BĐKH không còn ở tương lai: "Ngổn ngang" bức tranh ĐBSCL
Bài 1: Hạn, mặn mang tính lịch sử 100 năm
Bài 2: Nguy cơ vỡ đê, mất rừng phòng hộ
Bài 4: "Sống chung" với biến đổi khí hậu
Cả Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang “gồng mình” chống chọi với cơn hạn, xâm nhập mặn mang tính lịch sử, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống của người dân. Chắc chắn rằng “kịch bản” về hạn, mặn sẽ chưa dừng lại.
Không chỉ hạn, xâm nhập mặn, nhiều thiên tai khác vẫn đang chực chờ vùng đất trọng điểm sản xuất nông nghiệp của cả nước. Vì thế, bức tranh về kinh tế, dân sinh của ĐBSCL tới đây còn nhiều “ngổn ngang” do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH).
Sản xuất nông nghiệp chịu tác động lớn từ BĐKH. |
1. Biểu hiện cụ thể và rõ ràng nhất của BĐKH trong thời gian qua là thời tiết ngày càng phức tạp và mang tính cực đoan hơn. Chẳng hạn như lượng mưa nhiều và kéo dài, khô hạn lâu hơn, mặn xâm nhập sâu hơn, bão diễn ra thường xuyên, mực nước dâng cao hơn…
Biểu hiện cụ thể nhất là cơn hạn, xâm nhập mặn hiện đang “hoành hành” trong vùng ĐBSCL từ đầu năm 2016 đến nay. Bởi, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), đến nay hầu hết các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL đã bị xâm nhập mặn và diễn biến rất phức tạp hơn những năm trước.
Một điều đặc biệt là trong năm nay xâm nhập mặn đến sớm, sâu nhất trong lịch sử đã xảy ra ở ĐBSCL (trên sông Vàm Cỏ, mặn xâm nhập sâu vào cửa sông 93 km, các cửa sông khác đều từ 50 - 70 km), ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống của người dân.
Theo ước tính của các cơ quan chuyên môn, vụ lúa đông xuân năm 2015 - 2016, ĐBSCL bị thiệt hại trên 160.000 ha do xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt; hơn 15.000 ha hoa màu, gần 13.500 ha cây ăn trái và hơn 1.000 ha thủy sản bị thiệt hại nặng nề, chưa kể hàng trăm ngàn hộ dân bị ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt. Điều đáng nói là hạn hán, xâm nhập mặn đã có những diễn biến bất thường, không thể lường trước.
Dấu hiệu bất thường của khí hậu, thời tiết cũng đã từng diễn ra ở các tỉnh ĐBSCL liên tục trong những năm qua. Bằng chứng là một cơn gió mạnh nổi lên, sóng biển vỗ ầm ầm, nước dâng cao, cuốn trôi nhà cửa đã từng xảy ra ở ấp Lưu Hòa Thanh và Đồng Giác, xã Tân Thuận, huyện Đầm Dơi (Cà Mau), cuốn trôi 57 căn nhà của người dân.
Trong khi đó, dọc tuyến đê biển Tây từ giáp Kiên Giang đi qua các huyện U Minh, Trần Văn Thời, Phú Tân (Cà Mau) dài 97 km với hàng trăm cửa sông, cửa biển bị nước biển tràn sâu vào đất liền. Bến Tre cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do mưa bão và nước biển dâng những năm gần đây. Tình trạng xâm nhập mặn của Bến Tre ngày càng phức tạp và lấn sâu vào gần như toàn bộ đất liền.
Còn ở tỉnh Đồng Tháp, sạt lở bờ sông đang trở thành một trong những vấn đề nóng bỏng nhất. Còn theo đánh giá và dự báo của Bộ NN&PTNT, nếu tình trạng khô hạn và tốc độ xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, trong vòng 3 năm nữa, nền sản xuất nông nghiệp trong khu vực sẽ bị kiệt quệ. Bởi, trên cơ sở báo cáo và khảo sát thực tế tại các địa phương cho thấy, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đang ở mức hết sức nguy cấp.
