Thứ Hai, 29/02/2016, 14:43 (GMT+7)
.

Doanh nghiệp đang tăng tốc

Chưa biết kịch bản kinh tế của năm 2016 diễn ra như thế nào nhưng với những động thái của lãnh đạo tỉnh và ghi nhận thực tế trong những ngày đầu năm 2016 cho thấy, tình hình sản xuất - kinh doanh (SXKD) của các doanh nghiệp (DN) được dự báo sẽ có nhiều điểm thuận lợi hơn so với các năm trước.

NHIỀU TÍN HIỆU LẠC QUAN

Bước tiếp đà tăng trưởng của năm 2015, Công ty cổ phần Dược phẩm Tiền Giang (Tipharco) đã đặt ra mục tiêu SXKD trong năm 2016 cao hơn năm trước 10%, với mức doanh thu dự kiến đạt được khoảng 330 tỷ đồng.

Ông Phạm Quang Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tipharco cho rằng, ngay từ đầu năm 2016 các đơn đặt hàng sản xuất của công ty rất dồi dào, nên một số xưởng sản xuất phải sắp xếp làm ca 3 để kịp tiến độ giao hàng. Căn cứ vào kết quả đạt được của năm 2015 và những dấu hiệu ngay từ đầu năm 2016, công ty nhận thấy có nhiều thuận lợi để đạt được mục tiêu dự kiến.

Tuy nhiên, lãnh đạo Tipharco cũng nhận thấy, bên cạnh những thuận lợi cũng có một số khó khăn, thách thức. “Một trong những giải pháp mà Tipharco đưa ra là tăng cường công tác tiếp thị để giới thiệu các sản phẩm thuốc ngày càng được tiêu thụ rộng rãi hơn; đồng thời tăng cường kênh bán hàng ở các khối điều trị” - ông Phạm Quang Bình cho biết.

Nhộn nhịp những lô hàng đầu năm của HTX Quang Minh (phường 10, TP. Mỹ Tho).
Nhộn nhịp những lô hàng đầu năm của HTX Quang Minh (phường 10, TP. Mỹ Tho).

Có lẽ kinh doanh xăng dầu là lĩnh vực được dự báo sẽ chịu nhiều tác động do diễn biến giá xăng dầu theo chiều hướng liên tục giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong bức tranh chung đó, lãnh đạo các đơn vị kinh doanh xăng dầu cũng lạc quan đặt ra những mục tiêu kinh doanh trong năm 2016 cao hơn cùng kỳ năm trước.

Ông Phan Thanh Tâm, Giám đốc Công ty Xăng dầu Tiền Giang cho biết, mục tiêu của công ty trong năm 2016 là tăng trưởng bình quân 7% so với năm 2015. “Trong điều kiện giá xăng dầu thế giới liên tục giảm trong những tháng đầu năm 2016 đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động và doanh thu, do đó công ty quyết tâm tăng cường công tác quản lý để nâng cao hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu lợi nhuận được giao, nộp ngân sách địa phương năm 2016 dự kiến khoảng 320 tỷ đồng; đồng thời đảm bảo tiền lương và thu nhập cho người lao động” - ông Phan Thanh Tâm cho biết.

Để đạt được mục tiêu đề ra, theo ông Phan Thanh Tâm, công ty phải thường xuyên theo dõi, nghiên cứu tình hình, nhu cầu của khách hàng, đề ra các giải pháp hoạt động phù hợp để góp phần ổn định thị trường xăng dầu tại địa phương;

Đồng thời công ty tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, đánh giá hệ thống phân phối (tổng đại lý, đại lý, thương nhân...) nhằm tạo mọi điều kiện cho hệ thống này hoạt động kinh doanh đúng pháp luật và hợp đồng kinh tế đã được ký kết.

Ông Phan Thanh Tâm cũng cho biết thêm, dự kiến trong năm 2016 công ty dành khoảng 20 tỷ đồng để đầu tư phát triển hiện đại cơ sở vật chất kỹ thuật nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh như: Đầu tư trụ bơm điện tử hiện đại, tự động hóa; thực hiện có hiệu quả các ứng dụng công nghệ trong tổ chức SXKD và quản trị doanh nghiệp (SAP-ERP, EGAS, văn phòng điện tử...).

