.

Sạt lở và yêu cầu cấp bách về nâng cấp kênh Chợ Gạo

Cập nhật: 18:00, 14/05/2021 (GMT+7)

Chợ Gạo là tuyến kênh kết nối vô cùng quan trọng giữa các địa phương Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với TPHCM và Đông Nam bộ. Tuy nhiên, tuyến kênh này đang chịu tác động rất lớn bởi sạt lở, bồi lắng nên ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc lưu thông. Do đó, các chuyên gia khuyến nghị cần cấp bách nâng cấp kênh Chợ Gạo.

Phương tiện lưu thông dày đặc trên tuyến kênh Chợ Gạo kết nối từ ĐBSCL về TPHCM. Ảnh: Trung Chánh
Phương tiện lưu thông dày đặc trên tuyến kênh Chợ Gạo kết nối từ ĐBSCL về TPHCM. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin trên được nêu ra nhân chuyến khảo sát thực địa tuyến kênh Chợ Gạo trong khuôn khổ báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2021 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ (VCCI Cần Thơ) cùng các chuyên gia của trường Đại học Fulbright và ĐBSCL thực hiện vào chiều ngày 12-5.

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho thấy, hiện có 3 tuyến đường thủy quan trọng kết nối TPHCM với ĐBSCL, trong đó, có 2 tuyến phải qua kênh Chợ Gạo là TPHCM - Hà Tiên và TPHCM - Cà Mau, phục vụ cho việc giao thương của 11 địa phương ĐBSCL (trừ Đồng Tháp và An Giang).

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, có khoảng 75% khối lượng hàng hóa (đi bằng đường thủy - PV) giao thương giữa TPHCM và ĐBSCL phải đi qua kênh Chợ Gạo và khoảng 25% còn lại đi theo tuyến TPHCM - Đồng Tháp Mười - Tứ giác Long Xuyên.

Có 200 điểm sạt lở, lấn sâu vào đất liền

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho thấy, từ năm 2005, đi đôi với sự phát triển mạnh của kinh tế - xã hội, hoạt động giao thông đường thủy trên tuyến kênh Chợ Gạo có sự gia tăng đột biến về lưu lượng.

Cụ thể, mỗi ngày có khoảng 1.400 lượt phương tiện tải trọng từ 200 DWT đến 1.000 DWT đi qua đoạn kênh này, thậm chí lúc cao điểm lên đến 1.800 lượt. Tuy nhiên, theo thông tin từ phòng hạ tầng của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang, con số này đã lạc hậu, trên thực tế có thể còn cao hơn, cần có sự tính toán thống kê lại.

Chính việc gia tăng lượng phương tiện lưu thông qua kênh Chợ Gạo đã gây ra tình trạng tắc nghẽn giao thông; xảy ra các sự cố va chạm, lật tàu thuyền. Đặc biệt, tình trạng sạt lở diễn ra rất nghiêm trọng, có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế - xã hội của người dân địa phương.

sd
Một điểm sạt lở trên tuyến kênh Chợ Gạo. Ảnh: Trung Chánh

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, thời gian qua toàn tuyến kênh đã có 200 điểm sạt lở, lấn vào đất liền trung bình từ 2-20 mét. Riêng chiều dài tuyến qua địa phận tỉnh Tiền Giang có 150 điểm sạt lở nghiêm trọng. “Điều này cho thấy, tình trạng sạt lở đã đến mức báo động, ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn giao thông và đời sống người dân cặp hai bờ kênh”, ông Bon cho biết.

Mặt khác, sạt lở nghiêm trọng cũng đã tạo cho lòng kênh Chợ Gạo ngày càng cạn và hẹp dần, gây nguy hiểm cho các phương tiện vận tải thuỷ, dù mặt kênh rộng 80-100 mét nhưng luồng chỉ còn chưa đến 40 mét.