Là tỉnh nằm trong vùng ĐBSCL, Tiền Giang cũng không ngoại lệ. Trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, khu vực phía Đông thường xuyên đối mặt với khô hạn, xâm nhập mặn ở cuối vụ đông xuân và đầu vụ hè thu, tỉnh phải tổ chức bơm chuyền cứu lúa. Đặc biệt, vụ đông xuân năm 2015 - 2016 mới đây ở khu vực phía Đông, các địa phương đã tổ chức 728 điểm bơm chuyền cứu lúa nhưng vẫn có trên 3.200 ha lúa bị thiệt hại.
Trước đó, đầu vụ hè thu 2015, khu vực ngọt hóa Gò Công đã có hàng trăm ha lúa bị thiệt hại do thiếu nước, xì phèn, mưa ít. Còn ở huyện Tân Phú Đông, phần lớn diện tích gieo sạ trong 2 vụ lúa của năm 2015 trên địa bàn huyện đều bị thiệt hại cũng do nắng nóng kéo dài, mưa ít, xì phèn.
2. Theo đánh giá của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, ĐBSCL có đặc điểm bằng phẳng, cao độ tự nhiên phần lớn nhỏ hơn 2 m so với mực nước biển trung bình, với hệ thống sông rạch chằng chịt. Trong khi đó, hệ thống đê biển và đê sông chưa đồng bộ, ít được đầu tư nâng cấp, nhiều khu vực còn chưa được xây dựng.
Với đặc điểm đó, ĐBSCL được đánh giá là một trong những khu vực chịu tác động nặng nề nhất của hiện tượng nước biển dâng do BĐKH. Trong bối cảnh như thế, bất kỳ quy hoạch phát triển nào liên quan đến kinh tế - xã hội ở ĐBSCL cần phải xét tới khả năng tác động của thiên tai từ biển, bao gồm cả yếu tố nước biển dâng do BĐKH và cả nước biển dâng do những cơn bão mạnh bất thường gây ra.
Triều cường bất thường là một trong những dấu hiệu của BĐKH. |
Còn theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường, những biểu hiện cụ thể của BĐKH đã xảy ra, tác động tiêu cực đối với ĐBSCL. Theo nhận định của các nhà chuyên môn, dường như BĐKH đã diễn biến nhanh hơn dự báo.
Đó là tình trạng hạn hán kéo dài hơn, bão lớn bất thường, nước mặn xâm nhập sâu vào đất liền hàng năm, có nơi hơn 100 km, gây thiệt hại rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, tình trạng ngập lụt tại các đô thị đã xảy ra thường xuyên hơn. ĐBSCL có diện tích tự nhiên 4 triệu ha, trong đó 2,4 triệu ha là đất trồng lúa.
Chính vì thế, ĐBSCL đang nuôi sống hàng trăm triệu người trên thế giới. Mặt khác, ĐBSCL ở cuối nguồn sông Mê Kông nên được dự báo sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề nhất của BĐKH và nước biển dâng.
Tại Hội nghị bàn về BĐKH được tổ chức gần đây tại TP. Cần Thơ đã kêu gọi sự chú ý đặc biệt đến các mối đe dọa đối với ĐBSCL, vì theo dự báo đến năm 2050 sẽ có hơn 1 triệu người dân trong vùng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi BĐKH dưới dạng xâm lấn bờ biển, mất đất đai.
Trước thực trạng hiện nay, theo kết quả tính toán ngập lụt bởi nước dâng do bão mạnh khi đổ bộ vào ĐBSCL do Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam thực hiện, một số vấn đề cần được thực hiện trong thời gian tới:
Xây dựng được các bộ bản đồ nguy cơ ngập lụt bởi nước dâng do siêu bão, bản đồ đánh giá rủi ro do ngập lụt ở các tỉnh vùng ven biển Việt Nam trong các điều kiện siêu bão và kịch bản khác nhau; đề xuất kế hoạch hành động ứng phó đối với rủi ro do ngập lụt, phục vụ việc hỗ trợ ra quyết định khi xảy ra siêu bão tại các vùng ven biển Việt Nam;
Đề xuất bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng ven biển trong điều kiện bị ảnh hưởng của nước dâng do siêu bão; tiến tới dự báo khả năng ngập lụt do siêu bão gây ra theo từng thời gian cụ thể...
THẾ ANH - NGÔ VĂN (Còn tiếp)