Châu Thành quyết tâm ra mắt huyện nông thôn mới
Qua 12 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn khởi sắc rõ rệt, hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đã phát huy hiệu quả, kinh tế nông thôn đã có nhiều chuyển biến tích cực góp phần nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân.
NHIỀU ĐỔI MỚI
Kết quả rõ nét của quá trình nỗ lực xây dựng NTM là bộ mặt nông thôn của huyện Châu Thành có những bước đổi mới rất rõ rệt, đặc biệt là hạ tầng nông thôn được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để nâng cao đời sống người dân. Trong đó, giao thông là một trong những thay đổi dễ nhận thấy nhất của công tác xây dựng NTM.
Theo đó, từ năm 2011 đến nay, toàn huyện đã đầu tư nâng cấp, xây dựng mới, mở rộng 1.035 tuyến đường và cầu giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 1.311 km, tổng kinh phí đầu tư cả giai đoạn là hơn 1.047 tỷ đồng. Cùng với đó, huyện còn đầu tư hệ thống chiếu sáng công cộng trên 558 tuyến đường giao thông nông thôn, với tổng chiều dài hơn 413 km, tổng kinh phí thực hiện hơn 40,5 tỷ đồng với tỷ lệ đạt chuẩn tăng gần 39%.
Từ đó, 22 xã trực thuộc huyện thực hiện hoàn thành tiêu chí Giao thông, với tỷ lệ đường xã đạt chuẩn đạt 100%, đường ấp đạt hơn 97%, đường ngõ, xóm đạt đạt 78,8%..., qua đó, góp phần đưa huyện đạt chuẩn về tiêu chí Giao thông. Bên cạnh tiêu chí Giao thông, huyện Châu Thành hiện có 77.514 hộ (đạt 100%) có điện sử dụng thường xuyên.
Du khách tham quan mô hình chăn nuôi dê kết hợp du lịch của Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Nghi, huyện Châu Thành. |
Bên cạnh đó, việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải trên địa bàn 22 xã NTM và thị trấn đô thị văn minh của huyện Châu Thành được thực hiện liên kết với công ty thu gom rác thải. Tỷ lệ người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn đã có sự chuyển biến tích cực, với khoảng 31.474 hộ thực hiện. Cùng với đó, các đoàn thể và người dân còn tích cực tham gia thực hiện chỉ tiêu về cảnh quan, trồng cây xanh, tạo các tuyên đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Công trình trồng cây xanh, trồng hoa trên địa bàn huyện đều được trồng cây xanh với 289 tuyến đường, dài 375 km.
Trong quá trình thực hiện chỉ tiêu này, nhiều người dân, hội viên, các đoàn thể đã tích cực tham gia thực hiện ở các tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp ở xã Bình Đức. Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Bình Đức Hồ Đoàn Anh Dũng cho biết: “Thời gian qua, các hội viên đã tham gia trồng hoa, dọn vệ sinh cảnh quan môi trường ở 2 tuyến đường xã với chiều dài 1.700 m. Đối với các hội viên, việc làm trên không chỉ là thực hiện thi đua ở xã mà còn vì giúp quê hương thêm tươi đẹp và đổi mới bộ mặt nông thôn”.
CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN
Nâng cao đời sống của người dân là một trong những mục tiêu quan trọng mà công tác xây dựng NTM của huyện Châu Thành tập trung hướng tới. Trong quá trình xây dựng huyện NTM, Châu Thành đã khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng và lợi thế so sánh của địa phương để phát triển kinh tế nông nghiệp đan xen với phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề dịch vụ… Theo đó, phát triển kinh tế nông thôn được huyện tập trung thực hiện nhất là ở phát triển kinh thế tập thể. Toàn huyện hiện có 26 hợp tác xã đang hoạt động, góp phần đáng kể trong việc tạo việc làm thường xuyên cho người dân địa phương.
Thời gian qua, các hợp tác xã xây dựng và thực hiện theo phương án sản xuất - kinh doanh hằng năm, có trích lập quỹ đầu tư phát triển và thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định. Bên cạnh đó, 22 Tổ khuyến nông cộng đồng trên địa bàn huyện đã hỗ trợ và tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng của địa phương, phối hợp với các ngành huyện, UBND các xã đã tổ chức 47 cuộc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trên lúa, sầu riêng, mít... với 1.460 lượt người tham dự.
Bên cạnh đó, hằng năm, huyện xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế nông thôn, củng cố phát triển 4 làng nghề bàng buông truyền thống ở các xã: Tân Lý Tây, Tân Lý Đông, Thân Cửu Nghĩa, Long Định. Toàn huyện có 19 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao, 20 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm nông thôn. Bên cạnh đó, công tác giải quyết việc làm cho người lao động được huyện chú trọng với nhiều giải pháp được thực hiện đồng bộ. Trên địa bàn huyện hiện có 525 công ty lớn, nhỏ, đã góp phần giải quyết việc làm cho 168.465 lao động của huyện. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 66,99 triệu đồng/người/năm, tăng 45,066 triệu đồng/người/năm so với thời điểm bắt đầu thực hiện xây dựng huyện NTM.
Với những quyết tâm, nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị và người dân trên địa bàn, đến nay, huyện Châu Thành đã có 22/22 xã đạt chuẩn NTM, 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và thị trấn Tân Hiệp đạt chuẩn đô thị văn minh. Hiện tại, huyện Châu Thành đang hoàn thiện hồ sơ gửi về Trung ương để thẩm định và phấn đấu ra mắt huyện NTM trong năm 2023.
CAO THẮNG