.

Sầu riêng không đủ bán, có đâu mà tồn đọng

Cập nhật: 09:17, 26/02/2020 (GMT+7)
Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp thu mua sầu riêng để xuất khẩu.
Hợp tác xã Sầu riêng Ngũ Hiệp thu mua sầu riêng để xuất khẩu.

Sầu riêng là trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang, với giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp để quảng bá thương hiệu trái sầu riêng đến người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chính vì vậy, chuyện sầu riêng tồn đọng số lượng lớn là không có. Điều đó được các ngành chức năng khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Ước (ấp Bình Hòa B, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) trồng 1 ha sầu riêng được 13 năm tuổi. Trong đợt trái vừa qua, ông xử lý cho trái bán sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Đúng thời điểm thu hoạch, thương lái thông báo đầu ra khá chậm nên yêu cầu gia đình ông neo thêm vài ngày. Khoảng 3 - 4 ngày sau, thương lái xin giảm giá bán xuống còn 30.000 đồng/kg. Gia đình ông đồng ý và thương lái tiến hành thu hoạch.

KHÔNG CÓ CHUYỆN TỒN ĐỌNG

Là người trồng sầu riêng lâu năm ở vùng đất xã Tam Bình, ông Ước khẳng định: “Không có chuyện tồn đọng hay vứt bỏ sầu riêng. Nếu giá cao, đầu ra dễ dàng thì doanh nghiệp, thương lái thu mua xuất khẩu. Nếu giá giảm mạnh, nhiều doanh nghiệp sơ chế tranh thủ mua rồi lột vỏ, sấy, chế biến… để xuất khẩu. Những trái chín cây, tiểu thương và nhà vườn bán cho người dân hoặc tiêu thụ thị trường nội địa”.

Thương lái thu mua sầu riêng của người dân để đưa đi tiêu thụ.
Thương lái thu mua sầu riêng của người dân để đưa đi tiêu thụ.

Ông Ngô Văm Tám (ấp Hòa Thinh, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) trồng trên 1 ha sầu riêng tâm sự: “Nhiều năm trồng sầu riêng, giá trái cây này lên xuống theo quy luật thị trường; có lúc giá trên 100 ngàn đồng/kg, có khi khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg. Khi giá thấp, nông dân vẫn “sống” được. Tuy nhiên, chúng tôi chưa bao giờ thấy cảnh nhờ ngành chức năng hỗ trợ đầu ra cho trái sầu riêng. Giá xuống thấp, đầu ra khó khăn, thương lái thường neo lại vài ngày rồi cũng thu hoạch cho nông dân. Không có chuyện nhà vườn buộc phải cắt bỏ hay tìm đến ngành chức năng để nhờ tìm đầu ra. Khi giá sầu riêng xuống thấp thì doanh nghiệp, thương lái thu mua bán trong nước vì vừa túi tiền của người dân. Họ mua không đủ bán thì có đâu mà tồn đọng.   

Trao đổi với chúng tôi chiều 24-2, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình cho biết, toàn huyện có 15.000 ha trồng cây ăn trái; trong đó, sầu riêng chiếm 9.000 ha. Trong 9.000 ha sầu riêng thì có 8.100 ha đang cho trái ổn định, 900 ha đang trong giai đoạn trồng và chờ cho trái.

Từ tháng 8 đến 9-2019, nông dân trồng sầu riêng xử lý nghịch vụ 2.200 ha để bán trái vào dịp trước và cận sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, với sản lượng 40.000 tấn. Trong đó, người dân đã thu hoạch bán trước tết 1.850 ha, với sản lượng khoảng 37.000 tấn, giá bán 55.000 đồng/kg. Sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, giá sầu riêng đột ngột giảm nhanh và đầu ra tương đối chậm. Thời điểm đó, ngành chuyên môn thống kê có khoảng 350 ha, với sản lượng khoảng 7.000 tấn chậm tiêu thụ do Trung Quốc đóng các cửa khẩu vì dịch bệnh.

TIÊU THỤ NỘI ĐỊA VẪN RẤT TỐT

Theo đồng chí Trần Lý Ngự Bình, việc sầu riêng trên địa bàn tồn đọng và cần hỗ trợ đầu ra là không có. Bởi, sầu riêng của huyện trong thời gian qua tiêu thụ thị trường nội địa rất mạnh. Trước đây, nhiều người cho rằng trái sầu riêng chỉ để người có tiền thưởng thức vì giá quá cao. Vừa qua, sầu riêng có giá hợp lý nên nhiều người, nhiều thành phần được tiếp cận và thưởng thức trái cây này. Vấn đề khó khăn về đầu ra do không xuất khẩu sang Trung Quốc là một thách thức lớn, đồng thời cũng là cơ hội mở ra cho thị trường nội địa.

Giải thích lý do vì sao có thông tin 40.000 tấn sầu riêng còn tồn đọng và chờ ngành chức năng hỗ trợ đầu ra, đồng chí Trần Lý Ngự Bình cho biết, thông tin đó có lẽ họ lấy tổng diện tích xử lý trái để bán trước và cận sau tết, rồi tính năng suất 20 tấn/ha mới có sản lượng 40.000 tấn. Còn việc xử lý trái, người dân đa số đều bán trước tết. Cận sau tết, số lượng sầu riêng còn khoảng 7.000 tấn bán hơi chậm, chủ yếu cho thị trường nội địa. Có chăng là do các vườn neo lại để chờ giá.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Công thương Tiền Giang Đoàn Văn Phương cho biết, sau khi Trung Quốc đóng các cửa khẩu, nông sản của tỉnh Tiền Giang nói riêng và cả nước nói chung có bị ùn ứ cục bộ. Trước tình hình đó, Sở Công thương phối hợp với ngành chức năng đồng hành cùng doanh nghiệp để hỗ trợ cho nông dân; trong đó, sở tập trung ở trái thanh long. Riêng trái sầu riêng, đồng chí khẳng định trên địa bàn tỉnh không có chuyện tồn đọng 40.000 tấn sầu riêng. Từ trước đến giờ, sầu riêng không đủ bán thì lấy đâu ra tồn đọng.

Mấy ngày qua, Trung Quốc đã thông quan trở lại, sầu riêng bắt đầu hút hàng, tăng giá. Hiện tại, giá đã tăng lên 52.000 đồng/kg. Nhiều doanh nghiệp, thương lái tìm hàng để thu mua nhưng số lượng không có nhiều.

SĨ NGUYÊN

.
.
.