.

Tiền Giang: Hỗ trợ phụ nữ phát huy vai trò trong kinh tế tập thể

Cập nhật: 09:38, 06/11/2024 (GMT+7)

Thực hiện Đề án Hỗ trợ hợp tác xã (HTX) do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030 theo Quyết định 01 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 01), Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Tiền Giang đang triển khai các kế hoạch, giải pháp tập trung phát triển, củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động các HTX, tổ hợp tác (THT), tổ liên kết của phụ nữ.

NHIỀU GIẢI PHÁP HỖ TRỢ

Đề án 01 là đề án đầu tiên về phát triển kinh tế tập thể với đặc thù riêng cho giới nữ được Chính phủ giao Hội LHPN Việt Nam chủ trì, phối hợp với các ngành, các cấp triển khai thực hiện. Với vai trò nòng cốt thực hiện đề án tại tỉnh, năm 2024, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng kế hoạch phối hợp Liên minh HTX thực hiện các mục tiêu đề án.

Hội LHPN tỉnh tổ chức Chương trình chia sẻ thúc đẩy hoạt động thương mại cho doanh nghiệp nữ, HTX, THT trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Hội LHPN tỉnh tổ chức Chương trình chia sẻ thúc đẩy hoạt động thương mại cho doanh nghiệp nữ, HTX, THT trên địa bàn tỉnh năm 2024.

Căn cứ Đề án 01, ngày 2-6-2023, UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Kế hoạch 181 thực hiện Đề án 01 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Kế hoạch đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 12 HTX, 15 THT do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành được các cấp Hội hỗ trợ thành lập. Đồng thời, tạo việc làm ổn định cho trên 500 thành viên, lao động nữ trong HTX, 750 lao động nữ trong THT.

Đề án cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 củng cố, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động cho ít nhất 15 HTX, 15 THT được các cấp Hội hỗ trợ thành lập; tạo việc làm ổn định cho 1.000 thành viên, lao động nữ trong HTX, 2.000 lao động nữ trong THT; 100% nữ quản lý HTX được đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX; đào tạo, bồi dưỡng cho thành viên, người lao động trong HTX, hội viên, phụ nữ có nhu cầu tham gia phát triển kinh tế tập thể, HTX…

Để cụ thể các mục tiêu này, Hội LHPN tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ nâng cao kỹ năng cho các nữ lãnh đạo, quản lý, điều hành HTX. Trong đó, Hội đã mở các lớp tập huấn, với sự tham gia của hàng trăm thành viên là cán bộ không chuyên trách cấp xã làm nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể và các thành viên tham gia quản lý HTX, THT nhằm cung cấp những kiến thức nền ban đầu. Đó là hướng dẫn xây dựng kế hoạch marketing, giới thiệu các kênh bán hàng online, kỹ năng trình bày bán hàng, thực hành và làm sản phẩm truyền thống.

Chỉ tính trong nửa nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho 870 phụ nữ là chủ doanh nghiệp, quản lý HTX, chủ hộ kinh doanh bằng cách thức như: Hỗ trợ tiếp cận vốn tín dụng dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ; kết nối tiêu thụ sản phẩm; chia sẻ kinh nghiệm nâng cao kiến thức phát triển kinh doanh… đạt 241,6% tiến độ đăng ký với Trung ương, đạt 193,3% chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ đề ra.

Hội LHPN tỉnh đã vận động, hỗ trợ thành lập mới 3 HTX do phụ nữ quản lý, đạt 100% chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ; hỗ trợ nâng chất 10/5 HTX do phụ nữ quản lý, đạt tỷ lệ 200%. Đến nay, toàn tỉnh có 13 HTX do phụ nữ quản lý với 475 thành viên.

Đồng thời, cung cấp kiến thức ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong phát triển, quản lý doanh nghiệp, thương mại điện tử đối với sản phẩm OCOP và kết nối các nguồn lực hỗ trợ HTX...

Bên cạnh đó, để phát triển các mô hình kinh tế tập thể, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ vốn, kỹ thuật; tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật trong sản xuất; kỹ năng tiếp thị, bán hàng và thương mại hóa sản phẩm; hướng dẫn, định hướng mô hình sinh kế. Cùng với đó là thành lập nhóm cùng sở thích để trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Tiền Giang Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết, việc hỗ trợ HTX do phụ nữ tham gia quản lý vẫn đang được Hội LHPN các cấp thực hiện bằng nhiều hoạt động như: Hỗ trợ hoàn thiện thủ tục pháp lý để thành lập mô hình; xây dựng kế hoạch kinh doanh; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, tiếp cận nguồn lực từ các tổ chức phi Chính phủ, cá nhân đầu tư vào hoạt động mô hình.

“Đại diện nữ quản lý các mô hình HTX, THT còn được hỗ trợ tham gia cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo do các cấp, các ngành tổ chức nhằm tạo cơ hội phát triển mô hình về cả quy mô và chất lượng sản phẩm thông qua các hoạt động của cuộc thi.

Đồng thời, hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp và thủ công mỹ nghệ, giúp cho HTX và các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ có thêm động lực phát triển, từ đó tăng trưởng về quy mô, chất lượng sản phẩm” - đồng chí Đặng Thị Ngọc Điệp cho biết thêm.

KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH KINH TẾ TẬP THỂ

Hiện nay, số lượng HTX trên địa bàn tỉnh do nữ quản lý vẫn còn hạn chế. Do đó, trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên tham gia thành lập, gia nhập HTX. Đồng chí Đặng Thị Ngọc Điệp nhấn mạnh: “Trong những năm tiếp theo, Hội LHPN tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Liên minh HTX và các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn tại địa phương với thành phần là hội viên, phụ nữ; tiếp tục tham mưu, đề xuất với tỉnh triển khai thực hiện các mục tiêu mà Đề án 01 đã nêu rõ.

Hội LHPN tỉnh tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành các mô hình kinh tế tập thể.
Hội LHPN tỉnh tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm trong việc quản lý, điều hành các mô hình kinh tế tập thể.

Trong đó, đặc biệt chú trọng nâng tầm các mô hình phát triển kinh tế của hội viên, phụ nữ tỉnh nhà. Đối với những mô hình có quy mô tiềm năng thì Hội LHPN tỉnh sẽ vận động, hỗ trợ chị em nâng lên thành các tổ liên kết, THT, rồi đến HTX...

Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền giới thiệu các HTX, gương điển hình có sức lan tỏa, tự xây dựng được thương hiệu có lợi nhuận; các chị là những tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi tiêu biểu với tinh thần đổi mới, sáng tạo không ngừng”.

LÊ PHƯƠNG - A.T

.
.
.