.
Loay hoay giải bài toán thiếu giáo viên mầm non

Bài 2 - Thiếu nguồn tuyển dụng

Cập nhật: 10:16, 08/01/2021 (GMT+7)

Bài 1: Nỗi niềm giáo viên mầm non

Tình trạng thiếu giáo viên mầm non (GVMN) không chỉ diễn ra mới đây mà đã trở thành “điệp khúc” trong nhiều năm qua ở nhiều tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Dù đã có không ít hội nghị cũng như các kỳ họp HĐND các tỉnh đưa ra thảo luận, hiến kế giải quyết tình trạng thiếu GVMN nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp căn cơ, dài hơi cho thực trạng này…

BỨC BÁCH CHUYỆN THIẾU GVMN

Vào tháng 5-2019, tại TP. Cần Thơ, hội nghị đánh giá thực trạng giáo dục mầm non (GDMN), phổ thông mang tầm khu vực ĐBSCL đầu tiên do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức nhằm tìm ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn về vấn đề giáo dục của khu vực ĐBSCL, trong đó có thực trạng thiếu GVMN tại các tỉnh ở khu vực này. Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, năm học 2019 - 2020, ở bậc mầm non, cả nước thiếu 45.242 giáo viên (GV), riêng khu vực ĐBSCL thiếu trên 11 ngàn GV. Tại hội nghị, lãnh đạo ngành Giáo dục của nhiều tỉnh trong khu vực đã có ý kiến về tình trạng “cung không đủ cầu” đối với GV bậc học mầm non.

Biểu đồ bình quân GVMN năm học 2018 - 2019 và năm học 2019 - 2020 theo vùng trên toàn quốc.
Biểu đồ bình quân GVMN năm học 2018 - 2019 và năm học 2019 - 2020 theo vùng trên toàn quốc.

Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, thời gian qua, GDMN của tỉnh đã đạt những thành tựu nhất định về quy mô học sinh, mạng lưới trường lớp. Toàn tỉnh hiện có 187 trường mầm non, trong đó có 170 trường mầm non công lập (với 1.528 nhóm trẻ và lớp mẫu giáo), 17 trường mầm non ngoài công lập. Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh có 415 cán bộ quản lý ở bậc học mầm non và 3.074 GVMN. Tuy nhiên, mức độ phát triển GDMN của tỉnh vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, trong đó có nguyên nhân từ thiếu GVMN thời gian dài chưa có giải pháp khắc phục dẫn đến một số chỉ tiêu về phát triển GDMN giai đoạn 2015 - 2020 chưa đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang nhiệm kỳ 2015 - 2020, chỉ tiêu này còn thấp so với cả nước.

Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang Lê Quang Trí cho biết, theo Thông tư liên tịch 06 ngày 16-3-2015 của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hướng dẫn danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong cơ sở GDMN công lập (gọi tắt là Thông tư 06) quy định bố trí 2,2 GV/lớp (đối với lớp mẫu giáo) và 2,5 GV/1 nhóm (đối với nhóm trẻ). Hiện nay, so với quy định của Thông tư 06 thì tỉnh Tiền Giang còn thiếu 860 GVMN.

Tại tỉnh Bến Tre, tình trạng thiếu GVMN cũng không khả quan hơn. Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bến Tre Võ Văn Luyến, dù lãnh đạo tỉnh rất quan tâm nhưng thực trạng thiếu GVMN vẫn chưa có giải pháp căn cơ. Căn cứ theo Thông tư 06 thì tỉnh Bến Tre cần đến 3.379 GVMN, nhưng hiện nay toàn tỉnh chỉ có 2.625 GV, thiếu 754 GV.

Nhìn trên bình diện tổng thể, những năm qua, chất lượng giáo dục khu vực ĐBSCL nói chung và bậc học mầm non nói riêng đã được nâng lên. Tuy nhiên, tình trạng thiếu GVMN vẫn là thực trạng nan giải nhiều năm qua mà các tỉnh trong khu vực cần có những đánh giá, nhìn nhận, tìm ra các giải pháp căn cơ để tháo gỡ khó khăn cho bậc học này.

NGUỒN TUYỂN DỤNG HẠN CHẾ

Trước những bức bách của nhu cầu thực tế về GVMN, nhiều tỉnh khu vực ĐBSCL đã có những cơ chế thông thoáng trong việc tuyển dụng cũng như phân bổ số lượng biên chế GVMN, nhưng vẫn không có nguồn tuyển. Theo Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang, căn cứ vào nhu cầu thực tế, hằng năm, UBND các huyện, thị, thành của tỉnh đều giao chỉ tiêu tuyển GVMN cho Phòng Nội vụ tổ chức tuyển dụng, nhưng số hồ sơ dự tuyển không đáp ứng chỉ tiêu được giao. Cụ thể, 7 tháng đầu năm 2020, chỉ có 8/11 huyện, thị, thành của tỉnh tuyển được 148 GVMN, trong khi nhu cầu cần tuyển của cả tỉnh là 289 GVMN.

