Năm Hợi nói chuyện nuôi heo
Người xưa có câu: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Họ cho rằng, con heo không thể giúp người nuôi làm giàu, mà chỉ mang lại cuộc sống khá hơn.
Ngày nay, quan niệm đó có thể đúng và cũng có thể không đúng. Bởi, những ai “biết nuôi” sẽ làm giàu được từ con heo, còn người nuôi theo kiểu “bỏ ống” sẽ khó tồn tại được lâu.
Một trang trại nuôi heo ở xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo) sử dụng đèn LED sưởi cho heo. |
CHUYỆN NUÔI HEO CỦA QUÁ KHỨ
Khoảng 20 năm trước, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, chật vật với “miếng cơm manh áo”. Ngoài thửa ruộng, mảnh vườn của gia đình, con heo là cách để kiếm thêm thu nhập. Bởi, heo là con vật dễ nuôi, chuồng trại cũng đơn giản, chỉ cần có khoảng đất nhỏ, dựng 4 hàng tre xung quanh là có thể nuôi được vài con.
Tối đến, hộ nuôi khá thì giăng mùng tránh muỗi cho heo, còn hộ nghèo thì treo chùm lá chuối ở góc chuồng để heo vào nằm cho ấm và tránh muỗi.
Thức ăn cho heo lúc ấy là những phế phẩm có trong tự nhiên như rau cắt nhỏ nấu với cám, chuối cây xắt mỏng trộn với cám to hay nhuyễn; hộ khá hơn thì thêm gạo tấm, “cơm thừa canh cặn” cũng đủ no cho heo.
Cách nuôi heo ngày ấy đơn giản như thế. Người nuôi chỉ cần mua heo giống, còn chi phí cho thức ăn rất ít. Đa số đều quan niệm: Nuôi heo là “bỏ ống”, vì nuôi khoảng 8 - 9 tháng sẽ có thêm một khoản tiền để trang trải cuộc sống gia đình.
ĐếnTết Nguyên đán, nhà nào không bán heo cho thương lái thì mổ heo chia thịt cho những người trong xóm ăn tết. Họ không lấy tiền ngay mà quy đổi ra lúa. Đến mùa thu hoạch lúa, người được chia thịt heo sẽ trả lúa bằng với số tiền thịt heo đã mua trước đó.
Quy trình nuôi heo ngày nay nghiêm ngặt. |
NUÔI HEO NGÀY NAY
Những năm gần đây, người nuôi heo quy mô lớn ngày càng chú trọng đến chất lượng và số lượng của đàn heo nuôi.
Họ xây dựng quy trình chăn nuôi đạt chuẩn từ chuồng trại, chọn giống đến khâu chăm sóc. Giờ đây, nuôi heo đã hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế, không còn nuôi theo kiểu “bỏ ống” như ngày xưa.
Trang trại của ông Nguyễn Trần Hoàng Bá (ấp Bình Hòa A, xã Song Bình, huyện Chợ Gạo) được đầu tư 5 - 7 tỷ đồng để chăn nuôi heo theo hướng hiện đại. Với diện tích hơn 1 ha, ông đầu tư trại nuôi theo kiểu khép kín, áp dụng các công nghệ hiện đại.
Ông Bá cho biết: “Chuồng trại của tôi thiết kế theo kiểu khép kín, với các khu vực riêng biệt dành cho heo nái sinh sản, heo con trong thời kỳ cai sữa, heo lứa và heo nọc giống. Hầu hết các chuồng được xây dựng theo kiểu sàn để tiện việc vệ sinh, cũng như hạn chế thấp nhất dịch bệnh. Bên trong, các loại máy sưởi ấm heo, máy quạt, xử lý mùi cũng được áp dụng”.
