.

Các cơ sở giáo dục mầm non gồng mình vượt khó mùa dịch Covid-19

Cập nhật: 10:26, 04/08/2021 (GMT+7)

Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Khoảng 3 tháng tạm dừng hoạt động, khó khăn chồng lên khó khăn, thế nhưng nhiều cơ sở vẫn đang gồng mình vượt khó, hỗ trợ lương cho giáo viên, nhân viên và tiền thuê mặt bằng…, với hy vọng một ngày không xa dịch bệnh qua đi sẽ được hoạt động trở lại.

So với đợt dịch năm 2020, đợt dịch Covid-19 năm nay đã tác động mọi mặt lên đời sống kinh tế - xã hội của các địa phương trong tỉnh Tiền Giang. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, lãnh đạo ngành GD-ĐT đã tạm thời cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập ngưng hoạt động từ tháng 5. Đa số các cơ sở cho rằng, việc cho tạm ngưng hoạt động là hoàn toàn hợp lý, nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn cho học sinh.

Trường Mầm non Bé Thông Minh là một trong những cơ sở uy tín trong hoạt động giáo dục tư thục ở TP. Mỹ Tho.
Trường Mầm non Bé Thông Minh là một trong những cơ sở uy tín trong hoạt động giáo dục tư thục ở TP. Mỹ Tho.

Phải thừa nhận rằng, với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, để duy trì hoạt động dường như phụ thuộc hoàn toàn vào học phí từ phụ huynh đóng góp. Việc tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19 dẫn đến các cơ sở không có nguồn thu, lại phải “gánh” tiền lương trả giáo viên, tiền thuê mướn cơ sở vật chất và các chi phí khác… Theo thống kê, hiện toàn tỉnh có 186 trường mầm non, mẫu giáo (trong đó có 170 trường công lập, 16 trường ngoài công lập) và 117 nhóm lớp độc lập tư thục. Riêng trên địa bàn TP. Mỹ Tho, có 8 trường mầm non ngoài công lập và trên 60 nhóm trẻ tư thục.

Cô Phạm Mai Hân, Chủ cơ sở hệ thống Trường Mầm non Bé Thông Minh cho rằng, đây là đợt dịch hết sức nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của con người, là điều không ai mong muốn, gây rất nhiều khó khăn không chỉ tôi mà còn nhiều chủ trường khác. Một trong những khó khăn hiện nay là tiền thuê mặt bằng đối với nhiều cơ sở là quá lớn. “Thực tế nguồn thu, chi của lớp chủ yếu từ học phí của trẻ. Nguồn trả lương cho giáo viên cũng từ đây.

 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Thị Phượng cho biết: “Dịch bệnh Covid-19 đã tác động không nhỏ đến ngành Giáo dục, đặc biệt là đối với các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập. Mong rằng các cơ sở hãy cùng đồng hành, cố gắng vượt khó, với hy vọng dịch bệnh Covid-19 sẽ qua đi, các cơ sở được hoạt động trở lại và tiếp tục đóng góp cho ngành Giáo dục”.

Trường có hơn 80 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Để giữ chân giáo viên, trường đã động viên, ổn định tư tưởng các cô. Hiện chưa biết khi nào trẻ mới được đi học lại. Mong dịch bệnh sớm qua đi để trường trở lại hoạt động bình thường. Bên cạnh đó, trường cũng mong muốn có một số chính sách hỗ trợ các trường về thuế và bảo hiểm xã hội” - cô Hân chia sẻ.

Không riêng Trường Mầm non Bé Thông Minh, mà là tình cảnh chung của nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập hiện đang gặp phải. Trường Mầm non Tuổi Thần Tiên có 2 cơ sở ở TP. Mỹ Tho hiện cũng đang “gồng mình” vượt khó trong mùa dịch. Theo lãnh đạo nhà trường, trước khi nghỉ dịch đã rất cố gắng hỗ trợ phần lương cơ bản cho giáo viên, bởi nhà trường còn phải lo chi phí tiền mặt bằng trong mùa dịch năm nay.

Việc các trường mầm non nghỉ học kéo dài ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của giáo viên làm việc theo chế độ hợp đồng. Cuộc sống của giáo viên mầm non vốn dĩ đã vất vả, nay bị  đại dịch lại càng thêm vất vả hơn.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền, giáo viên Trường Mầm non Bé Thông Minh chia sẻ: “Hiện nay, tình hình dịch nghiêm trọng, tôi ở nhà trông con và làm nội trợ gia đình. Được sự hướng dẫn của trường, tôi vừa cập nhật xong các thông tin để nhận trợ cấp xã hội của tỉnh hỗ trợ trong mùa dịch. Tôi sẽ cố gắng vượt qua khó khăn trong mùa dịch”.

VIỆT PHƯƠNG

.
.
.