.

Người Việt chi một tỷ USD mua hàng online mỗi tháng

Cập nhật: 18:16, 24/10/2024 (GMT+7)

Doanh số giao dịch trên 5 sàn Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo đạt trung bình 25.300 tỷ đồng (1 tỷ USD) mỗi tháng, với livetream và hàng giá rẻ được ưa chuộng.

Thông tin mới được công bố trong báo cáo toàn cảnh thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý III của nền tảng dữ liệu thương mại điện tử Metric. Theo đó, tổng doanh số giao dịch (GMV) của 9 tháng đạt 227.700 tỷ đồng, tăng 37,66% so với cùng kỳ 2023.

Riêng quý III, đóng góp 84.750 tỷ đồng, tăng 18,15% so với quý liền trước, khẳng định sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử, theo Metric. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm bắt đầu cho mùa cao điểm khuyến mại ngày đôi và các lễ hội kích cầu mua sắm nửa cuối năm.

Thống kê của Metric bao phủ 5 sàn lớn nhất hiện tại là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki và Sendo, đã lọc bỏ đơn ảo và sản phẩm quà tặng. Tuy nhiên, chỉ Tiktok Shop và Shopee ghi nhận mức tăng trưởng khả quan so với cả quý II lẫn cùng kỳ 2023. Sau thời gian tăng trưởng âm, Tiki là điểm sáng bất ngờ với GMV quý III phục hồi mạnh mẽ, tăng 38,1% so với quý II, được cho là bước ngoặt khả quan cho nền tảng nội địa.

Thị trường thương mại điện tử chứng kiến livestream và hàng giá rẻ lên ngôi. Theo Metric, TikTok Shop tăng trưởng GMV cao nhờ hiệu quả của kết hợp giữa mô hình mua sắm và giải trí. Các mùa khuyến mãi lớn ngày đôi, nền tảng này thu hút được nhiều thương hiệu tham gia livestream tần suất cao.

Ví dụ, trong 9 ngày đầu tháng 9, Bông Bạch Tuyết có hơn 4.000 phiên livestream kết hợp với các Affiliate Creator (nhà sáng tạo nội dung tiếp thị liên kết), ghi nhận doanh thu live chiếm gần 50% trên tổng doanh thu. Mega Sale 6/6, 8/8 và 9/9, KIDO Group tổ chức 4 buổi livestream mỗi ngày, gần 100 phiên mỗi tháng.

Chỉ trong một ngày đôi 10/10 vừa qua, các phiên livestream của khoảng 100 tài khoản TikTok Shop hàng đầu Việt Nam đã thu hút hơn 11,7 triệu lượt xem, hơn 5,8 triệu người xem duy nhất (unique viewers), gần 500.000 tương tác (engagement), theo thống kê của công ty tiếp thị VeenaMedia và nền tảng công nghệ Stickler.

Theo Stickler, tỷ trọng bán hàng qua livetream (live commerce) trong tổng thể thương mại điện tử ngày càng lớn, phù hợp xu hướng chung Đông Nam Á. "Việt Nam là một trong những thị trường live commerce toàn cầu hấp dẫn nhất với tốc độ tăng trưởng dân số lớn, người tiêu dùng trẻ tinh tế và văn hóa yêu thích công nghệ", ông Fionn Hyndman, Giám đốc điều hành Stickler nói.

Song song đó, hàng giá rẻ đang trở thành "cơn sốt". Theo Metric, thị trường quý III chứng kiến sự gia tăng mạnh mẽ của phân khúc giá rẻ. Các sản phẩm giá dưới 200.000 đồng đã chiếm hơn một nửa tổng doanh số toàn thị trường, với mức tăng 9% thị phần so với năm ngoái.

Riêng phân khúc dưới 100.000 đồng đã tăng 5% thị phần, trong khi phân khúc từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng tăng thêm 4%. "Điều này cho thấy sức hút lớn của các sản phẩm giá rẻ đối với người tiêu dùng, phản ánh xu hướng tiêu dùng thông minh trong bối cảnh kinh tế vẫn còn nhiều biến động", báo cáo nhận định.

Phân khúc giá rẻ càng "dậy sóng" khi Temu mở dịch vụ bán hàng tại thị trường Việt Nam từ tháng 10. Dịp chào sân, họ tung ra giảm giá sâu một số mặt hàng để gây chú ý và bạo tay chiết khấu cho tiếp thị liên kết, giới thiệu mở tài khoản.

Sự hiện diện của Temu nối dài cuộc đổ bộ của các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới trước đó như Shein, Taobao hay AliExpress, chủ yếu phân phối hàng tận xưởng Trung Quốc. Diễn biến này được cho là có thể gia tăng thêm sức ép cho các nhà sản xuất, bán lẻ nội địa.

a
Một số ứng dụng mua sắm đang hoạt động tại Việt Nam. Đồ họa: Viễn Thông

Dự báo cuối năm, Metric cho rằng tổng doanh số trên 5 sàn lớn nhất sẽ khoảng 80.600 tỷ đồng, 870 triệu sản phẩm được tiêu thụ trong quý IV. Tết 2025 diễn ra sớm nên nhu cầu tập trung cao nhất vào cuối tháng 11 và tháng 12. Nhóm mặt hàng tiềm năng tăng mạnh gồm làm đẹp, thời trang, nhà cửa đời sống.

Phương thức bán hàng qua livestream và giá rẻ vẫn tiếp tục thịnh hành. Theo Metric, sự gia nhập của Temu vào thị trường Việt Nam, cùng với một số động thái từ các sàn thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc như 1688 và Taobao, đang gia tăng áp lực cạnh tranh.

Trước đó, thị trường đã chịu sự chi phối mạnh mẽ từ các nền tảng nước ngoài khác như Shopee, Lazada và TikTok Shop. "Điều này có thể dẫn đến sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, đặc biệt trong phân khúc giá rẻ, khi các sàn mới tiếp tục mở rộng hoạt động và tìm cách thu hút người tiêu dùng Việt Nam", báo cáo lưu ý.

Trong khi, livetream vẫn tiếp tục là kênh tiếp cận hiệu quả. Bà Sammy Thủy Phạm, CEO Veena Media, nói những chỉ số thu thập được thông qua 2 chiến dịch ngày đôi là 9/9 và 10/10 cho thấy vẫn còn rất nhiều tiềm năng phát triển nhanh và vững chắc hơn cho thị trường live commerce Việt Nam.

Theo vnexpress.net


 

.
.
.