.

Việt Nam sẽ có 10 tỷ phú USD: Doanh nhân nào giàu tiềm năng nhất?

Cập nhật: 15:28, 11/05/2024 (GMT+7)

Theo nghị quyết vừa ban hành của Chính phủ, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 tỷ phú USD, 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á. Vậy ai sẽ là 4 cái tên tiếp theo sau 6 tỷ phú USD hiện tại?

Mục tiêu 10 tỷ phú USD vào năm 2030

Chính phủ ngày 9/5 ban hành Nghị quyết về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo đó, đến năm 2030, Việt Nam phấn đấu có ít nhất 10 tỷ phú USD và 5 doanh nhân quyền lực nhất châu Á do tổ chức uy tín bình chọn.

Hiện trên thế giới có 2 tổ chức uy tín bình chọn các doanh nhân trên thế giới là Forbes và Bloomberg.

Theo danh sách tỷ phú USD của Forbes, Việt Nam hiện có 6 người. Đó là ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup, CEO VinFast với 4,4 tỷ USD), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch VietJet với 2,8 tỷ USD), ông Trần Đình Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát HPG, 2,6 tỷ USD), ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank, 1,7 tỷ USD), ông Nguyễn Đăng Quang (Chủ tịch Masan Group, 1,2 tỷ USD), ông Trần Bá Dương (Thaco với 1,2 tỷ USD).

Tổng cộng 6 tỷ phú USD Việt Nam có khối tài sản theo bảng xếp hạng 2024 của Forbes đạt 13,9 tỷ USD, tăng so với mức 12,6 tỷ USD cùng thời gian này năm ngoái.

b

Tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận tài sản gia tăng mạnh thời gian gần đây. Ảnh: HH

Tính tới hết ngày 9/5, theo tính toán theo thời gian thực của Forbes, ông Phạm Nhật Vượng có 4,4 tỷ USD, bà Phương Thảo có 3 tỷ USD, ông Trần Đình Long 2,5 tỷ USD, ông Hồ Hùng Anh có 1,8 tỷ USD, ông Nguyễn Đăng Quang có 1,1 tỷ USD và ông Trần Bá Dương có 1,2 tỷ USD.

Như vậy, vị trí xếp hạng các tỷ phú gần như không có sự thay đổi. Về tài sản bà Thảo và ông Hùng Anh ghi nhận sự tăng nhẹ.

Theo một báo cáo gần đây của của Knight Frank (Anh), số người siêu giàu (sở hữu khối tài sản từ 30 triệu USD trở lên) tại Việt Nam tới cuối năm 2023 là 752 người. Theo tổ chức này, tới năm 2028, Việt Nam sẽ có 978 người siêu giàu.

Cũng theo Knight Frank, tốc độ tăng trưởng người siêu giàu tại Việt Nam được ghi nhận khá cao so với thế giới. Tầng lớp trung lưu của Việt Nam tăng mạnh.

Doanh nhân nào sẽ gia nhập danh sách tỷ phú USD?

Nhưng cũng phải lưu ý rằng, trên thực tế, Việt Nam có rất nhiều doanh nhân nổi tiếng và được xem là siêu giàu, thậm chí là tỷ phú USD nhưng chưa nằm trong bảng xếp hạng nào, như "bà trùm" bất động sản Nguyễn Thị Nga (Tập đoàn BRG), ông Vũ Văn Tiền (Geleximco), ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn...

Những cái tên triển vọng khác có thể lọt danh sách tỷ phú USD, với điều kiện tài sản tăng thêm gấp 2-3 lần gồm: Trương Gia Bình FPT, ông Đào Hữu Huyền (Hóa chất Đức Giang), Nguyễn Văn Đạt (Bất động sản Phát Đạt)...

Trong giới ngân hàng, bà Nguyễn Thị Nga là một cái tên rất quen thuộc. Bà hiện là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á - SeABank (SSB), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, nguyên Chủ tịch HĐQT CTCP Intimex Việt Nam, sở hữu loạt sân golf, khách sạn...