Mặc dù có nhiều yếu tố lạc quan ngay từ đầu năm 2016 nhưng mỗi DN đều có cảm nhận khác nhau. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Thuận Việt cho biết, mục tiêu của công ty là phấn đấu đạt kế hoạch quý I trong tháng 2 để đưa hiệu quả kinh doanh của công ty trong năm 2016 vượt mức năm 2015.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, từ đầu năm 2016 có nhiều thông tin lạc quan cho SXKD, đặc biệt là chi phí xăng dầu đã nhiều lần được điều chỉnh giảm, giúp cho DN giảm được chi phí vận chuyển cũng như chi phí bao bì, từ đó hạ giá thành sản xuất, nâng cao được năng lực cạnh tranh. Chi phí đầu vào giảm, ông hy vọng những chỉ tiêu SXKD của công ty trong năm 2016 sẽ khởi sắc hơn.

NGÀNH THỦY SẢN SẼ KHỞI SẮC

Năm 2015 xuất khẩu nông, thủy sản của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu chỉ còn chiếm khoảng 20% trong tổng kim ngạch của tỉnh, do nhu cầu nhập khẩu giảm trong khi nguồn cung các nước tăng, cạnh tranh dẫn đến giá giảm; bên cạnh đó thị trường ngày càng đòi hỏi độ an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, dư lượng thuốc trừ sâu.

Riêng hàng thủy sản xuất khẩu chỉ đạt giá trị xuất khẩu trên 267 triệu USD, giảm trên 18% về lượng và giảm gần 18% về trị giá. Vì thế, theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc GODACO, trước tình hình thực tế hiện nay, dự đoán năm 2016 những khó khăn thường nhật đối với ngành Thủy sản vẫn còn.

Cụ thể như các rào cản về kỹ thuật, rào cản thương mại, yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng khắt khe hơn. Đối với môi trường trong nước cũng vẫn còn những điểm khó, chẳng hạn như việc không ổn định về mặt chi phí, làm cho giá cả sản phẩm của ngành có khả năng tăng dẫn đến khó có khả năng cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước.

Tuy nhiên, ngành Thủy sản xuất khẩu cũng có điểm thuận lợi là các hiệp định thương mại vừa được Chính phủ ký kết như với châu Âu, Liên minh Á - Âu, hay Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp có hiệu lực. 

“Tất nhiên nhóm ngành này cũng có điểm thuận lợi là cá tra vẫn là mặt hàng chỉ có ở Việt Nam, lại là loại thực phẩm đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng của các nước, với giá ở mức bình dân và đi vào nhiều lĩnh vực của tiêu dùng. Vì vậy, sức tiêu thụ của thị trường luôn lớn hơn khả năng cung cấp hiện có của các DN.

Trong khi đó, các điều kiện về cạnh tranh, tiếp cận thị trường, đổi mới công nghệ các DN trong ngành Thủy sản của Việt Nam cũng đã đáp ứng tốt yêu cầu hiện nay. Với những điểm cơ bản này, năm 2016 ngành Thủy sản xuất khẩu có khả năng khởi sắc, DN được dự báo sẽ phát triển tốt hơn năm 2015” - ông Nguyễn Văn Đạo phân tích.

Tất nhiên, trong ngành Thủy sản, để ổn định và phát triển bền vững, bất cứ DN nào cũng muốn khép kín quy trình sản xuất để hạ giá thành, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Tuy nhiên, bước đường thực hiện mục tiêu này cũng không dễ. Điều đầu tiên là đòi hỏi DN phải có nguồn vốn tốt, đội ngũ quản lý giỏi và cần có thời gian nhất định.

Riêng GODACO, một trong những DN chế biến xuất khẩu cá tra, đã đầu tư hoàn thiện quy trình khép kín bao gồm vùng nuôi, chế biến thức ăn, nhà máy chế biến đông lạnh và xuất khẩu. Với quy trình như thế, DN đã hạn chế được nhiều chi phí nguyên liệu, chi phí chế biến để có giá thành tốt; đồng thời quản lý tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc, tạo thuận lợi hơn trong khâu bán hàng.

PHƯƠNG ANH

.
.
.