Trường Mầm non Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) được xây dựng cơ sở vật chất khang trang,  bếp ăn đầy đủ nhưng vẫn không tổ chức được bán trú do thiếu giáo viên.
Trường Mầm non Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) được xây dựng cơ sở vật chất khang trang, bếp ăn đầy đủ nhưng vẫn không tổ chức được bán trú do thiếu giáo viên.

Có thể thấy, nhu cầu tuyển dụng lớn nhưng nguồn dự tuyển rất ít. Tại Trường Đại học Tiền Giang, trong 3 khóa đào tạo gần đây, số lượng sinh viên ngành Sư phạm mầm non ra trường không đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng của tỉnh. Cụ thể, trong các khóa học 2015 - 2018, 2016 - 2019 và 2017 - 2020, trường có số sinh viên ngành sư phạm mầm non tốt nghiệp lần lượt là 51 sinh viên, 110 sinh viên và 152 sinh viên, trong khi mỗi năm nhu cầu cần tuyển của toàn tỉnh Tiền Giang là khoảng 250 GVMN.

Hiện nay, Gò Công Đông là huyện đáng báo động về tình trạng thiếu GVMN của tỉnh Tiền Giang. Theo lãnh đạo ngành Giáo dục huyện này, trong nhiều năm học qua, huyện hầu như không tuyển đủ nguồn GVMN theo chỉ tiêu phân bổ. Theo Thông tư 06, toàn huyện hiện còn thiếu 115 GVMN. Thực trạng này kéo dài đã làm cho bậc học mầm non của huyện Gò Công Đông gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, do thiếu GV nên nhiều trường mầm non, mẫu giáo của huyện dù được xây dựng khang trang, cơ sở vật chất, bếp ăn đầy đủ nhưng vẫn không tổ chức được bán trú, trong đó có thể kể đến một số trường mầm non ở các xã như: Phước Trung, Gia Thuận, Tân Thành, Kiểng Phước...

Theo Phó Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non (Sở GD&ĐT tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Ngọc Hoàng Trang, theo quy định từ năm 2015 đến nay, GVMN hưởng lương theo vị trí việc làm và mầm non là bậc học hưởng lương thấp nhất. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang còn 543 GVMN (chiếm 22,7%) hưởng lương chức danh với hệ số là 1.86. Chính mức lương như vậy đã không thể thu hút sinh viên theo học các lớp đào tạo ngành Sư phạm mầm non dẫn đến nguồn tuyển bị thiếu hụt.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có 12 phòng học của một số trường mầm non vẫn “cửa đóng then cài” vì không có GV để huy động trẻ ra lớp. “Trường Mầm non Kiểng Phước được đầu tư xây dựng khang trang nhưng không thể tổ chức được bán trú vì thiếu GVMN. Trường có 13 lớp với 13 GV, nhiều khi cô giáo đau ốm là Ban Giám hiệu phải xuống đứng lớp dạy, đó là chưa kể số GV sắp nghỉ hưu của trường trong thời gian tới cũng khá nhiều, nếu không kịp thời bổ sung nguồn GV thì hoạt động của nhà trường sẽ rất nan giải” - Hiệu trưởng Trường Mầm non Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông) Trần Thị Kim Ánh chia sẻ.

Nói về thực trạng thiếu GVMN của tỉnh Bến Tre, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Võ Văn Luyến cho biết, bậc học mầm non trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua luôn được quan tâm, đầu tư xây dựng trường lớp khang trang, mỗi năm tăng khoảng từ 20 đến 30 nhóm, lớp. Dù tỉnh đã chủ động liên kết với các đơn vị đào tạo GVMN như: Trường Cao đẳng Bến Tre, Trường Đại học Đồng Tháp, với mỗi năm có từ 100 - 150 sinh viên tốt nghiệp, nhưng theo Thông tư 06 thì tỉnh vẫn còn thiếu 754 GVMN; trong đó, một số huyện của tỉnh thiếu nhiều GVMN như Ba Tri, Thạnh Phú, Giồng Trôm...

Không có nguồn GVMN để tuyển dụng là khó khăn chung của rất nhiều tỉnh ở khu vưc ĐBSCL. Do đó, đi tìm lời giải cho bài toán thiếu GVMN của các tỉnh ĐBSCL đang là vấn đề cấp thiết hiện nay.

THU HOÀI - ĐỖ PHI

(còn tiếp)

.
.
.