.

Doanh nghiệp hối lộ số tiền khủng để được cấp phép chuyến bay

Cập nhật: 16:22, 05/04/2023 (GMT+7)

Trong bản kết luận điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu”, “chuyến bay combo”, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã chỉ ra những phương thức, thủ đoạn mà các doanh nghiệp “đi đêm” với những cán bộ có chức trách, quyền hạn để xin được cấp phép chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước; số tiền mà các doanh nghiệp đưa hối lộ khoảng hơn 180 tỷ đồng.

Theo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, trong vụ án trên, theo thống kê có khoảng hơn 100 doanh nghiệp được cấp phép thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước, nhưng thực tế chỉ có khoảng 20 nhóm doanh nghiệp thực sự là đơn vị triển khai các chuyến bay sau khi được duyệt.

Số còn lại là doanh nghiệp cho mượn pháp nhân hoặc đứng ra xin cấp phép chuyến bay, sau đó bán quyền được tổ chức các chuyến bay cho doanh nghiệp khác thực hiện.

a
Các bị can (từ trái qua): Trần Văn Dự, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh nhận 7,6 tỷ đồng hối lộ; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự nhận hơn 20 tỷ đồng hối lộ; Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế nhận 40 tỷ đồng hối lộ

Để doanh nghiệp được tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước phải qua nhiều bước, nhiều công đoạn khác nhau theo trình tự thủ tục. Do vậy, nếu không được Văn phòng Chính phủ, tổ công tác của các bộ, địa phương chấp thuận chuyến bay và chủ trương cách ly y tế theo dự kiến thì doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn về tài chính.

Tại thời điểm đó, cũng vì dịch bệnh Covid-19 nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, không có việc làm khác, trong khi họ vẫn phải chi phí tiền thuê mặt bằng, trả lương cho nhân viên. Vì vậy, nên khi bị yêu cầu hoặc bị gây khó dễ để được phê duyệt, tổ chức chuyến bay, các đối tượng đại diện doanh nghiệp bằng nhiều hình thức khác nhau trực tiếp hoặc qua trung gian đưa tiền số lượng lớn cho những người có nhiệm vụ, quyền hạn. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng lợi dụng việc doanh nghiệp xin tổ chức các chuyến bay combo từ các cơ quan có thẩm quyền để trung gian thực hiện hành vi môi giới hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm thu lợi bất chính.

Trong đó, Cơ quan An ninh điều tra xác định ông Lê Văn Nghĩa, Giám đốc Công ty Nhật Minh đã đặt vấn đề và đưa hối lộ tổng số tiền hơn 5,2 tỷ đồng và 185.000 USD cho 8 cá nhân có thẩm quyền để xin cấp phép các chuyến bay. Theo đó, ông Nghĩa đưa cho cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng 40.000 USD; Nguyễn Thị Hương Lan, cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) 20.000 USD; Đỗ Hoàng Tùng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự 40.500 USD; Lê Tuấn Anh, cựu Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự 15.000 USD; Lưu Tuấn Dũng, cựu Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự 10.000 USD; Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế 1,8 tỷ đồng; Vũ Anh Tuấn, cựu cán bộ Cục Quản lý Xuất nhập cảnh hơn 3 tỷ đồng; Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản 60.000 USD và 450 triệu đồng.

Cơ quan An ninh điều tra sẽ điều tra, làm rõ ở giai đoạn sau về việc ông Nghĩa còn đưa tiền cho một số cá nhân khác.

Đối với các cá nhân là lãnh đạo Công ty Bầu Trời Xanh, gồm ông Lê Hồng Sơn (Tổng Giám đốc), bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (Phó Tổng Giám đốc), Cơ quan An ninh điều tra xác định, 2 người này đã trực tiếp hoặc thông qua trung gian đặt vấn đề, đưa hối lộ cho các cá nhân có nhiệm vụ, quyền hạn để được phê duyệt, hỗ trợ tổ chức chuyến bay; phê duyệt chủ trương cách ly y tế, cấp phép vượt số lượng khách. Do 2 người cùng chung vốn kinh doanh nên cả 2 đã bàn bạc, thống nhất mức tiền chi cho các cán bộ có thẩm quyền, nhưng bà Hằng là người quản lý tài chính nên các phi vụ thường do bà Hằng thực hiện đưa tiền. Doanh nghiệp của 2 bị can này trong quá trình xin 109 chuyến bay, xin chủ trương cách ly y tế, đã chi tổng cộng hơn 38,5 tỷ đồng cho các cán bộ có thẩm quyền; trong đó cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được chi 5 tỷ đồng, bà Nguyễn Thị Hương Lan được nhận 5,9 tỷ đồng; đưa cho cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Trung Kiên 6 tỷ đồng…

Giám đốc Công ty Minh Ngọc Võ Thị Hồng và Giám đốc Công ty Vitrato Trần Quốc Tuấn cũng chi số tiền lớn để hối lộ những người có chức trách, quyền hạn, để xin cấp phép thực hiện các chuyến bay combo. Theo đó, bà Hồng đã chi hơn 10,7 tỷ đồng; ông Tuấn chi hơn 7,4 tỷ đồng. Đặc biệt, quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra làm rõ bà Hoàng Diệu Mơ, Tổng Giám đốc Công ty An Bình đã đưa hối lộ hơn 34,6 tỷ đồng cho những người có chức trách, quyền hạn. Trong đó, đưa cho ông Tô Anh Dũng 8,5 tỷ đồng; đưa cho Nguyễn Thị Hương Lan 13,2 tỷ đồng…

Các công ty: Hoàng Long Luxury, Lữ Hành Việt cũng đưa hối lộ hơn 52 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đại diện của 2 doanh nghiệp này còn đưa tiền cho một số cá nhân khác chưa được nêu trong kết luận điều tra và sẽ được điều tra, làm rõ ở giai đoạn sau.

Quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra còn làm rõ bà Nguyễn Thị Tường Vy, Giám đốc Công ty ATA đã đưa hối lộ hơn 11,8 tỷ đồng; bà Trần Thị Mai Xa, Giám đốc Công ty Masterlife đã đưa hối lộ hơn 8,1 tỷ đồng… và còn nhiều doanh nghiệp khác.

Qua vụ án này, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an kiến nghị, khi Đảng và Nhà nước cho chủ trương và giao Chính phủ thực hiện, Chính phủ cần có cơ chế quản lý, giám sát chặt chẽ, tránh chồng chéo, trùng lắp giữa việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, địa phương. Các bộ, ngành, địa phương cần ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai cụ thể. Quá trình dự thảo văn bản, cần có sự trao đổi, thống nhất giữa các bộ, ngành, địa phương trong việc phân công nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, trong vụ án này, vấn đề chi phí doanh nghiệp của mỗi người dân đã không được kiểm soát chặt chẽ, dẫn đến các doanh nghiệp tự ý đặt ra giá cao để thu lợi nhuận và có nhiều lần đưa hối lộ cho các cá nhân có thẩm quyền xét duyệt, cấp phép các chuyến bay.

Vì vậy, đề nghị Chính phủ và các bộ ngành liên quan quan tâm, chỉ đạo khắc phục trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ có tính chất tương tự sau này.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.