.

Tiền Giang: Nỗ lực đưa ngành chăn nuôi phát triển mạnh trong thời gian tới

Cập nhật: 12:15, 06/11/2024 (GMT+7)

(ABO) Sáng 6-11, Chi cục Chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang tổ chức Lớp tập huấn phòng, chống dịch bệnh động vật với chuyên đề: “Phát huy hiệu quả sử dụng vắc xin và thuốc thú y trong phòng, chống dịch bệnh động vật”.

 

Quang cảnh lớp tập huấn.
Quang cảnh lớp tập huấn.

 Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, các bệnh truyền nhiễm trên đàn vật nuôi còn xảy ra nhưng rải rác và quy mô ổ dịch nhỏ, không lây lan diện rộng. Khi dịch bệnh xảy ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND cấp xã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn theo quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT, UBND tỉnh và Sở NN&PTNT. Trong đó, tập trung 5 hoạt động chính: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tăng cường giám sát dịch bệnh; tổ chức vệ sinh, tiêu độc khử trùng; tiêm phòng bao vây và xử lý triệt để các ổ dịch phát sinh.

Hiện nay, để chăn nuôi được ổn định, bền vững, yêu cầu của thị trường tiêu dùng ngày càng cao, đặc biệt là 4 vấn đề cơ bản: Đảm bảo an toàn dịch bệnh động vật, đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường, đảm bảo thị trường đầu ra của sản phẩm chăn nuôi ổn định với giá bán hợp lý để quá trình tái sản xuất diễn ra liên tục; chăn nuôi phải theo quy trình nhất định, từ nguồn gốc con giống, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học và sử dụng vắc xin hiệu quả để đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Ngữ - Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Ngữ, Phó Hiệu trưởng Trường Nông nghiệp - Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại lớp tập huấn.

Muốn nâng cao giá trị sản phẩm chăn nuôi, ngoài các chỉ tiêu cảm quan, dinh dưỡng, chất lượng, thì thực phẩm còn phải đảm bảo an toàn thực phẩm từ sản xuất chăn nuôi đến bàn ăn. Do vậy, sản xuất chăn nuôi có vai trò quyết định, trong đó việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi đang là vấn đề thời sự, là mối lo của toàn cầu về đề kháng kháng sinh, thậm chí là đề kháng đa kháng sinh đã làm thất bại nhiều phác đồ điều trị trên vật nuôi và con người. Chính vì thế, nhiều công ty, doanh nghiệp đã nghiên cứu nhiều loại chế phẩm bổ sung hiệu quả để thay thế kháng sinh trong chăn nuôi.

Tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường - Phó Trưởng khoa Khoa Chăn nuôi và Thú y, Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại lớp tập huấn.
Tiến sĩ Nguyễn Kiên Cường, Phó Trưởng khoa Chăn nuôi và Thú y - Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh phát biểu tại lớp tập huấn.

 Tại lớp tập huấn, các diễn giả chia sẻ những thông tin bổ ích về hiệu quả sử dụng vắc xin và thuốc thú y trong phòng, chống dịch bệnh động vật. Từ đó, góp phần thuận lợi cho ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững trong thời gian tới.

Phát biểu tại lớp tập huấn, Tiến sĩ Thái Quốc Hiếu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tiền Giang cho biết, để hạn chế tình trạng đề kháng kháng sinh trong chăn nuôi, cần sử dụng kháng sinh đúng nguyên tắc “Đúng bệnh, đủ liều và đủ thời gian sử dụng”, tốt nhất là phải có chiến lược về chế phẩm bổ sung thay thế kháng sinh.

Bên cạnh đó, cần nắm vững chủ trương, chính sách của tỉnh, cập nhật thông tin từ cơ quan chuyên ngành thú y về chiến lược vắc xin và bảo vệ môi trường chính là chìa khóa vàng để giữ vững ngành chăn nuôi.

Đặc biệt là cần có cái nhìn mới về môi trường và sử dụng chế phẩm bổ sung thay thế kháng sinh để tạo ra những sản phẩm chăn nuôi an toàn với sức khỏe cộng đồng. 

Trong thời gian tới, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên động vật năm 2023 được UBND tỉnh phê duyệt, trong đó tập trung công tác tập huấn, tuyên truyền; tổ chức tiêm phòng, giám sát dịch bệnh, thực hiện tốt các đợt “Tháng hành động vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi”, triển khai các đề tài khoa học công nghệ cấp tỉnh nghiên cứu chuyên sâu về bệnh dịch tả heo châu Phi, viêm da nổi cục...; từng bước xây dựng vùng, chuỗi an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu trong tương lai gần.
 H. THÔNG - M. THÀNH
 
.
.
.