.

Mùa Xuân nơi đầu sóng

Cập nhật: 16:49, 20/01/2020 (GMT+7)
Bàn thờ Tổ quốc ngày tết luôn được các CB-CS bày trí trang trọng.                       					                                                                                                    Ảnh:  VĂN THẢO - CAO THẮNG
Bàn thờ Tổ quốc ngày tết luôn được các CB-CS bày trí trang trọng. Ảnh: VĂN THẢO - CAO THẮNG

Đi trên con tàu ra quần đảo Trường Sa (huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) vào những ngày giáp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chúng tôi đã thấy, nghe và cảm nhận được hương vị tết quê nhà ngay ở nơi mà các cán bộ, chiến sĩ hải quân đang ngày đêm vững chắc tay súng bảo vệ chủ quyền biển, đảo của tổ quốc vì một mùa xuân vui tươi, hạnh phúc của đất liền.

Bài 1: Tết ấm áp ở Trường Sa

Mùa xuân đối với cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) quần đảo Trường Sa được đánh dấu bằng những gói quà tết của nhân dân trên mọi miền Tổ quốc gửi tặng, nối liền tình cảm giữa đất liền với biển, đảo. Và tết ở Trường Sa cũng đầm ấm, vui tươi không khác gì ở đất liền.

TẾT ĐẬM VỊ QUÊ NHÀ

Đứng trên boong tàu nhìn về phía đảo Trường Sa trong nắng sớm, đập vào mắt chúng tôi là một mảng màu xanh của cây lá, những mái nhà ngói đỏ, những tua bin gió, những tấm pin năng lượng mặt trời và cả những con tàu đánh bắt cá neo đậu gần đó…

Đặt chân lên thị trấn Trường Sa (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) - nơi được ví như trái tim của quần đảo Trường Sa với những khóm tre xanh rì, hàng dừa, tiếng chuông chùa ngân vang, cánh cò “bay lả bay la”, tiếng trẻ em đọc bài ê a, tiếng ầu ơ ru con ngủ… như đưa chúng tôi về một làng quê thanh bình.

Nhiều hàng, quà tết của đất liền đã đến với Trường Sa.
Nhiều hàng, quà tết của đất liền đã đến với Trường Sa.

Các lực lượng quân dân trên đảo đang cùng nhau quay quần gói bánh chưng, tô đậm thêm không khí ngày tết nơi đảo xa. Mỗi người một việc, vừa gói bánh, vừa kể cho nhau nghe những câu chuyện nơi quê nhà cách xa đảo hàng trăm hải lý (đường chim bay). Để có được nguyên liệu gói bánh chưng, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ, rẽ sóng vượt hàng trăm hải lý đến các đảo, điểm đảo để CB-CS và người dân trên đảo có một cái tết đủ đầy, trọn vẹn.

Đại tá Lê Đình Hải, Phó Chỉ huy trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa chia sẻ, mặc dù đất liền vừa trải qua dịch tả heo châu Phi nhưng bằng tất cả tình cảm của đất liền, Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân vẫn vận chuyển heo ra đảo để CB-CS và nhân dân gói bánh chưng cũng như có thịt tươi dùng trong các ngày tết.

Những chiếc bánh chưng vuông vức, chắc nịch được gói khéo léo từ những đôi bàn tay ngày đêm cầm súng canh giữ biển trời Tổ quốc đã được chất vào nồi để nấu và các chiến sĩ thay nhau trực châm thêm nước làm gợi nhớ về nồi bánh chưng đêm 30 tết ở quê nhà. Ngồi canh nấu bánh chưng, chiến sĩ Ngô Quốc Trường, Phân đội 37, đảo Trường Sa cho biết: “Em vừa xong ca trực, liền chạy ngay ra trông nồi bánh chưng, vì đây là hương vị của đất liền, của quê nhà và nó đã vượt không biết bao sóng gió để đến được nơi này… Thật là quý!”.

Tròn 1 năm làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lát thuộc quần đảo Trường Sa, chiến sĩ Đỗ Ngọc Trường sẽ xuất ngũ về với gia đình trong đợt thay, thu quân lần này. Trường chia sẻ: “Cảm xúc vui buồn lẫn lộn, vui vì em được về với đất liền; buồn vì rời xa đảo Đá Lát, rời xa đồng chí, đồng đội… Em rất tự hào vì được làm nhiệm vụ nơi đảo xa và hành trang trở về là những kỷ niệm, trải nghiệm thú vị ở đảo Đá Lát. Em sẽ kể cho gia đình, bạn bè về tết ở Trường Sa luôn đong đầy sự ấm áp”.

