.

"Tiếp sức" cho doanh nghiệp vượt khó

Cập nhật: 09:22, 10/07/2023 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đang phải đối mặt với khó khăn về thị trường, nguồn vốn…; đặc biệt là các DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thủy sản. UBND tỉnh, cùng các sở, ngành đang tích cực tháo gỡ khó khăn đồng hành cùng các DN.

Khó khăn về thị trường tiêu thụ, chi phí tăng cao khiến nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực dệt may, thủy sản phải chật vật xoay trở. Do không có đơn hàng, một số DN buộc phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm.

NHIỀU KHÓ KHĂN

Sau năm 2022 “thắng lớn”, các DN thủy sản bước vào năm 2023 với dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Và thực tế diễn biến đúng như thế. Theo đó, đơn hàng xuất khẩu giảm dẫn đến lượng tồn kho tăng cao. DN thủy sản bị áp lực lớn vì thị trường tiêu thụ lao dốc, giá xuất khẩu sụt giảm mạnh. Trong khi đó, chi phí cho hoạt động sản xuất, chế biến tăng, thêm vào đó là lãi suất ngân hàng tăng cao.

Nhiều DN thủy sản đang gặp khó khăn.
Nhiều DN thủy sản đang gặp khó khăn.

Là DN hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, thời gian qua, Công ty TNHH Thủy sản M.T. (huyện Gò Công Đông) đối mặt với không ít khó khăn. Theo đó, đơn hàng xuất khẩu ít, trong khi lãi suất ngân hàng tăng là khó khăn lớn nhất đối với DN hiện nay. Thêm vào đó, việc nhập nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản của cảng cá cũng làm cho DN thêm khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Ánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền cho biết, nếu DN vay với mức lãi suất 5% - 6% thì sẽ khó, bởi hoạt động sản xuất, kinh doanh không có lợi nhuận đến mức độ đó. Do đó, công ty kiến nghị, đối với những DN xuất khẩu có ngoại tệ thì nên áp dụng hỗ trợ lãi suất cho vay ngoại tệ để giảm một phần khó khăn. Hiện nay, ngoại tệ đang bình ổn nên việc hỗ trợ lãi suất cho vay ngoại tệ cũng là điều hết sức thiết thực.

Theo đánh giá của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Tiền Giang, trong năm 2022, tình hình hoạt động của các DN trên địa bàn có xu hướng phục hồi tích cực sau ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong những tháng đầu năm năm 2023, các DN gặp nhiều khó khăn; trong đó, có DN ngành dệt may, thủy sản...

Cụ thể, chỉ số sản xuất của các DN ngành chế biến thủy sản giảm do giá nguyên vật liệu chăn nuôi tăng cao. Các DN ngành dệt may giảm do thiếu đơn hàng xuất khẩu và giá nguyên liệu đầu vào tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng thủy sản đạt 122,7 triệu USD, giảm 36,3% (giảm khoảng 70 triệu USD).

Các DN ngành dệt may và giày có kim ngạch xuất khẩu giảm nhẹ (giảm 5,9% và 3,8%). Các DN may túi xách, ví, va li có kim ngạch xuất khẩu giảm nhiều nhất (giảm 29,7%). Kim ngạch xuất khẩu giảm do chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế toàn cầu, tổng cầu giảm sút, nhu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn giảm mạnh. Nhiều thị trường chủ lực đối mặt với rủi ro suy thoái kinh tế và lạm phát ở mức cao.

Cũng như các DN thủy sản, nhiều DN dệt may trên địa bàn tỉnh cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Từ cuối năm 2022, các DN dệt may đã chịu sự tác động lớn từ việc sụt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm. Các DN phải chật vật xoay trở để tìm kiếm đơn hàng, duy trì việc làm để giữ chân người lao động.

Trên thực tế, khó khăn về mặt thị trường chính là yếu tố tác động lớn nhất đối với các DN dệt may hiện nay. Theo Công ty TNHH May Việt Long Hưng (TX. Gò Công), hiện các khách hàng lâu năm của DN giảm số lượng đơn đặt hàng do tình hình khó khăn của kinh tế toàn cầu. Công ty phải nhận các đơn hàng bên ngoài để bù đắp năng lực sản xuất bị thiếu hụt. Giá gia công thấp, kết cấu phức tạp, công nhân may không đạt năng suất gây ảnh hưởng doanh thu và lợi nhuận công ty. Mặt khác, chi phí điện tăng kéo theo chi phí sản xuất tăng cao. Năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, công ty ghi nhận lỗ; trong đó, chi phí lương và quyền lợi người lao động chiếm 60%/tổng chi phí. Nguồn hàng không đáp ứng được cho nguồn nhân lực hiện tại, không tạo ra đủ quỹ lương để chi trả hằng tháng cho người lao động.

