.

Tiền Giang: Phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt đến năm 2025

Cập nhật: 16:52, 07/10/2024 (GMT+7)
(ABO) Căn cứ Chỉ thị số 1900/CT-BNN-BVTV ngày 15-3-2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt và Công văn số 2475/BVTV-TV của Cục Bảo vệ thực vật ngày 11-12-2014 về việc ban hành Quy trình kỹ thuật phòng, chống chuột hại cây trồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch phòng, chống chuột bảo vệ sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 với các nội dung sau:
 
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
 
1. Mục đích
 
- Thực hiện nghiêm túc và hiệu quả các biện pháp phòng trừ, diệt chuột ở những vùng bị hại nhằm kịp thời ngăn chặn sự lây lan dịch hại trên diện rộng để bảo vệ năng suất cây trồng trên địa bàn tỉnh.
 
- Xác định công tác diệt chuột là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục; tổ chức các đợt diệt chuột tập trung trên địa bàn các huyện, thành phố, thị xã đúng thời điểm chuột chưa vào mùa sinh sản và giai đoạn chuyển tiếp giữa các mùa vụ sản xuất trong năm.
 
- Nâng cao nhận thức của người dân và kỹ năng phòng chống chuột gây hại cây trồng, tạo sức mạnh cộng đồng lan tỏa góp phần thúc đẩy công tác phòng chống chuột gây hại cây trồng đạt hiệu quả cao.  
 
2. Yêu cầu
 
- Tổ chức phòng, chống chuột gây hại cây trồng đúng kỹ thuật, an toàn cho người và vật nuôi.
 
- Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống chuột, coi trọng thực hiện diệt chuột bằng bẫy cây trồng, bẫy dẫn dụ, các biện pháp thủ công như đào bắt, bẫy chuột và sử dụng bả diệt chuột; tổ chức diệt chuột cả ngoài đồng, ven khu dân cư, bờ mương và các diện tích đất bỏ hoang. Hạn chế sử dụng nylon quây từng ruộng nhỏ để bảo vệ môi trường; tuyệt đối không dùng điện hoặc thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc được phép sử dụng tại Việt Nam để diệt chuột.
 
- Phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức, phát động phong trào diệt chuột; tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng theo các đợt “diệt chuột tập trung” vào thời gian chuột chưa sinh sản, trước và sau các vụ sản xuất.
 
- Triển khai các đợt diệt chuột tập trung; từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình diệt chuột bằng các loại bẫy chuột tại các địa phương có nhiều diện tích chuyển đổi cây trồng đan xen hoặc đất nông nghiệp, nằm trong khu dân cư (xen lẫn với đất ở) hoặc diện tích đất còn dư sau quy hoạch mà hiện nay không còn sử dụng vào mục đích nông nghiệp,...
 
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
 
1. Công tác dự tính, dự báo và tuyên truyền
 
- Cán bộ kỹ thuật ở các đơn vị chuyên môn của các cấp thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đánh giá mức độ chuột gây hại, xác định và khoanh vùng nguy cơ, vùng cần quản lý, bảo vệ để triển khai ngay các biện pháp diệt chuột.
 
- Tổ chức tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về tình hình chuột gây hại, hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi trên các phương tiện thông tin, truyền thông của huyện, xã, trên các trang thông tin điện tử, zalo, facebook,... 
 
2. Công tác tập huấn 
 
Tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về phòng, chống chuột cho cán bộ nông nghiệp các cấp (tỉnh, huyện, xã), thành viên các hợp tác xã, trang trại và hộ dân sản xuất nông nghiệp về quy trình kỹ thuật phòng, chống chuột gây hại cây trồng. Công tác tập huấn được tổ chức vào đầu vụ, trước các đợt ra quân phòng trừ chuột, tổ chức đồng loạt trên cùng cánh đồng.
 
3. Xây dựng và chuyển giao mô hình quản lý chuột
 
Cơ quan khuyến nông cấp tỉnh phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng mô hình quản lý chuột an toàn, hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tập quán canh tác tại địa phương; trong đó chú trọng xây dựng mô hình bẫy cây trồng, bẫy dẫn dụ chuột vào sinh sống để tiêu diệt...
 
4. Công tác tổ chức diệt chuột
 
a) Tổ chức các đợt diệt chuột đồng loạt
 
- Đối tượng tham gia: UBND các xã, phường, thị trấn, các Hội, Đoàn thể cấp xã và nông dân.
 
- Quy mô: Mỗi xã, phường, thị trấn tổ chức phát động phong trào ra quân diệt chuột đồng loạt, ít nhất từ 3-5 đợt trong năm.
 
- Thời gian: (1) Vụ Đông Xuân 2024-2025 tổ chức 1-2 đợt vào tháng 10 - 11-2024 (đợt ra quân đồng loạt vào tuần đầu tháng 10-2024); (2) Vụ Hè Thu tổ chức 1-2 đợt vào tháng 5-6-2025 (đợt ra quân đồng loạt vào tuần cuối tháng 5-2025); (3) Vụ Thu Đông tổ chức 1 đợt vào tuần đầu tháng 9-2025.
 
- Địa điểm: Tập trung cả ngoài đồng ruộng, bờ mương, ven khu dân cư và các diện tích đất bỏ hoang, bụi rậm... Đặc biệt, chú trọng diệt chuột trên các khu vực sản xuất trồng trọt thường xuyên bị chuột gây hại.
 
