Kiểm soát mặn nội đồng, bơm chuyền cứu lúa ở các huyện, thị phí Đông
Phần lớn các trà lúa đông xuân 2015 - 2016 ở khu vực phía Đông đang ở giai đoạn cần nước, trong khi mực nước kinh trong vùng dự án đang xuống rất thấp. Nhiều diện tích lúa đã bị thiệt hại, nhiều diện tích khác đang đối mặt nguy cơ bị thiệt hại do thiếu nước, nguồn nước nhiễm phèn, mặn cao. Các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở và nông dân đang tập trung nỗ lực cứu lúa.
Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi đang tranh thủ lấy nước bằng mọi hình thức (lấy gạn, bơm bổ cấp) vào vùng ngọt hóa để phục vụ sản xuất. |
VÙNG VEN NGUY CƠ CAO
Chúng tôi về vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công trong những ngày cuối tháng 2, khi mà tình hình thiếu nước sản xuất lúa do xâm nhập mặn đang vào cao điểm. Tại khu vực ven đê của xã Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây), phần lớn các trà lúa trong vùng đang ở giai đoạn 40 - 60 ngày tuổi. Mực nước tại các kinh cặp đê vẫn còn nhiều, các máy bơm “trực chiến” trên kinh tại các đầu ruộng và sẵn sàng bơm khi cần.
Anh Nguyễn Văn Sơn, ấp Khương Thọ, xã Đồng Sơn, đang bơm nước lên ruộng để chuẩn bị bón phân cho lúa cho biết, lúa của anh đã hơn 40 ngày tuổi, giống lúa trồng VD 20 nên còn lấy nước gần 2 tháng nữa.
Hiện nay, nước trên kinh vẫn còn tốt nên chưa ảnh hưởng gì đến lúa. Còn những ngày tới thì khó nói lắm. “Những ngày qua, mực nước kinh ngày càng giảm, mặn có dấu hiệu tăng dần, tôi lo lắm. Nhưng lúa còn đang xanh tốt, nước kinh vẫn còn nên bỏ không nỡ, thôi thì mình cố gắng cứu được đến đâu hay đến đó” - anh Sơn bày tỏ.
Càng về cuối nguồn, chất lượng nước kinh nội đồng càng xấu. Tại vùng ven đê của các xã Bình Đông, Tân Trung (TX. Gò Công), nước kinh ven đê nhiễm phèn vàng quánh, mực nước rất thấp, nhiều nơi cạn gần sát đáy. Chúng tôi đi tiếp về phía trong đồng, những trà lúa sắp trổ, đang trổ đã chuyển sang đỏ đầu lá, một số trà lúa đang chết vẫn còn đứng trên đồng.
Nhổ cây lúa chết trên thửa ruộng của gia đình, chú Phạm Văn Dảo, ấp Lạc Hòa, xã Bình Đông cho biết, 6 công lúa của chú trồng giống OM 4900 xuống giống cách nay gần 3 tháng. Thời gian đầu, lúa phát triển rất tốt nhưng từ khoảng 1 tháng qua lúa có biểu hiện không phát triển. Chú càng bơm nước lên ruộng thì lúa càng xuống, cây khô dần, không ngậm sữa.
“Chúng tôi mượn máy đo mặn của các chủ đầm tôm phía ngoài đo thử thấy độ mặn lên đến 3,5 g/l. Nếu tiếp tục bơm nước vào ruộng tôi sợ sẽ làm hư đất nên quyết định “buông tay” hơn 10 ngày nay. Tiền phân bón hơn 10 triệu đồng còn nợ ngoài đại lý, giờ lúa thế này chưa biết tính cách nào đây” - chú Dảo cho biết. Không chỉ trà lúa của chú Dảo, với nguồn nước này, nhiều diện tích lúa trong vùng cũng bị chung số phận, hay ít nhất cũng bị ảnh hưởng năng suất.
Chúng tôi đi tiếp về vùng ven đê của huyện, cuối nguồn ngọt hóa thuộc huyện Gò Công Đông. Tại cống Xã Sách (xã Tân Phước), độ mặn chúng tôi ghi nhận được tại đây gần 3 g/l. Cách đó không xa, tại khu vực cống Xóm Gồng, độ mặn đo được 3,8 g/l và độ mặn trong đồng lên đến trên 4 g/l. Theo chính quyền xã Tân Phước, sở dĩ độ mặn khu vực này tăng cao là do các cống bị rò rỉ mặn, cộng với khu vực này nằm ở cuối nguồn ngọt hóa nên bị dồn phèn, mặn.
Bà Nguyễn Thị Bảnh, ấp 3, xã Tân Phước cho biết, trà lúa của bà đang rất cần nước để trổ và ngậm sữa (mới trổ vài bông). Mấy ngày nay, mặn trên kinh cao nên bà không dám bơm nước vào ruộng. Nếu tình hình này tiếp tục, không biết các trà lúa khu vực này sẽ ra sao?