Cấp bách nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2

Để giải quyết tình trạng nêu trên, vào năm 2013, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo với chiều dài tuyến đạt 27,2 km, từ rạch Tràm đến ngã ba sông Tiền đạt tiêu chuẩn cấp II đường thủy nội địa và có mở rộng.

Theo đó, dự án được khởi công vào năm 2013 với tổng kinh phí 2.263,7 tỉ đồng, trong đó, giai đoạn 1 đến năm 2015 với kinh phí 787 tỉ đồng thực hiện nạo vét 17,25 km luồng đạt chuẩn cấp II đường thuỷ nội địa, đoạn từ Rạch Lá đến Kỳ Hôn (chiều rộng 55 mét, độ sâu tàu chạy 3,1 mét, tĩnh không thông thuyền là 9 mét). Giai đoạn 1 đã hoàn thành đưa vào khai thác từ năm 2016.

Vào tháng 9-2020, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kênh Chợ Gạo giai đoạn 2.

Theo đó, sẽ nạo vét mở rộng luồng chạy tàu bờ Nam kênh chợ Gạo (từ km 12+000 đến km 21+850) với tổng chiều dài 9,85 km. Cao độ đáy nạo vét điểm đầu tuyến tại km 12+200 là âm 5,1 mét, điểm cuối tuyến tại km 21+850 là âm 4,9 mét…

Ngoài ra, dự án giai đoạn 2 sẽ thực hiện hạng mục công trình bảo vệ bờ Nam kênh Chợ Gạo; cầu và đường dân sinh…

Tổng mức đầu tư của giai đoạn 2 là hơn 1.335,6 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là hơn 556 tỉ đồng; chi phí xây dựng là gần 499 tỉ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 6 tỉ đồng; tư vấn hơn 16,4 tỉ đồng; chi phí khác hơn 16,1 tỉ đồng; chi phí dự phòng hơn 241,9 tỉ đồng (gồm dự phòng phát sinh khối lượng hơn 109 tỉ đồng và còn lại là dự phòng yếu tố trượt giá).

Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho biết, giai đoạn 2 của dự án đến nay vẫn chưa được triển khai thực hiện.

Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang (bìa trái) trình bày với các thành viên đoàn khảo sát về tuyến kênh Chợ Gạo. Ảnh: Trung Chánh
Ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang (bìa trái) trình bày với các thành viên đoàn khảo sát về tuyến kênh Chợ Gạo. Ảnh: Trung Chánh

Tại buổi khảo sát thực địa, các chuyên gia trong đoàn đánh giá rất cao tầm quan trọng của tuyến kênh Chợ Gạo trong việc lưu chuyển hàng hoá giữa ĐBSCL đi TPHCM và ngược lại. Do đó, quan điểm là ủng hộ phải nâng cấp để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hoá ngày càng gia tăng.

Theo ghi nhận thực tế trong chuyến khảo sát, hiện hàng hoá vận chuyển chủ yếu trên tuyến kênh Chợ Gạo là vật liệu xây dựng; xăng dầu và hàng nông sản có thời gian bảo quản lâu. Trong khi đó, với hàng thuỷ sản đông lạnh và trái cây- vốn là thế mạnh của ĐBSCL- hầu như không thấy xuất hiện.

Báo cáo của Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang cho thấy, tuyến kênh Chợ Gạo được đào vào năm 1877 và đi vào hoạt động từ những năm 1900. Kênh Chợ Gạo là tên gọi chung của tuyến đường thuỷ dài khoảng 28,6 km qua địa phận huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây của tỉnh Tiền Giang và một phần tỉnh Long An. Tuyến kênh Chợ Gạo được chia làm 3 đoạn, gồm đoạn Rạch Lá dài 10,2 km, từ km 0+000 đến km 10+200; đoạn Chợ Gạo dài 11,6 km, từ km 10+200 đến km 21+800 và đoạn rạch Kỳ Hôn dài 6,837 km, từ km 21+800 đến km 28+637.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.