- Nội dung: Thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật như canh tác, vật lý, cơ học, sinh học và hóa học để phòng, chống chuột.
 
b) Các biện pháp diệt chuột
 
Biện pháp canh tác: (1) Vệ sinh đồng ruộng: Phát hoang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ, tìm và phá ổ chuột từ đầu vụ, thu dọn rơm rạ sau thu hoạch để hạn chế nơi cư trú của chuột; (2) Thời vụ: Gieo trồng đồng loạt nhằm cắt đứt nguồn thức ăn kết hợp với tổ chức diệt chuột đồng loạt; (3) Giữ mực nước cao trong ruộng vào giai đoạn lúa đòng - trổ để hạn chế chuột hại hoặc làm tổ ven bờ.
 
Biện pháp vật lý, cơ học: (1) Sử dụng các bẫy cơ học như bẫy kẹp, bẫy lồng, bẫy bán nguyệt, bẫy ống tre, bẫy lật, bẫy di động...đặt nơi cửa hang cạnh hoặc vuông góc với đường đi, nơi có nhiều chuột hoạt động, rắc thêm vật liệu tương tự nơi đặt bẫy chỉ để lộ mồi để tránh sự phát hiện nhạy bén của chuột; (2) Dùng rào cản bao quanh ruộng hoặc bẫy hàng rào cản; (3) Tìm kiếm các hang chuột để đào, đổ nước, hun khói hoặc soi đèn, dùng chó để săn bắt chuột, đặc biệt từ giai đoạn lúa ngậm sữa, thời gian này chuột cái vào hang sinh sản.
 
Biện pháp sinh học: (1) Nuôi mèo, chó... để diệt chuột; (2) Nghiêm cấm săn bắt các loại động vật là thiên địch của chuột như rắn, chim cú mèo, chim cú lợn...; (3) Ưu tiên sử dụng các loại bả sinh học.
 
Biện pháp hóa học: Sử dụng bả, thuốc trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc ít độc hại với người, vật nuôi và môi trường; chỉ dùng thuốc hóa học khi chuột phá hại mạnh và tuân thủ nghiêm ngặt an toàn. Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng và sử dụng theo nguyên tắc 4 đúng.
 
Tuyệt đối không sử dụng điện để diệt chuột tránh gây nguy hiểm cho người cũng như các động vật có ích khác.
 
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN
 
1. Kinh phí theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.
 
2. Lồng ghép kinh phí các Chương trình, dự án. 
 
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
 
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
 
- Chủ trì, hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện nội dung Kế hoạch.
 
- Chỉ đạo các đơn vị chuyên môn hướng dẫn các địa phương về các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả; xây dựng và chuyển giao các mô hình quản lý chuột, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nói chung, thuốc diệt chuột nói riêng trên địa bàn tỉnh; phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam.
 
- Khi có dịch chuột xảy ra nhanh chóng tham mưu công bố dịch, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dập dịch chuột theo đúng quy định hiện hành.
 
- Tổng hợp, báo cáo tiến độ và kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch cho Ủy ban nhân dân tỉnh trước 15-12 hàng năm.
 
2. Sở Tài chính 
 
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch cho các sở, ngành cấp tỉnh có liên quan trong quá trình thực hiện.
 
3. Các sở, ban, ngành liên quan
 
Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình tổ chức thực hiện các nội dung Kế hoạch.
 
4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố
 
- Chủ động cân đối nguồn kinh phí của UBND huyện, thị xã, thành phố để triển khai thực hiện Kế hoạch theo đúng quy định.
 
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, đơn vị cấp huyện:
 
+ Căn cứ Kế hoạch được duyệt và tình hình thực tế của địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai công tác phòng, chống chuột trên địa bàn lồng ghép kinh phí các Chương trình, dự án và tập trung các nội dung: tập huấn nâng cao kiến thức cho thành viên các hợp tác xã, trang trại và các hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất trồng trọt; tổ chức các đợt diệt chuột đồng loạt; nhân rộng các mô hình trình diễn được triển khai có hiệu quả.
 
+ Thường xuyên điều tra nắm chắc diễn biến, phân bố và khả năng gây hại của chuột tại địa phương.
 
+ Thông tin, tuyên truyền về các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi trên các phương tiện truyền thanh của huyện, xã,...
 
+ Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông. Thời gian báo cáo: vụ Đông Xuân trước ngày 28-2-2025, vụ Hè Thu trước ngày 20-7-2025 và vụ Thu Đông trước ngày 20-9-2025.
 
- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn:
 
+ Phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch cấp huyện để công tác phòng, chống chuột đạt hiệu quả.
 
+ Hàng vụ sản xuất, tổ chức phát động các đợt ra quân diệt chuột trên địa bàn; tổ chức các tổ, nhóm diệt chuột cộng đồng, nhất là ở cấp xã, hợp tác xã, ấp, ... 
 
5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Tiền Giang và đề nghị Báo Ấp Bắc
 
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thường xuyên tuyên truyền về các đợt diệt chuột; hướng dẫn các biện pháp diệt chuột an toàn, hiệu quả và cảnh báo các biện pháp diệt chuột gây nguy hiểm cho người và vật nuôi.
 
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, phát sinh, kịp thời báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp.
 
P.V
 
 
 
 
 
 
 
 
 
.
.
.