.

Anh Hà Văn Sơn - nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Cập nhật: 14:17, 07/10/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, từ phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi" đã xuất hiện nhiều tấm gương vượt khó, vươn lên làm giàu chính đáng và anh Hà Văn Sơn (ngụ ấp Mỹ Chánh A, xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) là một nông dân như thế.

Xuất thân từ gia đình thuần nông, anh Sơn cũng như nhiều người dân xã Mỹ Hội bao đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” với sản xuất 3 vụ lúa/năm, nhưng hiệu quả kinh tế từ lúa mang lại không cao, do giá cả đầu ra bấp bênh, thường xuyên bị mất mùa; khó khăn khi thu hoạch lúa vào mùa mưa bão, không phơi được, bị ẩm mốc, thương lái ép giá… Nhận thấy những khó khăn chung của người nông dân trồng lúa, anh Sơn quyết tâm nghiên cứu, khởi nghiệp với lúa nhằm hỗ trợ nông dân có đầu ra tiêu thụ ổn định.

Với số vốn tích góp nhiều năm, anh Sơn quyết định chuyển sang thu mua lúa. Trải qua nhiều năm làm thương lái, anh nhận thấy người dân thường bán lúa tươi tại ruộng, lợi nhuận sẽ giảm. Nhưng người dân vẫn chấp nhận bán lúa, bởi thiếu nơi phơi hoặc sấy khô và lệ thuộc nhiều vào thời tiết. Từ thực tế này, anh Sơn nhận thấy, nếu lúa được đưa đến lò sấy sẽ có lợi nhuận kép, vừa giảm được nhân công phơi khô, vừa nâng cao giá trị hạt gạo.

“Qua học hỏi và so sánh việc ứng dụng lò sấy vào sản xuất lúa sẽ tạo ra giá trị gấp 5 lần việc đi thu mua lúa, nên tôi quyết định chuyển sang xây dựng lò, mua máy móc về sấy lúa cho bà con, để dự trữ lúa trong thời gian lâu hơn, có thể bán khi giá lúa tăng cao, không phải lệ thuộc hay bị thương lái ép giá”, anh Sơn chia sẻ.

Anh Sơn bên trong cơ sở sấy lúa của gia đình.
Anh Sơn bên trong cơ sở sấy lúa của gia đình.

Năm 2003, với vốn tự có 500 triệu đồng, anh Sơn vay thêm 500 triệu đồng để xây dựng 3 lò sấy lúa. Sau thời gian thu được hiệu quả khả quan từ mô hình lò sấy lúa với thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm, anh quyết định đầu tư mở rộng, phát triển kho chứa lúa và máy xay xát lúa. Đến nay, anh Sơn có 2 nhà máy xay xát lúa được trang bị máy móc hiện đại, với công suất chế biến hơn 100 tấn gạo/ngày và 14 lò sấy lúa, với công suất sấy trung bình mỗi ngày đạt 500 - 600 tấn lúa.

Trước đây, các khâu vận chuyển lúa đều làm bằng thủ công, dần dần anh Sơn áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, các quy trình đã được khép kín, từng khâu đều sử dụng máy móc tiên tiến, giảm chi phí nhân công so với phương pháp truyền thống. Đến nay, việc sấy lúa của gia đình anh Sơn đều được vận hành bằng máy móc, thay thế sức lao động và nhân công, với năng suất, chất lượng không ngừng tăng lên.

Anh Sơn chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.
Anh Sơn chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình.

Không dừng lại ở đó, để tạo thêm nguồn thu nhập cho gia đình, anh Sơn còn tích cực tăng gia sản xuất, khảo sát nhiều mô hình trồng cây ăn trái, ứng dụng vào cải tạo vườn (diện tích 20.000 m2) của gia đình. Khi có chủ trương về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, anh mạnh dạn trồng 200 gốc sầu riêng Monthong và đầu tư xen canh thêm 2.000 gốc mít Thái siêu sớm để tạo giá trị lấy ngắn nuôi dài, ổn định nguồn thu trong quá trình canh tác.

Trải lòng về nghề nông, anh Sơn chia sẻ, giống mít anh chọn trồng là loại mít Thái với nhiều ưu điểm như trái to, dày cơm, tuổi thọ của mít rất ngắn, vì vậy muốn cây phát triển tốt nên tỉa bớt trái non và không để rong xanh bám vào cây, thường xuyên kiểm tra cắt tỉa cành hư. Trung bình 10 - 15 ngày phun thuốc 1 lần cho mít, nhằm phòng trừ sâu hại và tăng cường thuốc dưỡng để trái phát triển tốt. Hơn nữa với đặc tính cho trái sớm, mít Thái trồng sau 2 năm đã cho trái và đậu trái quanh năm.

Riêng về chăm sóc cây sầu riêng, anh Sơn cho biết, cây trồng này thường gặp các bệnh phổ biến như nấm hồng, sâu đục trái... đòi hỏi người trồng phải chăm sóc kỹ. Các loại phân bón chứa nhiều kali cùng thuốc bảo vệ thực vật chứa kali sunfat có thể giải quyết những bệnh trên của cây sầu riêng. Đều đặn sử dụng đúng liều lượng phân phức hợp NPK 15-15-15+TE, NPK 19-9-19+TE... cho cây sầu riêng, dù có giá cao hơn các loại phân bón thông thường, nhưng bón phân phức hợp giúp cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho cả vườn cây.

Đến nay, mô hình trồng sầu riêng xen canh thêm mít của gia đình anh Sơn đã cho năng suất ổn định, mỗi năm mang lại nguồn thu khoảng 5 tỷ đồng. Cùng với đó, hằng năm anh Sơn còn thu lãi từ dịch vụ sấy lúa, xay xát lúa khoảng 5 tỷ đồng. Có thể nói, bằng sức lao động sáng tạo, anh Sơn trở thành tấm gương tiêu biểu trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” ở địa phương. Không chỉ thế, hằng năm anh Sơn được Hội Nông dân tỉnh Tiền Giang xét bình chọn là nông dân điển hình tiên tiến cấp tỉnh.

LÊ MINH

.
.
.