.

Chống hạn, mặn ở ĐBSCL: Cần sự chủ động của địa phương

Cập nhật: 18:15, 03/04/2021 (GMT+7)

(ABO) Diễn biến cực đoan của thời tiết trong những năm qua là thách thức đối với quyết tâm bảo đảm đời sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Do đó, các địa phương cần chủ động có những quyết sách riêng để hạn chế sự phụ thuộc vào thiên nhiên.

HẠN VÀ XÂM NHẬP MẶN ĐẾN HẸN LẠI LÊN

Đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành được tỉnh Tiền Giang chủ động đắp trong năm 2021.
Đập thép trên kinh Nguyễn Tấn Thành được tỉnh Tiền Giang chủ động đắp trong năm 2021.

Theo Tổng cục Khí tượng - Thủy văn, lượng mưa mùa lũ năm 2019 tại thượng nguồn sông Mê Kông thuộc vùng lãnh thổ Trung Quốc thiếu hụt từ 20% - 25% so với năm 2015 (năm được đánh giá xảy ra hạn, mặn lịch sử).

Vùng ĐBSCL thiếu hụt từ 20% - 50% so trung bình nhiều năm. Xâm nhập mặn diễn ra sớm hơn. Cụ thể, trên sông Vàm Cỏ Tây, độ mặn 4 g/l đã vào sâu 50 km; trên sông Tiền đã vào 3 nhánh sông chính của tỉnh Bến Tre gần 60 km; trên sông Hậu cũng xâm nhập khoảng 50 km.

Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực sẽ làm cho tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trở nên trầm trọng hơn mùa khô.

Để chủ động ứng phó hạn, mặn, tại Hội nghị phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm sản xuất nông nghiệp và dân sinh khu vực ĐBSCL năm 2020, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) phối hợp các địa phương tập trung những biện pháp ứng phó hiệu quả.

Trước hết, bảo đảm cuộc sống cho người dân, không được để bất kỳ hộ dân nào thiếu nước sinh hoạt và nước cho sản xuất; bảo vệ mùa màng và không để bùng phát dịch bệnh do thiếu nước.

Thực trạng đáng lo ngại hiện nay là do nguồn nước mặt khan hiếm và suy giảm vì hạn hán và mặn xâm nhập.

Hướng sông Tiền, tình hình xâm nhập mặn đang diễn tiến ngày một trầm trọng. Tại tỉnh Tiền Giang, khu vực cống Xuân Hòa (huyện Chợ Gạo), vào cuối tháng 1-2021, độ mặn đo được có thời điểm lên đến 6 g/l, tăng đột biến so với dự báo.

Còn nhớ mùa khô năm 2020, xâm nhập mặn xảy ra trên diện rộng ở vùng ĐBSCL, lúa cháy khô. Cây trồng héo rũ vì hạn, mặn, người dân phải xếp hàng dài để nhận từng can nước ngọt về sử dụng, thuê sà lan, mua từng ghe nước ngọt từ nơi khác về để tưới cứu cây trồng…

Tiền Giang được mệnh danh là vương quốc trái cây của Việt Nam. Đợt xâm nhập mặn mùa khô năm 2020 đã làm thiệt hại không nhỏ cho ngành hàng cây ăn trái của tỉnh, đặc biệt là cây sầu riêng.

Dù chính quyền địa phương đã chi hàng chục tỷ đồng vận chuyển nước ngọt miễn phí cung cấp cho người dân tưới vườn cây ăn trái nhưng nhiều vườn cây vẫn bị thiệt hại.

Theo số liệu thống kê từ ngành Nông nghiệp Tiền Giang, đến ngày 26-6-2020, tổng diện tích cây ăn trái bị thiệt hại do mặn mùa khô năm 2020 trên địa bàn tỉnh là khoảng 5.343 ha (các huyện phía Tây 5.195 ha, các huyện phía Đông 148 ha).

Trong đó, tỷ lệ thiệt hại từ 30% đến 70% là 1.434 ha, tỷ lệ thiệt hại trên 70% (hoặc chết) là khoảng 3.909 ha.

ĐỊA PHƯƠNG PHẢI CHỦ ĐỘNG

Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, để thích ứng với biến đổi khí hậu, trong đó các nội dung liên quan đến phát triển nguồn nước đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2100, Bộ NN&PTNT đã triển khai xây dựng Đề án “Hiện đại hóa hệ thống thủy lợi phục vụ chuyển đổi, phát triển nông nghiệp bền vững tại các tiểu vùng sinh thái vùng ĐBSCL”, trong đó đề xuất những giải pháp dài hạn.

Theo đề án này, sẽ có cơ sở dữ liệu chuyên ngành và kết nối với cơ sở dữ liệu liên ngành, bao gồm dữ liệu về dòng chảy thượng nguồn sông Mê Kông, đáp ứng điều kiện ứng dụng công nghệ tiên tiến để hiện đại hóa công tác quản lý, vận hành hệ thống thủy…

Đáng chú ý là đề án này tập trung nguồn lực để sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới công trình để bảo đảm khả năng kiểm soát nguồn nước, chất lượng nước liên vùng, chủ động điều hòa, phân phối nguồn nước hợp lý.

Mới đây, trả lời báo chí, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ đã và đang đầu tư 11 hệ thống công trình thủy lợi tại ĐBSCL.

Sau đợt hạn, mặn năm 2015 - 2016, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt và đã nghiên cứu, đầu tư 11 công trình, hiện có 5 công trình đưa vào sử dụng sớm so với kế hoạch từ 5 - 14 tháng.

Các công trình còn lại đang được đầu tư và đẩy mạnh triển khai, nhất là hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé để điều tiết mặn ngọt cho toàn bộ vùng Hậu Giang và một phần của 2 tỉnh Kiên Giang - Cà Mau.

Đối với Dự án Cái Lớn - Cái Bé của tỉnh Kiên Giang, Bộ NN&PTNT sẽ đầu tư giai đoạn 1; đồng thời, nghiên cứu để chuyển nước ngọt cả cho tỉnh Cà Mau, cố gắng đến năm 2025 khắc phục cơ bản tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực này.

Dự kiến, ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng. Bộ cũng đang làm việc với các ngân hàng như: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á để có vốn vay tập trung cho nguồn nước sạch tại ĐBSCL, giải quyết ngay lập tức tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong vòng 2 năm tới.

Tại Tiền Giang, hiện nay, tỉnh này đang tích cực triển khai đầu tư các hồ chứa nước ngọt tại khu vực quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (197,3 ha) và dự kiến ngăn kinh Nguyễn Tấn Thành làm hồ trữ nước ngọt cung cấp cho hơn 800.000 hộ dân mùa khô hạn.

Dự kiến, sau khi các công trình này hoàn thành sẽ là một trong hai hồ trữ ngọt lớn nhất miền Tây. Đây là những quyết sách tích cực, kịp thời của lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nhằm nhanh chóng ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn tại đây để sớm giảm bớt khó khăn cho sinh hoạt của người dân, ổn định và phát triển sản xuất nông nghiệp.

THANH XUÂN

.
.
.