.

Nghị định 168 tăng mức xử phạt, tăng sức răn đe

Cập nhật: 10:39, 15/01/2025 (GMT+7)

Điều mà hầu hết người tham gia giao thông quan tâm khi Nghị định 168 của Chính phủ về xử phạt vi phạm giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1-1-2025 là những lỗi cùng mức xử phạt theo quy định mới có thay đổi như thế nào so với trước đây để tuân thủ, thực hiện cho đúng và không bị phạt.

TRẬT TỰ, AN TOÀN GIAO THÔNG CÓ NHIỀU CHUYỂN BIẾN

Tại Tiền Giang, sau hơn 15 ngày áp dụng triển khai Nghị định 168, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc chấp hành nghiêm pháp luật về giao thông.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tiền Giang quyết liệt xử lý không vùng cấm, không ngoại lệ trong vi phạm giao thông về nồng độ cồn.
Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tiền Giang quyết liệt xử lý không vùng cấm, không ngoại lệ trong vi phạm giao thông về nồng độ cồn.

Theo đó, vào những khung giờ cao điểm trên các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhất là tại TP. Mỹ Tho, hầu hết người điều khiển phương tiện tham gia giao thông dừng chờ đèn tín hiệu nghiêm túc, dừng đúng vạch quy định, có trật tự; không còn tình trạng người tham gia giao thông điều khiển phương tiện lưu thông trên vỉa hè. Hành vi lưu thông không đúng phần đường, lưu thông ngược chiều cũng đã hạn chế…

Bên cạnh sự tuân thủ, đồng tình ủng hộ việc áp dụng Nghị định 168, thì không ít người cũng tỏ ra băn khoăn, lo lắng. Nói về mức xử phạt, một số người dân bày tỏ lo ngại về mức phạt mới. Anh Trần Ngọc L. cho rằng: “Việc xử phạt vi phạm giao thông cần nghiêm khắc, nhưng mức phạt trong Nghị định 168 đang có sự chênh lệch quá lớn. Đặc biệt với người lao động có thu nhập thấp, nếu một lần vi phạm thì có thể bị phạt với mức bằng cả tháng lương. Việc phạt một người mất toàn bộ thu nhập của cả tháng chỉ vì một lần vi phạm giao thông vượt đèn đỏ là điều cần được xem xét lại. Chúng ta cần có sự điều chỉnh hợp lý về mức phạt, vừa đảm bảo tính răn đe, vừa phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân”.

Anh Phạm Tuấn T., công nhân tại Khu công nghiệp Tân Hương (huyện Châu Thành) chia sẻ: “Với công nhân có thu nhập thấp như chúng tôi, một lần vi phạm giao thông có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt cả tháng của gia đình. Do đó, mong muốn cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ và tránh vi phạm”.

Mức phạt cao sẽ khiến người vi phạm giao thông phải suy nghĩ kỹ hơn trước khi có hành vi vi phạm. Nhiều người dân cho rằng đây là biện pháp tốt để giảm tai nạn giao thông. Anh Bùi Thanh M., một tài xế xe dịch vụ tại TP. Mỹ Tho chia sẻ: “Ban đầu nghe tin tăng mức phạt theo quy định của Nghị định 168, tôi khá lo lắng vì mức phạt mới khá cao so với thu nhập. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, tôi thấy đây là điều cần thiết để nâng cao ý thức người tham gia giao thông”.

Thực tế hiện nay, người dân đều biết rằng khi các chỉ thị, quy định mới được ban hành, nhiều người có thể cảm thấy bỡ ngỡ. Tuy nhiên, qua thời gian, những quy định này sẽ dần đi vào nền nếp và tạo thành thói quen tốt trong văn hóa giao thông.

QUYẾT LIỆT TRONG THỰC THI

Theo báo cáo mới nhất, trong năm 2024, lực lượng Cảnh sát giao thông toàn tỉnh Tiền Giang đã triển khai quyết liệt công tác tuần tra, kiểm soát với 21.359 ca công tác, có sự tham gia của 71.207 lượt cán bộ, chiến sĩ.

Qua đó, phát hiện và xử lý 74.783 vụ vi phạm, tăng 27.519 vụ so với cùng kỳ, với tổng số tiền phạt hơn 161 tỷ đồng. Đặc biệt quan tâm đến việc xử lý vi phạm ở lứa tuổi học sinh là 1.873 trường hợp và vi phạm về nồng độ cồn là 17.889 trường hợp.

Qua số liệu thống kê cho thấy, mặc dù số vụ vi phạm và tiền phạt có tăng so với cùng kỳ năm trước, điều này phản ánh sự quyết liệt trong công tác tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng. Đáng chú ý, vi phạm về nồng độ cồn vẫn ở mức cao, đòi hỏi cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Có thể nói, người dân đều biết rõ là không cấm việc sử dụng rượu, bia, mà cấm điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia. Đây là quy định nhằm bảo vệ tính mạng của chính người tham gia giao thông và cộng đồng.

Thực tế cho thấy, có những vụ việc đáng tiếc xảy ra do điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia, dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng. Điều này càng khẳng định tính đúng đắn và cần thiết của việc thực thi nghiêm các quy định về xử phạt vi phạm giao thông liên quan đến nồng độ cồn.

Tại Nghị định 168, nhiều lỗi vi phạm giao thông tăng mức phạt gấp nhiều lần so với trước, như: Vượt đèn đỏ với người điều khiển ô tô bị xử phạt từ 18 - 20 triệu đồng (tăng gần 4 lần so với Nghị định 100 của Chính phủ); đi ngược chiều với người điều khiển xe máy bị xử phạt từ 4 - 6 triệu đồng (tăng hơn 3 lần so với Nghị định 100); đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt 4 - 6 triệu đồng (tăng gấp hơn 5 lần so với Nghị định 100)…; đặc biệt điều khiển xe không gắn đủ biển số hoặc gắn biển số không đúng vị trí, không đúng quy cách theo quy định có thể bị phạt từ 20 đến 26 triệu đồng.

Ngoài ra, một số hành vi như vận chuyển hàng trên xe không chằng buộc chắc chắn; cản trở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra, không chấp hành hiệu lệnh chỉ dẫn của người điều khiển giao thông, hành vi đi ngược chiều của đường một chiều... cũng sẽ có mức xử phạt cao gấp hàng chục lần so với cũ.

Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Tiền Giang cho biết, trước và sau khi Nghị định 168 có hiệu lực thi hành, các lực lượng chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những quy định mới của nghị định đến người dân thông qua việc phát tờ rơi, áp phích về mức xử phạt mới đến các khu dân cư, cơ quan, trường học...

Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm theo Nghị định 168 được thực hiện nghiêm túc, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Nghị định 168 đã tăng mức xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông, đặc biệt là các lỗi nghiêm trọng như vi phạm nồng độ cồn, chạy quá tốc độ...

Điều này tạo ra tính răn đe mạnh mẽ, buộc người tham gia giao thông phải có ý thức hơn khi điều khiển phương tiện. Qua thực tế xử lý, số vụ vi phạm giao thông tuy có tăng do tăng cường kiểm tra, nhưng mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn giao thông đã giảm đáng kể, đặc biệt là các vụ tai nạn liên quan đến rượu, bia.

Có thể thấy, mặc dù còn những lo lắng, băn khoăn về mức phạt tăng theo Nghị định 168, nhưng việc tăng mức xử phạt đã bước đầu mang lại những kết quả tích cực trong việc nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả lâu dài, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự đồng thuận của người dân.

LONG GIANG

.
.
.