Trước khó khăn bủa vây như hiện nay, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang kiến nghị tỉnh tháo gỡ nhiều vấn đề, chủ yếu liên quan đến nguồn vốn và giảm thuế. Theo Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hoan Vinh (huyện Châu Thành), năm 2022 khách hàng nước ngoài của DN dần dần không còn đơn hàng theo đúng như kế hoạch ban đầu và thưa dần vào những tháng cuối năm. Năm 2023, đơn hàng giảm chỉ còn 50% - 60% so với những năm trước. Trong khi đó, giá nguyên phụ liệu tăng cao, cước vận chuyển, cước tàu biển cũng tăng. Lãi suất ngân hàng có lúc giảm nhưng không đáng kể, hiện vẫn còn cao, thủ tục giải ngân ràng buộc.

Ông Nguyễn Tấn Thanh, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hoan Vinh cho biết: “Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất nhiều về giảm lãi suất ngân hàng, nhưng các ngân hàng thương mại bằng cách nào đó chưa giảm lãi suất cho các DN. DN muốn vay để phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng khó. DN đang rất cần nguồn vốn vay của ngân hàng, với lãi suất ưu đãi theo chính sách của Trung ương trong tình hình khó khăn như hiện nay”.

GỠ KHÓ, ĐỒNG HÀNH CÙNG DN

Trước khó khăn của các DN, UBND tỉnh Tiền Giang cùng các sở, ngành liên quan đang tập trung tháo gỡ giúp DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực tế cho thấy, trong những khó khăn mà các DN dệt may và thủy sản đang đối mặt, nguồn vốn đang là một trong những yếu tố quyết định đến sự sống còn của các DN. Dù lãi suất có điều chỉnh giảm, nhưng theo đánh giá của một số DN, mặt bằng chung là vẫn còn cao. Đối với các gói lãi suất ưu đãi, DN vẫn còn khó khăn trong tiếp cận.

Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hoan Vinh gặp khó khăn do đơn hàng giảm.
Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Hoan Vinh gặp khó khăn do đơn hàng giảm.

Theo Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tiền Giang Nguyễn Thị Đậm, từ đầu năm 2023 đến nay, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 4 lần các mức lãi suất điều hành, với mức giảm từ 0,5% - 2%/năm. Hiện nay, lãi suất cho vay đang trong xu hướng giảm (lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022). Với tác động của độ trễ chính sách sau những lần giảm lãi suất điều hành của NHNN, ngân hàng thương mại cũng đưa cam kết giảm lãi suất cho vay đối với dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới nên dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Cũng theo đồng chí Nguyễn Thị Đậm, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ ưu tiên vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời, xem xét duy trì hạn mức tín dụng đã cấp cho các DN lâm sản, thủy sản để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trong giai đoạn hiện nay.

Ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, xem xét miễn, giảm các loại phí dịch vụ nhằm hỗ trợ DN, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Một trong những giải pháp quan trọng là chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng, phù hợp với đặc thù hoạt động của DN sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản và dệt may. NHNN sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo và có thanh, kiểm tra đối với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các chính sách về lãi suất.

Tại buổi gặp gỡ của lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang với các DN dệt may và thủy sản trên địa bàn tỉnh vào sáng ngày 23-6, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Văn Dũng yêu cầu, đối với kiến nghị về thuế, ngành Thuế phải thường xuyên tiếp thu và xử lý nhanh chóng, kịp thời những ý kiến, phản ánh của DN; các vấn đề vượt thẩm quyền thì phải báo cáo ngay UBND tỉnh để giải quyết. Đối với nhóm kiến nghị về lãi suất và vốn vay, NHNN chi nhánh Tiền Giang cho kiểm tra và chấn chỉnh ngay đối với ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng về thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và duy trì cam kết của các ngân hàng thương mại. Các chính sách ưu đãi của Chính phủ đã có, nhưng cần phải có kế hoạch, lộ trình, cách làm cụ thể để các nhóm DN được tiếp cận.

Về vấn đề lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phải nắm hết được nhu cầu của DN và biết được lực lượng lao động thất nghiệp để cung cấp cho DN cần. Về tiếp cận thị trường, Sở Công thương quan tâm, tăng cường giúp DN tiếp cận thông tin để nắm bắt cơ hội tiếp cận với thị trường. Đối với các kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh văn bản gửi đến Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh để chuyển đến các cơ quan Trung ương để khi xây dựng các dự thảo văn bản pháp luật sẽ có sự nghiên cứu; làm sao để các cơ chế, chính sách góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

T. ĐẠT

.
.
.