.
HÀNH TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Bài 3: Thay đổi kinh tế nông thôn

Cập nhật: 09:04, 11/12/2023 (GMT+7)

Bài 1: Xây dựng nền móng bền chặt

Bài 2: Đồng bộ hạ tầng

Câu chuyện xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn Tiền Giang nói riêng, cả nước nói chung đều gắn chặt với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập người dân theo hướng bền vững.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển mạnh mẽ Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị gia tăng, phù hợp với quá trình chuyển đổi số, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển du lịch nông thôn... là những bước đi căn cơ hiện nay.

CHÚ TRỌNG CHẤT LƯỢNG

Phát triển du lịch nông thôn cũng là bước đi hiệu quả trong hành trình xây dựng NTM.
Phát triển du lịch nông thôn cũng là bước đi hiệu quả trong hành trình xây dựng NTM.

Nhìn từ thực tiễn mới thấy, năm 2023 được xem là năm thắng lớn của cây sầu riêng cả nước nói chung, Tiền Giang nói riêng. Đây cũng được xem là một trong những thành quả rõ nét nhất trong việc thực hiện xây dựng vùng nguyên liệu, chú trọng chất lượng nhằm đảm bảo các tiêu chí xuất khẩu, nói rộng hơn là thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững. Tất nhiên, nông dân sẽ được hưởng lợi lớn từ chủ trương chung này.

Ông Nguyễn Thành Phong (xã Tam Bình, huyện Cai Lậy) cho biết, gia đình vừa thu hoạch đợt sầu riêng nghịch vụ, bán được giá 150.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình còn thu được hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận. Đây là một trong những năm người trồng sầu riêng có mức lợi lớn. Điều này có thể nhờ xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc gần đây của Việt Nam. Với giá bán như hiện nay, nông dân có điều kiện cải thiện cuộc sống, tiếp tục đầu tư vào sản xuất nông nghiệp.

Với lợi thế cây ăn trái, ngành Nông nghiệp Tiền Giang cũng đã và đang tập trung thực hiện các mô hình, dự án theo hướng an toàn, gắn liên kết tiêu thụ như xây dựng vùng sản xuất bưởi da xanh, sầu riêng gắn du lịch sinh thái, sản xuất dừa theo hướng hữu cơ, trồng giống khóm MD2 gắn sản xuất với tiêu thụ phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây mãng cầu na, có 100% diện tích sầu riêng ứng dụng tưới tiết kiệm nước; 16.000 ha mận, ổi và một số diện tích xoài, mít, vú sữa... áp dụng bao trái hạn chế được tổn thương cho vỏ trái, giảm tỷ lệ tác động của côn trùng…

Ứng dụng công nghệ trong nuôi trồng thủy sản của Tiền Giang cũng gặt hái những kết quả nhất định.

Hiện nay, Tiền Giang đang tiếp tục phát triển mô hình nuôi thủy sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện môi trường kết hợp ứng dụng công nghệ như sản xuất theo GAP, sử dụng hệ thống sục khí để hỗ trợ người nuôi tôm, áp dụng quy trình nuôi 2 hoặc 3 giai đoạn; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và ương dưỡng giống; ứng dụng công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn theo quy trình nuôi nước chảy, nuôi trong nhà, kỹ thuật biofloc...

Đến nay, diện tích nuôi tôm theo mô hình 2 hoặc 3 là khoảng 320 ha (chiếm 15% trên tổng diện tích nuôi tôm thâm canh).

Chưa kể, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong nông nghiệp là một trong những hướng đi mang lại hiệu quả cao. Trên lĩnh vực trồng trọt, ngành Nông nghiệp đã và đang triển khai thực hiện Dự án Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2025 (đến nay đã triển khai xây dựng và nhân rộng được 8.650 ha) và áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa như giống chất lượng cao, triển khai mô hình trình diễn ứng dụng máy cấy/sạ kết hợp vùi phân bón ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng mạ khay - máy cấy trong sản xuất lúa… giúp năng suất bình quân tăng, giảm chi phí sản xuất, hạn chế ô nhiễm môi trường.

Nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, một trong những bước đi quan trọng trong công cuộc tái cơ cấu ngành Nông nghiệp thời gian qua của Tiền Giang là tập trung xây dựng và phát triển hiệu quả các vùng nguyên liệu tập trung, cơ giới hóa đồng bộ, nâng cao năng lực chế biến và bảo quản nông sản theo các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu chuẩn chất lượng và mã vùng nguyên liệu.

Từ hướng đi này, Tiền Giang đã hình thành một số vùng chuyên canh như: Vùng sầu riêng Tiền Giang hiện có 21 ngàn ha, tăng hơn 23% và sản lượng đạt hơn 386 ngàn tấn (chiếm gần 22% tổng sản lượng cây ăn trái); vùng thanh long với diện tích gần 9 ngàn ha, sản lượng hơn 307 ngàn tấn/năm; vùng bưởi với diện tích hơn 4,7 ngàn ha, sản lượng hơn 65 ngàn tấn/năm...

Chưa kể, hiện ngành Nông nghiệp Tiền Giang đang tập trung cấp mã số vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo các yêu cầu cho xuất khẩu, nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp địa phương.

MỞ RỘNG KÊNH TIÊU THỤ

Không chỉ chú trọng khâu sản xuất, Tiền Giang còn tập trung vào các hoạt động kết nối, xúc tiến tiêu thụ nông sản; đa dạng hóa hệ thống kênh phân phối, tiêu thụ đảm bảo bền vững trước các biến động của thiên tai, dịch bệnh; trong đó ưu tiên phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thương mại nông thôn gắn với việc đáp ứng các tiêu chí cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để cụ thể hóa các bước đi này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã phối hợp các đơn vị có liên quan tổ chức hội nghị tập huấn nâng cao năng lực xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu trái cây; triển khai, hướng dẫn các đơn vị đăng ký sàn giao dịch điện tử; hướng dẫn, hỗ trợ xác nhận 5 chuỗi cung ứng an toàn thực phẩm cung ứng nông sản cho thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương.

Chưa dừng lại ở đó, thời gian qua Tiền Giang còn tập trung thực hiện hiệu quả Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025 gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và đa giá trị. Căn cứ Quyết định 922 ngày 2-8-2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Tiền Giang đã ban hành Kế hoạch 381 ngày 7-12-2022 về thực hiện Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Ngày 30-12-2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai Kế hoạch 381 đến các sở, ngành tỉnh liên quan và địa phương nhằm hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển du lịch nông thôn. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang hiện có 12 điểm du lịch nông thôn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND TP. Mỹ Tho xây dựng mô hình thí điểm của Trung ương về “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ và Phát triển sản phẩm OCOP tại xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang”…

Mục tiêu lớn nhất của hành trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân nông thôn. Từ hướng đi này, thời gian qua Tiền Giang đã tập trung triển khai cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái, phát huy lợi thế về địa hình, khí hậu, cảnh quan thiên nhiên và hạ tầng kinh tế - xã hội.

Kế thừa những thành quả đã đạt được, UBND tỉnh cũng đã phê duyệt Đề án Điều chỉnh tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh đến năm 2030 tại Quyết định 504 ngày 25-2-2022, với mục tiêu giá trị tăng thêm khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 3% - 3,5%/năm; cơ cấu kinh tế khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm khoảng 29,7% GRDP của tỉnh vào năm 2025 và từ 12,5% - 14,5% GRDP của tỉnh vào năm 2030; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đến năm 2025 tăng 1,6 - 1,8 lần so với cuối năm 2020 và năm 2030 tăng khoảng 1,6 lần so với năm 2025; 100% dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo quy chuẩn; tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM vào năm 2025.

Chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành chuyển biến tích cực hướng vào phát huy tiềm năng, lợi thế của từng vùng, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, từng bước hình thành các sản phẩm chủ lực của tỉnh…

Hành trình xây dựng NTM của Tiền Giang vẫn còn đang tiếp diễn với nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen. Song, để đạt được mục tiêu đề ra, Tiền Giang đã không ngừng nỗ lực để chạm đến những đích mới.

A.P

(Còn tiếp)

.
.
.