“Ngày nào chúng tôi cũng thử nước, nếu nước ngọt thì sẽ bơm ngay. Mong cơ quan chức năng sớm có cách đẩy nước về; đồng thời ngăn, xả mặn trên các kinh để chúng tôi bơm cứu lúa. Tình hình này không thể nói trước điều gì, chỉ biết còn nước còn tát thôi” - bà Bảnh nói.
Ông Nguyễn Văn Đáng, Chủ tịch UBND xã Tân Phước cho biết, toàn xã có 1.076 ha sản xuất vụ đông xuân, đến nay có gần 300 ha lúa bị chết và nhiều diện tích lúa khác đang nằm trong nguy cơ bị thiệt hại cao. Những ngày qua, xã đã tổ chức bơm chuyền, ngăn mặn, xổ xả mặn… cho các khu vực độ mặn cao.
Các địa phương đang tổ chức hàng trăm điểm bơm chuyền cứu lúa. |
XẢ MẶN, BƠM CHUYỀN CỨU LÚA
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay phần lớn diện tích lúa vụ đông xuân 2015 - 2016 trong vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trổ nên rất cần nước.
Cụ thể, trong vùng có gần 409 ha lúa từ 31 - 40 ngày tuổi, trên 7.182 ha lúa từ 41 - 50 ngày tuổi, trên 12.153 ha lúa từ 51 - 60 ngày tuổi và gần 7.874 ha lúa từ 61 - 70 ngày tuổi. Những ngày qua, do mặn tăng cao, cống Xuân Hòa lấy gạn không ổn định nên lượng nước lấy bổ cấp rất hạn chế, trong khi nhu cầu bơm nước cho lúa rất cao đã làm mực nước trong các kinh vốn đã thấp lại càng thấp hơn (mỗi ngày giảm khoảng 0,08 m), đang ở mức từ -1,26 - +0,00 m.
Để cứu lúa đông xuân khu vực phía Đông, thời gian qua Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi đã tổ chức lấy gạn, bơm bổ cấp nước từ sông vào vùng dự án khi độ mặn cho phép tại cống Xuân Hòa. Các địa phương tiến hành tổ chức bơm chuyền.
Ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, đến ngày 24-2 toàn huyện đã tổ chức 149 điểm bơm chuyền 2 cấp với 325 máy bơm, phục vụ cho khoảng 5.630 ha lúa bị thiếu nước, đắp 23 đập ngăn mặn, hỗ trợ 6 máy bơm để tăng cường chống hạn; đồng thời nạo vét 10 tuyến kinh từ vốn chống hạn, thủy lợi phí.
Còn theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, đến nay toàn vùng đã tổ chức 401 điểm bơm chuyền, tưới cho 13.979 ha (huyện Gò Công Tây 180 điểm, TX. Gò Công 72 điểm, huyện Gò Công Đông 149 điểm).
Tuy nhiên, do tận dụng nguồn nước lấy vào cứu lúa nên độ mặn nước trong nội đồng khá cao, nhiều nơi đạt gần 2 g/l, cộng với đó, nguồn nước hạn chế, các cống ven đê bị rò rỉ mặn, những diện tích lúa ở khu vực xa nguồn nước, cuối nguồn đang bị ảnh hưởng rất lớn.
Cụ thể, theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay toàn vùng có trên 931 ha lúa bị thiệt hại (huyện Gò Công Đông trên 862 ha, TX. Gò Công trên 38 ha, huyện Gò Công Tây khoảng 30 ha) với nguyên nhân chủ yếu là thiếu nước, nước nhiễm mặn cao, dồn phèn, lúa sạ quá trễ người dân tự cắt nước.
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, từ những ngày cuối tháng 2 trở đi độ mặn trên các cửa sông sẽ tăng cao và xâm nhập sâu vào nội đồng. Trong khi đó, theo cơ quan chức năng, đây cũng là giai đoạn cây lúa rất cần nước (lúa đang trong giai đoạn làm đòng và trổ), cộng với nền nhiệt độ tăng cao, gió chướng sẽ làm cho nước bốc hơi rất mạnh nên việc đáp ứng nước sản xuất và sinh hoạt trong khu vực về sau sẽ càng khó khăn hơn.
Trước diễn biến này, để bổ cấp nguồn nước phục vụ sản xuất ở mức cao nhất, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi đang tăng cường quan trắc độ mặn trên sông, tranh thủ lấy nước bằng mọi hình thức (lấy gạn, bơm bổ cấp) khi điều kiện cho phép.
Mặt khác, Công ty phối hợp với địa phương tiến hành xử lý những khu vực kinh cặp đê bị nhiễm mặn, phèn cục bộ. Các địa phương tiếp tục tổ chức, vận động người dân bơm chuyền 2 cấp, 3 cấp, trữ nước trên kinh, trên ruộng để cứu lúa.
TÂN PHÚ