Giải pháp thực hiện hướng đến chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Tiền Giang
Trong 2 năm gần đây, ảnh hưởng dịch Covid-19 giúp mọi tầng lớp nhân dân nâng nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số, bởi trong thời gian cách ly xã hội phải hạn chế ra đường, nhiều giao dịch, việc học, các cuộc họp và xử lý công việc được thực hiện qua máy vi tính. Điều này cho thấy, muốn giải quyết tốt một số công việc, cần phải có máy vi tính và hệ thống truyền tải mạng dữ liệu ổn định.
Theo đó, xu hướng chuyển đổi số tạo ra rất nhiều dịch vụ có ích cho người dân, cũng như tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Chính vì thế, việc chuyển đổi số được Đảng và chính quyền các cấp trong cả nước quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, trong đó có tỉnh Tiền Giang.
BƯỚC ĐẦU MANG LẠI MỘT SỐ KẾT QUẢ THIẾT THỰC
Thời gian qua, lãnh đạo các cấp trong tỉnh Tiền Giang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu mang lại một số kết quả thiết thực, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh.
UBND tỉnh Tiền Giang và Tập đoàn VNPT ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021 - 2025. Ảnh: SỬU MINH |
Hạ tầng viễn thông bao phủ và thông suốt, mạng cáp quang bao phủ 100% xã, phường, thị trấn; mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước được triển khai liên thông từ tỉnh đến cấp xã và kết nối với trung ương. Các hệ thống thông tin dùng chung được triển khai thống nhất, đồng bộ và liên thông từ tỉnh đến cơ sở, như hệ thống quản lý văn bản điều hành, thư điện tử công vụ, cổng thông tin điện tử, một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được đầu tư xây dựng cơ bản đáp ứng yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin; nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức đối với việc ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin chuyển biến tích cực; chỉ số sẵn sàng ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và truyền thông của tỉnh được xếp hạng 5/63 tỉnh, thành phố cả nước vào năm 2019, hạng 16/63 vào năm 2020.
QUAN ĐIỂM LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO CỦA ĐẢNG VÀ CHÍNH QUYỀN
Quan điểm của Đảng trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội là phát triển nhanh, bền vững, chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Trong 3 đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 có đột phá về kết cấu hạ tầng phát triển mạnh hạ tầng số, xây dựng và phát triển đồng bộ hạ tầng dữ liệu quốc gia, vùng, địa phương kết nối đồng bộ, thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Chính vì thế, để thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy những kết quả đạt được; đồng thời, ban hành Nghị quyết 08, ngày 6-10-2021 về chuyển đổi số tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 08) để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, thời gian tới, Tiền Giang tập trung đổi mới căn bản, toàn diện công tác quản lý, điều hành của Nhà nước, tiến tới xây dựng Chính quyền số; phát triển kinh tế số, xã hội số và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có sức cạnh tranh trên thị trường; phấn đấu đến năm 2025 tỉnh thực hiện cao hơn mức trung bình của cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh, tạo tiền đề đến năm 2030 thuộc nhóm 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Theo đó, ngày 22-12-2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định 3652 về phê duyệt Kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Tiền Giang, phiên bản 2.0, được xây dựng nhằm thiết lập cơ sở, định hướng cho quá trình xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước của tỉnh, tăng cường tính công khai, minh bạch thông tin, cung cấp dịch vụ công tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp, xây dựng Chính quyền điện tử của tỉnh Tiền Giang hướng tới Chính quyền số, xã hội số và nền kinh tế số.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TÍCH CỰC MỘT SỐ NGÀNH, LĨNH VỰC CÓ NHU CẦU CAO, CÓ LỢI THẾ CẠNH TRANH
Thứ nhất, ứng dụng nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, 100% cơ sở giáo dục từ bậc trung học cơ sở trở lên triển khai dạy và học từ xa. Nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập được xây dựng đảm bảo theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Số hóa tài liệu, giáo trình. Thích ứng với môi trường công nghệ liên tục thay đổi và phát triển. Tận dụng công nghệ số để gia tăng khả năng tiếp cận giáo dục cho các đối tượng.
Thứ hai, ứng dụng nền tảng hỗ trợ khám, chữa bệnh (KCB) từ xa, giúp bác sĩ có kinh nghiệm, chuyên môn cao ở tuyến trên hỗ trợ những ca bệnh khó ở tuyến dưới, hạn chế chuyển tuyến, quá tải ở các cơ sở y tế tuyến trên. 100% cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện có bộ phận KCB từ xa. Xây dựng và từng bước hình thành hệ thống chăm sóc sức khỏe và phòng bệnh dựa trên các công nghệ số.
Ứng dụng công nghệ số tại các cơ sở KCB, nâng cao chất lượng KCB, sử dụng hồ sơ bệnh án điện tử, từng bước hình thành các bệnh viện thông minh. Xây dựng nền tảng quản lý y tế thông minh dựa trên công nghệ số, tích hợp thông tin, dữ liệu, hình thành cơ sở dữ liệu về y tế.
Thứ ba, phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, chú trọng nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tỷ trọng nông nghiệp công nghệ số của tỉnh; ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.
Thứ tư, triển khai các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn nhằm quản lý hiệu quả lĩnh vực tài nguyên và môi trường, như cơ sở dữ liệu đất đai, các cơ sở dữ liệu về quan trắc tài nguyên và môi trường, đa dạng sinh học, nguồn thải, biến đổi khí hậu, khí tượng - thủy văn… Triển khai các giải pháp thông minh trong quan trắc, giám sát, quản lý, xử lý sự cố môi trường, cảnh báo sớm thiên tai.
Thứ năm, triển khai hệ thống giám sát giao thông thông minh, tập trung vào các hệ thống giao thông đô thị, quốc lộ, tỉnh lộ. Chuyển đổi các hạ tầng logistics, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển, khai thác hệ thống kho, bến, bãi phục vụ vận tải và logistics.
Thứ sáu, khuyến khích xây dựng nhà máy thông minh, tạo ra các sản phẩm thông minh, xây dựng dịch vụ về dữ liệu và phát triển kỹ năng số cho người lao động.
Thứ bảy, tập trung xây dựng hệ thống thông tin của ngành về nguồn nhân lực, nguồn cung, cầu lao động, thông tin các đối tượng xã hội, hệ thống chi trả chính sách cho các đối tượng. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, thống kê và dự báo tình hình cung, cầu lao động vào từng thời điểm; tình hình người nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh.
Thứ tám, triển khai số hóa dữ liệu các khu di tích lịch sử, văn hóa, du lịch trọng điểm để quảng bá hình ảnh tỉnh Tiền Giang. Chuẩn hóa các nội dung số kết hợp với công nghệ 3D, 4D để giới thiệu hình ảnh văn hóa, du lịch của tỉnh và phát triển ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động thông minh.
KIM TRUYỆN