Kết nối đầu ra cho nông sản
Đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết là những bước đi quan trọng để kết nối tạo đầu ra cho nông sản chủ lực của Tiền Giang.
Từ sự nỗ lực của tỉnh, các sở, ngành có liên quan trong việc kết nối tìm đầu ra cho nông sản đã mang lại nhiều kết quả tích cực.
Thực tế cho thấy, từ chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết tiêu thụ nông sản, cung cấp thông tin về thị trường tiêu thụ nông sản cho người dân, doanh nghiệp.
Đồng thời với đó là tìm hiểu thông tin về khó khăn, vướng mắc từ góc nhìn của doanh nghiệp, tổ chức đại diện nông dân trong quá trình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản, nhằm tìm giải pháp giải quyết những khó khăn, vướng mắc để mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản được nhân rộng và mang lại hiệu quả.
Tăng cường kết nối để tìm đầu ra cho nông sản. |
Một trong những kết quả cụ thể là Sở Công thương đã xây dựng và đang triển khai thực hiện Kế hoạch 359 ngày 26-2-2018 về việc khảo sát, hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức đại diện hộ nông dân trong việc tổ chức, thực hiện liên kết Cánh đồng lớn; giám sát, phối hợp xử lý các tranh chấp hợp đồng; tập huấn phổ biến các quy định có liên quan về hợp đồng liên kết tiêu thụ nông sản, như: Tổ chức khảo sát việc thực hiện hợp đồng liên kết sản xuất nông sản tại xã Mỹ Thành Bắc (huyện Cai Lậy) và xã Mỹ Hạnh Đông (TX. Cai Lậy); khảo sát các xã có tham gia liên kết sản xuất lúa trong vụ hè thu 2018.
Đồng thời, Sở Công thương cũng phối hợp tổ chức trao đổi với doanh nghiệp tham gia thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh (Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Việt Hưng, Công ty TNHH Long Việt, Công ty cổ phần Nông sản Cát Tường) để kịp thời nắm bắt thông tin về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với tổ chức đại diện nông dân.
Đối với việc phát triển thị trường các loại hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh, UBND tỉnh cũng đã tổ chức buổi làm việc về giải pháp đưa hàng hóa nông sản tiêu thụ qua hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Group Việt Nam.
Qua buổi làm việc, hệ thống siêu thị của Tập đoàn Central Group và các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã có thông tin cơ bản về những yêu cầu chất lượng sản phẩm và năng lực cung ứng.
Tiếp theo đó, đại diện Tập đoàn Central Group đã khảo sát một số vùng trồng của các HTX như: HTX Rau an toàn Gò Công, HTX Xoài cát Hòa Lộc, HTX Sầu riêng Ngũ Hiệp trước khi tiến hành việc thương thảo ký kết hợp đồng cung ứng hàng nông sản vào hệ thống các siêu thị của tập đoàn.
Kết quả đến nay đã có nhiều sản phẩm chủ lực của Tiền Giang đã có mặt trong hệ thống siêu thị của Central Group Việt Nam.
Ngoài ra, các sở, ngành có liên quan cũng đã hỗ trợ doanh nghiệp tham dự Hội nghị Đối tác phát triển hàng Việt Nam do Bộ Công thương tổ chức vào ngày 11-10-2018.
Tại hội nghị này, các doanh nghiệp được nghe thông tin từ phía các nhà phân phối lớn (hệ thống Siêu thị Co.opmart, Hệ thống Siêu thị Big C, hệ thống Siêu thị SATRA...) trao đổi về yêu cầu đối với việc liên kết cung ứng và tiêu thụ nông sản; đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã tương tác trực tiếp với các nhà phân phối, các đối tác tiềm năng trong không gian trưng bày và quảng bá sản phẩm được diễn ra song song với hội nghị.
Ngay tại buổi trưng bày sản phẩm, HTX Rau an toàn Gò Công đã được 1 đối tác tại TP. Hồ Chí Minh liên hệ để thương thảo, trao đổi về cung ứng rau an toàn...
A.P