.

ĐBSCL giảm trồng lúa để phù hợp với biến đổi khí hậu

Cập nhật: 20:36, 18/06/2019 (GMT+7)
Sáng 18-6, trong khuôn khổ Hội nghị đánh giá kết quả 2 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu đã diễn ra diễn đàn chuyên đề Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL.
 
Lạm dụng tài nguyên
 
Trong nhiều năm qua, ĐBSCL luôn có nhiều thành công, những tiến bộ trong thâm canh lúa, mở rộng nuôi trồng thủy sản và sản xuất trái cây. Tuy nhiên, nông nghiệp Việt Nam chưa theo kịp các nước trong khu vực các vấn đề liên quan đến năng suất lao động và sử dụng nước. Một khoảng cách đang hình thành giữa thu nhập nông nghiệp và phi nông nghiệp, sự bất bình đẳng về thu nhập đang gia tăng ở khu vực nông thôn. Hầu hết sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam bán ở dạng thô, thường được định vị ở phân khúc chất lượng thấp hoặc trung bình của thị trường quốc tế.
 
Theo bà Phạm Hoàng Vân, chuyên gia phát triển kinh tế Ngân hàng Thế giới (WB), tăng trưởng nông nghiệp Việt Nam dựa khá nhiều vào sức lao động, tài nguyên thiên nhiên và hóa chất trong sản xuất. Việc sử dụng khá nhiều phân bón và các hóa chất khác trong nông nghiệp khiến hủy hoại nguồn lợi thủy sản, suy thoái đất và ô nhiễm nước. Trong tương lai, ngành nông nghiệp ở ĐBSCL phải đảm bảo “tăng giá trị, giảm đầu vào”, đòi hỏi sự thay đổi trong sử dụng đất, sản xuất và tổ chức hiệu quả chuỗi giá trị và bán các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường. Đó cũng là mang lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và hệ sinh thái bằng cách sử dụng ít đất, nước, lao động, phân bón, hóa chất và năng lượng, đồng thời giảm phác thải khí nhà kính, ô nhiễm và chất thải. Tăng trưởng sẽ cần đến từ hiệu quả năng suất, đổi mới sáng tạo, đa dạng và gia tăng giá trị.
 
a
Trước tình trạng biến đổi khí hậu, vùng ĐBSCL cần giảm cây lúa để trồng sản phẩm khác phù hợp
 
Thuận thiên theo thời tiết
 
Đối với tác động của biến đổi khí hậu đang gia tăng, cần thúc đẩy các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu, nhân rộng việc áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước và thân thiện với môi trường như kỹ thuật canh tác tưới ngập khô xen kẽ AWD. Theo bà Phạm Hoàng Vân, tình trạng xâm nhập mặn đang xảy ra, nông nghiệp cần chú trọng việc chuyển đổi trên đất lúa dễ bị ảnh hưởng sang nuôi trồng nước lợ và đối với cây trồng chịu mặn. ĐBSCL nên sản xuất ít gạo hơn nhưng thúc đẩy sản xuất gạo chất lượng cao hơn và gạo đặc chủng. Xu hướng sản xuất gạo đặc chủng đang diễn ra và có thể gia tăng. Điều này sẽ giải phóng thêm đất để sử dụng sản xuất các loại nông sản có giá trị cao, thích ứng với biến đổi khí hậu khác, như trái cây và rau quả.
 
a
Hiện nay, nhiều công ty phải giảm diện tích lúa, nhờ chuyên gia để nâng cao chất lượng gạo
Để đạt được điều này sẽ yêu cầu các hành động hợp tác công - tư ở nhiều cấp. Tại khâu sản xuất phải phổ biến rộng rãi việc thực hành nông nghiệp tốt, tạo điều kiện cho chứng nhận sinh thái; thúc đẩy hành động tập thể trong hoạt động sản xuất và sau thu hoạch. Tại cộng đồng cần thúc đẩy hoạt động đa chức năng của các vùng nuôi. Toàn ngành nông nghiệp cần phát triển hệ sinh thái nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu của nhiều bên liên quan.
 
Đồng quan điểm với các chuyên gia, theo GS Võ Tòng Xuân, cần tái cơ cấu ngành nông nghiệp ĐBSCL theo hướng giảm diện tích trồng lúa kém hiệu quả, chuyển sang các loại cây trồng, thủy sản giá trị cao. Nhà nước cần thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư vào vùng.
 
Còn ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập sinh thái ĐBSCL nhận định, để Nghị quyết 120/NQ-CP thành công cần phải thực hiện đồng bộ với Quyết định 593/QĐ-TTg của Chính phủ quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL, Luật Quy hoạch 2017. Đây chính là bộ ba chính sách để phát triển vùng ĐBSCL. Đồng thời, Nghị quyết 120/NQ-CP cần phải thực hiện thật chậm để phát triển bền vững.
 
Một vấn đề nữa nếu thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, Bộ NN-PTNT cần phải không giao chỉ tiêu sản lượng nông nghiệp cho từng tỉnh. Hiện nay, các tỉnh thường tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư nên xảy ra việc cạnh tranh đầu tư khoa học kỹ thuật, công nghệ chế biến, nhất là nhà máy sản xuất. Do đó, các vùng cần phải có liên kết để phân bổ hợp lý, tránh tình trạng trùng lắp giữa nhiều địa phương.
 
(Theo sggp.org.vn)
 
.
.
.