Cầu Rạch Miễu 2: Bộ Giao thông Vận tải "dè chừng" đầu tư BOT
Bộ Giao thông Vận tải muốn đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc vốn vay ODA cho dự án cầu Rạch Miễu 2, thay vì đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng- kinh doanh- chuyển giao) như một số đề xuất trước đó.
Ông Nguyễn Văn Thể (đứng), Bộ trưởng Giao thông Vận tải trình bày tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre vào hôm nay, 11-8. Ảnh: Trung Chánh |
Tại buổi làm việc của Bộ Giao thông Vận tải với UBND tỉnh Bến Tre ở địa phương này vào chiều hôm nay, 11-8, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết, qua đánh giá cầu Rạch Miễu hiện hữu đã quá tải nên việc nghiên cứu xây dựng cầu Rạch Miễu 2 là hết sức cần thiết.
Ông nói rằng cách triển khai thời gian qua giữa các đơn vị liên quan là chưa tập trung. Bởi, lúc đề xuất tranh thủ nguồn vốn này, lúc đề xuất tranh thủ nguồn vốn khác. “Nhưng, đến thời điểm này có thể nói là chúng ta hơi chậm so với cầu Đại Ngãi vì hiện nay chưa có một cơ sở gì để báo cáo Chính phủ, báo cáo Quốc hội hoặc tổ chức đấu thầu để làm cầu Rạch Miễu 2, trong khi cầu Đại Ngãi đã cơ bản nghiên cứu tốt”, ông Thể nhấn mạnh.
Từ thực tế như trên cũng như đề xuất của địa phương, ông Thể yêu cầu Vụ kế hoạch đầu tư và Ban quản lý dự án 7 nhanh chóng nghiên cứu, tham mưu lãnh đạo bộ để sớm khởi động dự án cầu Rạch Miễu 2. “Ban 7 cần tập trung vào việc cùng với tư vấn và 2 địa phương (Tiền Giang và Bến Tre) nghiên cứu, đưa ra những phương án đầu tư phù hợp nhất”, ông Thể lưu ý các phương án đưa ra phải đánh giá được nhưng ưu, nhược điểm để có thể so sánh, chọn phương án phù hợp nhất.
Còn về phương án tài chính, ông Thể dẫn ví dụ đối với quốc lộ 1, có lưu lượng xe rất lớn, nhưng một dự án BOT khoảng 2.000 tỉ đồng phải mất mười mấy, hai mươi năm mới có thể hoàn vốn. Bởi, bỏ ra 2.000 tỉ đồng, nhưng tới khi xong vòng đời dự án, có thể lên đến 6.000-7.000 tỉ đồng vì trong quá trình đó phát sinh lãi vay các thứ.
Trong khi đó, theo ông Thể, đối với quốc lộ 60, nơi sẽ xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2, hiện đã có dự án mở rộng quốc lộ 60 theo hợp đồng BOT với tổng vốn hơn 1.600 tỉ đồng; rồi có thêm dự án cầu Cổ Chiên thu phí BOT nữa. “Như vậy, thêm dự án cầu Rạch Miễu 2 thu phí nữa, thì cả đoạn này có 3 trạm thu phí hay sao?”, ông đặt vấn đề và nêu câu hỏi nếu “nhập” trạm thu phí dự án mở rộng quốc lộ 60 và cầu Rạch Miễu 2 thành một, thì liệu thu với mức phí 200.000-300.000 đồng có được hay không?
Ông Thể cho biết thêm, nếu làm cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức BOT sẽ dẫn đến tình trạng phí chồng phí, khi đó, sức chịu đựng của nền kinh tế sẽ không đáp ứng. “Hay chúng ta làm xong dân kêu quá nhiều trạm, không ai muốn đến Bến Tre nữa thì làm sao?”, ông nêu câu hỏi.
Chính vì vậy, ông Thể đề nghị, cần phải nghiên cứu cho thật kỹ để khi báo cáo Thủ tướng, thì đã có phương án tốt nhất. “Suy nghĩ của tôi là nên chọn phương án xây dựng bằng vốn ngân sách hoặc vốn ODA là tốt nhất”, ông nêu quan điểm.
Sau khi nghe quan điểm của Bộ Giao thông Vận tải, ông Võ Thành Hạo, Bí thư tỉnh Ủy Bến Tre đề xuất loại hẳn phương án xây dựng dự án cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức BOT. “Tôi nghĩ, chúng ta nên mạnh dạn loại bỏ phương án BOT luôn, không tiếp các nhà đầu tư BOT nào nữa hết”, ông Hạo cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp diễn ra hồi tháng 1-2018, các đơn vị liên quan đã có báo cáo Thủ tướng về phương án đầu tư cầu Rạch Miễu 2 theo hình thức hợp đồng BOT. “Nhưng, phương án này có xung đột lợi ích của nhà đầu tư nên cần nghiên cứu thêm”, ông Trịnh Trường Hải của Phòng điều hành dự án 2 thuộc Ban quản lý dự án 7 cho biết vào thời điểm bấy giờ.
Vào thời điểm đó, ông Hải cho biết, Thủ tướng chỉ đạo đầu tư theo hình thức xã hội hóa. “Nhưng, chúng tôi phân tích xã hội hóa cũng có tồn tại này, tồn tại kia, nó vướng. BOT bây giờ nó đang không khả thi mà”, ông nói và cho rằng có thể đi theo hướng dùng vốn ODA vì nó có thể triển khai nhanh hơn. “Nhưng, Thủ tướng chỉ đạo như thế, thì cũng cần phải phân tích sâu hơn để báo cáo cụ thể”, ông cho biết khi trao đổi với TBKTSG Online hồi đầu năm 2018.
Liên quan dự án này, trước đó, trên cơ sở nghiên cứu tiền khả thi dự án cầu Rạch Miễu 2 của Dasan Consultants, Ban quản lý dự án 7 cũng đã có báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải về 4 vị trí tuyến dự kiến, trong đó, tuyến số 1 được đề xuất lựa chọn.
Theo đó, tuyến này nằm cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8 km về phía thượng lưu; chiều dài cây cầu thứ hai ngắn hơn chiều dài cầu Rạch Miễu hiện hữu; phần cầu được thiết kế 4 làn xe.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho rằng, với việc lựa chọn tuyến số 1 để xây dựng cầu Rạch Miễu 2 sẽ không cần thiết tạo đường tránh trong quá trình thi công tuyến này; không cần xem xét yếu tố tác động dòng chảy sông do nằm xa cầu Rạch Miễu hiện hữu; kết nối thuận tiện với cao tốc TPHCM - Trung Lương.
Trong khi đó, tại buổi làm việc với UBND tỉnh Bến Tre, ông Thể đề nghị, tiến độ triển khai dự án cầu Rạch Miễu 2 không nên chậm hơn so với cầu Đại Ngãi nhằm sử dụng động bộ quốc lộ 60.
Còn về quy mô dự án, ông đề xuất nên có ít nhất 4 làn xe. “Cầu hiện nay có 2 làn xe, không có dãi phân cách nên nguy cơ tai nạn rất lớn. Vì vậy, dự án này phải có ít nhất 4 làn xe vì cầu này không chỉ phục vụ tuyến dọc, mà còn phục vụ cho các đô thị ở xung quanh”, ông Thể cho biết.
(Theo thesaigontimes)