Nhờ con heo nái, xây được nhà Câu chuyện này xảy ra cách nay hơn 25 năm. Do gia đình nghèo, ông Nguyễn Văn Bé (xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy) chỉ mua được 1 con heo nái về nuôi. Sau hơn 1 năm, con heo này đẻ được 14 con. Bán lứa heo con đầu tiên thu được khoản tiền kha khá, ông mua thêm 2 con heo nái về nuôi. Nhưng chúng đẻ không được nhiều và thường xuyên phá vườn nên ông đành phải bán. Từ tiền bán 2 con heo nái, ông cho người bà con mượn mua gạch xây nhà. Đến lứa thứ hai, con heo nái này cũng đẻ được 15 heo con. Sau khi bán lứa heo này, ông mua thêm 1 con heo nái nhưng cũng thất bại. Ông lại lấy tiền bán heo cho người thân mượn mua sắt… Cứ thế, lứa nào con heo nái này cũng đẻ từ 12 đến 15 con và sau mỗi lứa heo, ông đều lấy tiền cho bà con mượn mua vật liệu xây dựng. Sau một thời gian, ông huy động tất cả các nguồn vật liệu xây dựng đã cho những người bà con mượn trước đây để xây nhà (quy mô khá lớn so với thời điểm ấy). Ngoài tiền công, toàn bộ chi phí xây nhà đều từ tiền tích cóp do con heo nái trên mang lại. Ngôi nhà hoàn thành, ông vệ sinh xung quanh để chuẩn bị đãi tiệc mừng nhà mới. Lúc này, chuồng bị hư hỏng nên con heo nái này thường xuyên ra ngoài. Sợ mất vệ sinh, gia đình buộc con heo sau vườn, gần mương. Không may, con heo rơi xuống mương chết và ông làm thịt con heo này đãi khách đến tham quan nhà. Con heo nái đã hoàn thành “sứ mệnh”, giúp cho ông xây được căn nhà khang trang. Sau khi con heo nái trên chết, ông xây dựng chuồng trại khang trang để nuôi vài đợt heo nái nữa nhưng hiệu quả mang lại không cao. Đến nay, chuồng trại này không còn nuôi heo nữa mà chuyển sang nuôi con vật khác. |
Trong quá trình trao đổi, chúng tôi nhận thấy điểm khác biệt giữa trang trại của ông với các trang trại chăn nuôi heo khác là ông chủ động từ khâu con giống đến thức ăn (do gia đình tự sản xuất).
Đây là điều rất quan trọng, bởi nhờ tự chủ được thức ăn mà trang trại của ông tránh được “cơn bão giá” thức ăn chăn nuôi, góp phần giảm chi phí sản xuất, từ đó tăng lợi nhuận… Chính vì vậy, trong đợt heo giảm giá kéo dài vừa qua, trang trại của ông vẫn đứng vững.
Toàn tỉnh có đàn heo trên 580.000 con, trong đó hàng trăm trang trại nuôi heo được đầu tư khá hiện đại. Các trang trại này nuôi quy mô từ 1.000 con trở lên, đầu tư đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại như: Máy sưởi ấm, máy quạt, máy điều hòa nhiệt độ…
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Văn Hóa cho biết: “Xác định được hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi heo, tỉnh Tiền Giang đã tập trung nâng cao chất lượng giống vật nuôi, chuồng trại, tiến bộ khoa học - kỹ thuật... nhằm tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường.
Bước đầu, các mô hình này đã mang lại hiệu quả khá cao. Trong thời gian tới, ngành tiếp tục khuyến khích người nuôi chuyển dần từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung để thuận lợi trong việc ứng dụng công nghệ cao vào chăn nuôi”.
“Muốn khá nuôi heo” - câu nói đó bây giờ vẫn đúng mà cũng chưa hẳn đúng.
Đúng vì đó là hoạt động chăn nuôi mà người nuôi heo vẫn có thể sống tốt nếu biết nắm bắt thị trường, lựa chọn giống nuôi và cách thức nuôi sao cho an toàn, hiệu quả, phù hợp thị trường; không nuôi theo kiểu “phong trào”.
Chưa hẳn đúng khi trong bối cảnh hội nhập, kinh tế thị trường mà người nuôi vẫn còn tâm lý và phương pháp chăn nuôi theo kiểu truyền thống nên khó thể tồn tại được, chưa nói đến nâng cao khả năng cạnh tranh.
SĨ NGUYÊN