Không chỉ có nguyên liệu làm bánh chưng mà những con tàu vượt sóng ra Trường Sa còn chở theo “hương vị” tết quê nhà với hàng chục cây quất trĩu quả của tỉnh Hưng Yên, hàng trăm quả bưởi Diễn của Hà Nội, hoa lan Đà Lạt, hàng chục gói chè Thái Nguyên…

Nhiều đặc sản là những món quà thơm thảo, thấm đượm nghĩa tình đất liền từ các vùng quê trong cả nước phải trải qua hành trình bằng đường bộ, đường sắt và cuối cùng là đường biển dài hàng chục ngày để đến tận tay CB-CS các đảo, điểm đảo đóng quân thuộc quần đảo Trường Sa. Chiến sĩ Nguyễn Ái Quốc, làm nhiệm vụ tại đảo Thuyền Chài B bùi ngùi chia sẻ: “Nhìn thấy tàu ra chúng em mừng lắm, như thấy gần hơn với đất liền, bởi các anh, chị là những vị khách cuối cùng của năm cũ 2019 đến thăm đảo”.

Những ngày đầu năm mới, CB-CS trên các đảo ở quần đảo Trường Sa thường đi câu cá, buông lưới hay đi nhặt ốc để nhớ về không khí, phong tục tết ở quê nhà đã có từ bao đời nay. Quê hương ở đâu xa, quê hương ở chính trong tim mỗi người. Tết ở đâu xa, tết ở trong hương vị bánh chưng và tết ở Trường Sa không khác ở quê nhà…
    
SẢN VẬT Ở TRƯỜNG SA

Đến các đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa, những cây bàng vuông, cây tra, cây phong ba… ngày đêm bám rễ trên nền đá san hô khô cằn, dáng đứng hiên ngang như chính những người lính đảo nơi đây. Các loài cây này cũng chính là những sản vật “cây nhà lá vườn” ngày tết ở Trường Sa. Không chỉ cho bóng mát, lá non cây tra còn được sử dụng như một loại rau xanh trong bữa cơm thường ngày và đặc biệt là trên mâm cỗ ngày tết.

Những chiếc lá tra xanh non to hơn cả bàn tay được xếp thành từng xấp, ăn kèm với thịt, cá. Ngoài ra, quả tra nơi đây được CB-CS và người dân đặt cho cái tên mỹ miều là nho biển. Khi còn xanh, quả tra ăn có vị chát nhưng lúc chín lại có vị mặn nhạt, ngọt, chua.

Những quả tra được CB-CS và người dân trên đảo làm mứt hoặc ngâm với đường làm si rô, uống giải khát trong những ngày thời tiết nóng bức hay để tiếp khách từ đất liền ra thăm. Đặc biệt mâm ngũ quả chưng ngày tết luôn được trang trí bằng những chùm nho biển đẹp nhất, nhiều trái nhất.

Quân, dân trên đảo gói bánh chưng ngày tết.
Quân, dân trên đảo gói bánh chưng ngày tết.

Đến Trường Sa, không thể không nhắc đến loài hoa nở về đêm - hoa bàng vuông, một loài hoa điểm tô sắc xuân cho các đảo nổi. Mặc kệ gió biển mặn và sự khốc liệt của nước biển, bàng vuông vẫn vững vàng hiên ngang như người chiến sĩ Hải quân Việt Nam. Ở các đảo nổi, CB-CS thường sử dụng lá bàng vuông để gói bánh chưng. Do đó, bánh chưng gói bằng lá bàng vuông đã trở thành đặc sản, mang đến những hương vị mặn mòi, nắng gió của biển cả Trường Sa, một hương vị rất riêng mà chỉ ở nơi đây mới có được.

Có ra với Trường Sa, chúng tôi mới cảm nhận được cái nắng, cái gió, cái khắc nghiệt ở nơi đây. Bất kỳ CB-CS nào cũng thuộc lòng “khẩu quyết”: “Nước là máu, rau là thuốc”. 6 chữ này được sơn lên bể nước, mảnh tường che chắn các vườn rau. Ở các đảo chìm, không gian chật hẹp bốn bề là biển, không có cây xanh che bóng mát. Rau xanh và nước ngọt được xem là sản vật. Giống các loài rau cũng như đất trồng rau ở các đảo này đều được gửi ra từ đất liền và chỉ có một số loài rau có thể chịu đựng “phong ba bão táp, gió quật mưa gào” của Trường Sa mà bám rễ, xanh tươi.

Để có được rau xanh trong các bữa cơm, CB-CS trên đảo phải che nắng, che gió thật cẩn thận, chăm chút từng ngày cho rau và thậm chí là chiến sĩ phải nhường cả nước ngọt sinh hoạt để tưới rau hay di chuyển các chậu rau liên tục, nếu không rau sẽ bị héo chết. Bữa cơm nào có rau xanh, canh rau hay đĩa rau luộc thì mọi người đều cảm thấy vui và tự hào vì đã tự cải thiện đời sống vốn khó khăn, khắc nghiệt nơi đảo chìm.

Ngồi dưới bóng mát cây tra, cây bàng vuông trong những ngày đầu năm mới, được thưởng thức nước uống từ quả tra, nhìn thấy bánh chưng được gói khéo léo từ những đôi bàn tay ngày đêm cầm súng canh giữ biển trời Tổ quốc, nghe chuyện về những chiến sĩ Hải quân… chúng tôi - những vị khách đến từ đất liền cảm nhận được mùa xuân đã về trên các đảo tiền tiêu thuộc quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.

VĂN THẢO - CAO THẮNG (còn tiếp)

.
.
.