Khởi nghiệp từ trồng cây sirô
Cây sirô là loại cây cho trái dùng để chế biến nước giải khát và các loại thực phẩm, đây là loại cây khá mới được gia đình anh Nguyễn Văn Thông và chị Nguyễn Thị Thái, ngụ ở ấp Phước Thuận, xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, chọn để trồng và bước đầu mang lại kinh tế ổn định cho gia đình.
Vườn cây sirô của anh Thông được hình thành từ cách đây 5 năm, ban đầu, anh Thông chỉ trồng vài cây trong khuôn viên sân nhà làm cảnh nhưng nhiều người dân ở địa phương thấy cây cho trái đẹp nên đến hỏi mua cây giống, từ đó anh Thông quyết định nhân rộng 4.000 m2 đất với trên 1.500 cây.
Gia đình anh Nguyễn Văn Thông đang chăm sóc vườn cây sirô. |
Cây sirô trồng khoảng 2 năm là cho trái, khí hậu khô, nóng ở TP. Mỹ Tho rất thích hợp cho cây sirô sinh trưởng và phát triển, nắng nhiều nên màu trái chín rất đẹp và đều. Cây sirô ra hoa từ tháng 2 và bắt đầu chín từ tháng 5, thu hoạch kéo dài cho đến tháng 10, bình quân một cây sirô trưởng thành cho thu hoạch khoảng 20 kg trái trở lên với giá bán 50.000 đồng/kg.
Tìm hiểu thêm về cách trồng và chăm sóc cây sirô, anh Thông cho biết: “Trồng cây sirô không quá khó, quan trọng nhất là người trồng phải thật sự quan tâm kỹ đến khâu chọn giống cho phù hợp và đảm bảo chất lượng. Cây sirô giống như cây cam, cây chanh, rất dễ trồng, cây chịu được mùa khô. Trồng cây sirô không cần dùng phân, thuốc nhiều”.
Những năm gần đây, anh Thông tìm hiểu trên các trang mạng nên biết được giá trị kinh tế từ cây sirô và có thể trồng làm cảnh. Do đó, anh đã tìm tòi, nghiên cứu nhân giống nhằm đưa ra thị trường phục vụ nhu cầu người dân với giá từ 50.000 - 100.000 đồng/cây. Sau khi trừ hết các chi phí, trung bình mỗi năm thu nhập của gia đình anh đạt khoảng 100 - 150 triệu đồng.
Chia sẻ thêm về nghề trồng cây sirô của gia đình, chị Nguyễn Thị Thái cho biết: “Trái sirô chín có vị vừa ngọt, vừa chua, thơm nhẹ, thường được sử dụng để ngâm với đường làm mật sirô, dùng để giải khát hoặc làm màu, gia vị trong chế biến thực phẩm”.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phước Thạnh Võ Thị Kim Diệu cho biết: “Qua tìm hiểu, gia đình anh Thông ban đầu chỉ trồng cây sirô làm kiểng, dần dần trồng bán để lấy làm nước giải khát. Dịp Lễ 30-4 vừa qua, gia đình anh cho mọi người đến tham quan, chụp ảnh tại vườn cây sirô. Lượng khách đến rất đông, anh chị không có bán vé, chủ yếu là giới thiệu về cây sirô đến với mọi người”.
Với đặc tính cho trái sai, màu đỏ bắt mắt, mô hình trồng cây sirô mở ra hướng chuyển đổi cây trồng, mang lại giá trị kinh tế cao cho gia đình anh Nguyễn Văn Thông.
CẨM LINH