Tính tới cuối năm 2023, bà Nga sở hữu hơn 92 triệu cổ phần SSB, tương ứng tỷ lệ gần 3,7%. Những người liên quan tới bà Nga nắm giữ gần 317,1 triệu cổ phiếu SSB, tương đương khoảng 12,7% cổ phần.

Ngoài SeABank, bà Nga còn tham gia ban quản trị/ban điều hành tại hàng loạt doanh nghiệp trong "hệ sinh thái" BRG Group như Tập đoàn BRG, Intimex Việt Nam, Công ty TNHH Khách sạn Nhà hát, Khách sạn Thắng Lợi, CTCP Du lịch dịch vụ Hà Nội...

Tập đoàn BRG là doanh nghiệp sở hữu khối bất động sản “khổng lồ” tại Việt Nam. Trong đó, siêu dự án thành phố thông minh Nhật Tân - Hà Nội do BRG làm chủ đầu tư có tổng mức đầu tư hơn 4 tỷ USD, với kế hoạch xây dựng toà tháp tài chính 108 tầng, cao nhất Việt Nam.

Bà Nga cùng gia đình sở hữu nhiều sân golf và khách sạn nghỉ dưỡng. Hiện BRG sở hữu sân golf King's Island ở Đồng Mô, BRG Ruby Tree Golf Resort (Đồ Sơn, Hải Phòng) và Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội), khách sạn Hilton Hà Nội Opera...

Từ năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Đầu tư địa ốc No Va (Novaland), đã lọt vào danh sách tỷ phú USD của Forbes với khối tài sản vào cuối tháng 3/2022 là 2,9 tỷ USD.

Một tỷ phú USD từng trượt khỏi danh sách của Forbes hồi tháng 11/2022 là ông Bùi Thành Nhơn sau khi cổ phiếu Novaland (NVL) giảm mạnh. Cổ phiếu Novaland đỉnh điểm bốc hơi 90%, xuống ngưỡng 11.000 đồng/cp.

Hồi cuối năm 2023, cổ phiếu NVL có lúc hồi phục lên 22.000-23.000 đồng/cp. Nhưng hiện cổ phiếu này lại về mức 13.750 đồng/cp.

Trong 2 năm qua, tỷ lệ sở hữu tại Novaland của nhóm cổ đông liên quan đến ông chủ Bùi Thành Nhơn đã giảm mạnh khoảng 20%, từ mức trên 60% xuống ngưỡng 40%, tương đương mức sụt giảm khoảng 400 triệu cổ phiếu (trong tổng hơn 1,95 tỷ cổ phần đang lưu hành). Tổng cộng, tài sản của nhóm này tính theo mức giá NVL 13.750 đồng/cp hiện tại chỉ chưa tới 11.000 tỷ đồng.

Điều này có nghĩa là để ông Nhơn trở lại danh sách tỷ phú USD, cổ phiếu NVL phải tăng thêm khoảng 3 lần. Novaland đang đẩy mạnh tái cấu trúc, xử lý các khoản nợ rất lớn, giải quyết pháp lý cho các dự án lớn như Aqua City, NovaWorld Phan Thiết...

Khó khăn còn nhiều nhưng vẫn có khả năng ông lớn bất động sản số 2 Việt Nam hồi phục trong nửa thập kỷ tới. Ông Nhơn vẫn có thể quay trở lại danh sách tỷ phú USD.

Một cái tên có tiềm năng lọt danh sách Forbes hoặc/và Bloomberg nếu không có gì biến động, có thể là ông Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch CTCP Tập đoàn Sunshine (KSF) và CTCP Phát triển Sunshine Homes (SSH)... Ông Đỗ Anh Tuấn hiện có tài sản quy ra từ cổ phiếu trị giá 23.400 tỷ đồng (tương đương khoảng 920 triệu USD).

Theo VietNamNet

.
.
.