đúng chất lượng giáo dục của các địa phương. Theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 98,3%, (trong đó, tỷ lệ đối với THPT là 98,9%, đối với giáo dục thường xuyên là 92,5%).

Kỳ thi tốt nghiệp THPT đạt kết quả tích cực góp phần tạo thuận lợi cho quá trình tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm. Các trường phát huy tốt tinh thần tự chủ, mở rộng các phương thức tuyển sinh ngoài phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT, như xét học bạ, xét tuyển thẳng, thi đánh giá năng lực... góp phần nâng cao chất lượng đầu vào đại học. Bên cạnh đó, các trường đã chủ động, linh hoạt thay đổi phương án tuyển sinh để phù hợp với tình hình dịch Covid-19, thể hiện trách nhiệm xã hội, đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết. Năm 2020, cả nước có 528.038 chỉ tiêu tuyển sinh; số thí sinh đăng ký xét tuyển là 642.945 với 2.494.210 nguyện vọng xét tuyển. Kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng, ngay trong đợt một, có 161 đơn vị tuyển đủ chỉ tiêu.

Triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) giáo dục phổ thông, lần đầu tiên chương trình giáo dục phổ thông được xây dựng một cách bài bản, từ chương trình tổng thể đến các chương trình môn học, hoạt động giáo dục. Chương trình mới được xây dựng theo hướng tiếp cận phát triển phẩm chất, năng lực học sinh đã khắc phục được những hạn chế của chương trình tiếp cận nội dung hiện hành; bảo đảm nội dung giáo dục tinh giản, thiết thực, gắn với thực tiễn, tập trung đổi mới mạnh mẽ về phương pháp, hình thức dạy học và kiểm tra, đánh giá. Đáng chú ý, từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1, Bộ GD và ĐT đã thẩm định, phê duyệt năm bộ SGK lớp 1 để các địa phương, cơ sở giáo dục lựa chọn, đưa vào giảng dạy. Việc các bộ SGK đều được các trường lựa chọn đánh dấu thành công bước đầu của chủ trương một chương trình, nhiều bộ SGK nhằm cởi trói cho sự sáng tạo trong dạy và học của các nhà trường. Bên cạnh đó, chính sách này cũng phá bỏ việc độc quyền biên soạn và phát hành, tạo sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng. Mặc dù, một số SGK phải chỉnh sửa nhưng về tổng thể, việc biên soạn được năm bộ sách sẽ là tiền đề, đồng thời là một bước tiến quan trọng trong đổi mới dạy và học ở bậc phổ thông.

Để quy trình biên soạn, thẩm định SGK chặt chẽ, công bằng, minh bạch hơn, Bộ GD và ĐT sẽ thực hiện những bước điều chỉnh quan trọng trong công tác thẩm định. Ngoài việc các nhà xuất bản phối hợp với tác giả chủ động tổ chức việc thực nghiệm thì tới đây sẽ có sự tham gia chỉ đạo, phối hợp của Bộ GD và ĐT. Bên cạnh đó, trước khi gửi lên Bộ GD và ĐT để thẩm định, các nhà xuất bản phải tổ chức thẩm định sơ bộ tại đơn vị để đánh giá, rà soát chất lượng SGK, nhằm nâng cao chất lượng bản mẫu. Một điểm mới đáng chú ý: Sẽ mở rộng thêm đối tượng góp ý cho bản mẫu SGK. Theo đó, các Sở GD và ĐT tổ chức cho giáo viên dạy các môn học, hoạt động giáo dục tham gia góp ý các bản mẫu SGK… nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.

Có thể nói, năm 2020 khép lại, GD và ĐT vẫn còn một số vấn đề chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cũng như mong mỏi của xã hội. Tuy nhiên, với một năm có nhiều đổi mới và chịu nhiều tác động của dịch Covid-19, ngành Giáo dục đã vượt qua khó khăn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tại hội nghị tổng kết năm học 2019 - 2020 cuối tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam khẳng định, ngành Giáo dục phải vượt qua rất nhiều khó khăn và thách thức nhưng đã kế thừa kết quả của những năm học trước, đạt những kết quả rất rõ nét, đạt được những tiến bộ toàn diện trên nhiều mặt.

(Theo nhandan.com.vn)

.
.
.