Khoảng 1 - 2 ngày tới có thể sử dụng nước kinh Nguyễn Tấn Thành
Cập nhật: 08:51, 03/03/2020 (GMT+7)
(ABO) Ngày 2-3, đồng chí Lê Văn Hưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang cùng ngành chức năng đã kiểm tra việc tháo rửa, cải thiện chất lượng nước bên trong đập thép kinh Nguyễn Tấn Thành.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, sau thời gian xả nước mặn qua cống Bảo Định, cống Nguyễn Tấn Thành và dùng 20 máy bơm xả mặn (hoạt động từ chiều 29-2 đến nay), chất lượng nước trong đập thép kinh Nguyễn Tấn Thành đã được cải thiện đáng kể, nước có thể phục vụ cho Nhà máy nước Đồng Tâm trong vài ngày tới.
20 máy bơm hoạt động hết công suất để bơm nước mặn ra ngoài. |
Trưa 2-3, trên kinh Nguyễn Tấn Thành, độ mặn đo được tại cầu Long Định là 2,25 g/l, đầu kinh Một 1,54 g/l, đầu kinh Hai 0,57 g/l; tuyến kinh Sáu Ầu - Xoài Hột, độ mặn tại cầu Trại rắn Đồng Tâm giảm còn 1,47 g/l, cầu Rượu 1,4 g/l, kinh Phủ Chung 1,25 g/l; trên tuyến kinh Bến Chùa - Chợ Bưng, độ mặn tại cầu Chợ Bưng 1,04 g/l, cầu liên xã Long An - Tam Hiệp 1,33 g/l, cầu Bến Chùa 1,17 g/l.
Nước mặn trong kinh Nguyễn Tấn Thành được bơm ra ngoài. |
Trao đổi tại buổi kiểm tra, đồng chí Lê Văn Hưởng cho rằng: Đến thời điểm này, việc đắp đập thép kinh Nguyễn Tấn Thành có vai trò rất quan trọng. Việc đắp đập thép này không chỉ giúp cho tỉnh vận hành lấy nước ngọt cung cấp cho hơn 800.000 dân trong những ngày tới, mà còn ngăn mặn, lấy nước ngọt từ kinh Nguyễn Văn Tiếp đưa về vùng phía Đông cống Bảo Định của tỉnh Tiền Giang và vùng cây ăn trái lớn của tỉnh Long An (khu vực đang thiếu nước ngọt trầm trọng).
S.N