.

Tìm giải pháp hiệu quả phân luồng hướng nghiệp học sinh

Cập nhật: 10:50, 17/12/2024 (GMT+7)

Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh là nhiệm vụ quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy việc phân luồng học sinh vào giáo dục nghề nghiệp vẫn còn những vướng mắc đòi hỏi cần có nguồn lực và phương pháp triển khai phù hợp thực tiễn.

Học sinh tham vấn trực tiếp với chuyên gia trong Chương trình Ngày hội hướng nghiệp tại Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh Thế Ðại)
Học sinh tham vấn trực tiếp với chuyên gia trong Chương trình Ngày hội hướng nghiệp tại Trường THPT Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. (Ảnh Thế Ðại)


Theo Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) Nguyễn Xuân Thành, triển khai đề án "Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025" (Ðề án 522) của Chính phủ, việc thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp tại các trường trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) đã đạt nhiều kết quả, đánh dấu bước tiến quan trọng trong công tác đổi mới giáo dục phổ thông theo định hướng nghề nghiệp.

Cụ thể, ở cấp THCS, tỷ lệ các trường tổ chức chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn liền với thực tiễn sản xuất, kinh doanh và dịch vụ của địa phương đạt 68,52% (chỉ tiêu đề ra là 55%). Ở cấp THPT có 75,93% số trường thực hiện (chỉ tiêu ban đầu 60%). Những kết quả nêu trên cho thấy sự chú trọng của các trường phổ thông trong việc đưa giáo dục hướng nghiệp trở thành một phần thiết yếu trong hoạt động dạy học. Công tác phát triển đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm tư vấn hướng nghiệp đã đạt những bước tiến quan trọng, vượt chỉ tiêu đề ra, khẳng định vai trò cốt lõi của giáo viên trong việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh.

Ðáng chú ý, nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông đã từng bước được nâng cao. Việc đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cơ quan quản lý giáo dục các cấp, các cơ sở giáo dục phổ thông, cha mẹ học sinh, học sinh về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông được thực hiện.

Một số tỉnh như Bình Ðịnh cũng tích cực triển khai các chương trình đào tạo, phối hợp doanh nghiệp và các trường nghề để cung cấp thông tin thực tế cho giáo viên, từ đó tăng cường tính thực tiễn trong tư vấn hướng nghiệp.

Mặc dù đạt kết quả tích cực nhưng so với nhu cầu, việc tổ chức hoạt động hướng nghiệp của các nhà trường còn gặp nhiều thách thức, thiếu sự đồng bộ giữa các vùng miền.

Sự chênh lệch về điều kiện kinh tế và cơ sở vật chất khiến việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp chưa được thực hiện đồng đều trên toàn quốc.

Theo các chuyên gia giáo dục, một số khu vực đô thị có thể tổ chức tốt các chương trình hướng nghiệp thì nhiều trường ở vùng sâu, vùng xa gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp hoặc tổ chức hoạt động thực tế. Ngoài ra, nguồn tài liệu phục vụ giáo dục hướng nghiệp tại các nhà trường phổ thông còn thiếu, chưa đa dạng và chưa cập nhật đầy đủ thông tin về các ngành nghề, xu hướng phát triển của thị trường lao động.

Các công cụ hỗ trợ tư vấn nghề nghiệp cũng chưa được cung cấp đồng bộ, dẫn đến khó khăn cho giáo viên trong việc triển khai hiệu quả các hoạt động tư vấn.

PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Huyền (Trường đại học Sư phạm, Ðại học Thái Nguyên) cho rằng, để hoạt động hướng nghiệp đáp ứng kỳ vọng, cần cải tiến khung pháp lý về giáo dục phân luồng, xây dựng chính sách hỗ trợ học sinh, cải tiến chương trình đào tạo sau THPT, thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng và doanh nghiệp, theo dõi và đánh giá hiệu quả phân luồng học sinh THPT. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát, đánh giá nâng cao hiệu quả chương trình cũng cần được tăng cường.

GS Nguyễn Văn Minh, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng cần thay đổi nhận thức của xã hội về việc học nghề. "Phải chú trọng xây dựng các chính sách về đầu ra cho các nghề nghiệp đã được định hướng trong nhà trường cũng như đào tạo sau khi phân luồng. Hướng đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu của xã hội và được công bằng trong xã hội. Như vậy mới thay đổi được nhận thức, thuyết phục được xã hội" - GS Nguyễn Văn Minh chia sẻ.

TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Ðào tạo) cho rằng, hiện nay, đầu tư tài chính, con người và công cụ thực hiện trong công tác phân luồng hướng nghiệp đều hạn chế. Vì vậy, giải pháp cấp bách nhất là cần có sự đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và đưa ra những chính sách tài chính cụ thể, hỗ trợ giáo dục hướng nghiệp và phân luồng thay vì chỉ phụ thuộc vào ngân sách địa phương.

Theo Thứ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Ngọc Thưởng, nếu hướng nghiệp tốt thì phân luồng rất thuận lợi; nếu chúng ta định hướng đúng ngay từ đầu thì không tốn kém, lãng phí thời gian, tiền bạc, công sức của học sinh, cha mẹ và xã hội đối với công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp. Vì vậy, ngành giáo dục xây dựng nghị định của Chính phủ quy định về hướng nghiệp và phân luồng trong giáo dục nhằm ban hành những cơ chế, chính sách, áp dụng phù hợp thực tế triển khai nhằm nâng cao chất lượng phân luồng hướng nghiệp.

(Theo nhandan.vn)


 

.
.
.