Tiếp tục đẩy mạnh phát triển văn hóa nông thôn, chung tay xây dựng NTM
Trong giai đoạn hiện nay, xây dựng đời sống văn hóa nông thôn là tạo ra những giá trị mới về vật chất và tinh thần với một nông thôn văn minh, hiện đại nhưng vẫn phải bảo tồn, gìn giữ bản sắc truyền thống văn hóa dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế… Trên tinh thần đó, ông Huỳnh Văn Hiệp, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết:
Thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và hướng tới mục tiêu chung nâng cao đời sống văn hóa ở nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM), Chính phủ đã ban hành Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” theo Quyết định 22/QĐ-TTg ngày 5-1-2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Cùng với cả nước, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 4209/QĐ-UBND ngày 31-12-2010 phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa nông thôn Tiền Giang đến năm 2015, định hướng đến năm 2020” và đã tích cực triển khai thực hiện nhằm phát triển văn hóa nông thôn hiệu quả, thiết thực hơn, gắn liền với việc phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh.
* PV: Xin ông cho biết khái quát tình hình triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua như thế nào?
* Ông Huỳnh Văn Hiệp: Sau khi UBND tỉnh phê duyệt Đề án, Sở VH-TT&DL đã xây dựng kế hoạch, tiến hành in ấn tài liệu, tổ chức 4 cuộc họp và tập huấn triển khai Đề án cho 339 đại biểu là thành viên Ban Chỉ đạo, tổ thư ký giúp việc; Phó Chủ tịch văn xã và lãnh đạo Phòng VH-TT 10 huyện, thành, thị; Phó Chủ tịch UBND 169 xã (phường, thị trấn) trong tỉnh; lãnh đạo các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL; cán bộ VH-TT 169 xã (phường, thị trấn) trong tỉnh. Sau khi tỉnh triển khai, huyện (thành, thị) thành lập BCĐ thực hiện Đề án và triển khai đến các xã (phường, thị trấn) trong tỉnh thực hiện.
Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, Sở VH-TT&DL đã kết hợp tốt với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM của tỉnh và các phong trào khác nhằm thực hiện tốt các mục tiêu Đề án đã đề ra như: Ký kết kế hoạch liên ngành với MTTQ, Hội Nông dân, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên… thực hiện xây dựng “Gia đình 5 không - 3 sạch”, tổ chức Hội thi “Tiếng hát nông dân”, Liên hoan “Đờn ca tài tử”, xây dựng các “Đội Thanh niên tình nguyện xây dựng NTM”...
Ngoài ra, hàng năm Sở VH-TT&DL đều đề ra kế hoạch thực hiện Đề án cụ thể, chỉ đạo ngành VH-TT các cấp trong tỉnh thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển văn hóa nông thôn và góp phần thực hiện các tiêu chí số 6 và 16 trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM tại địa phương.
* PV: Thưa ông, với vai trò là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Đề án, Sở VH-TT&DL có những việc làm cụ thể nào để hỗ trợ các địa phương trong tỉnh triển khai thực hiện Đề án?
* Ông Huỳnh Văn Hiệp: Với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, từ năm 2011 đến nay, Sở VH-TT&DL đã tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện Đề án bằng những việc làm cụ thể, thiết thực như: In 20.000 tờ bướm, 3.200 quyển tài liệu tuyên truyền xây dựng NTM và phát triển văn hóa nông thôn cung cấp cho cán bộ văn hóa các huyện (thị, thành) và xã (phường, thị trấn) trong các cuộc tập huấn hàng năm.
Hỗ trợ kinh phí cho 10 xã điểm được tỉnh chọn xây dựng xã NTM 170 triệu đồng để xây dựng pa nô tuyên truyền thực hiện Đề án, tổ chức 3 cuộc hội diễn văn nghệ đờn ca tài tử hoặc văn nghệ quần chúng tại xã, 1 cuộc thi tuyên truyền viên giỏi về vận động nhân dân chung sức xây dựng NTM. Trung tâm Văn hóa tỉnh xây dựng 10 pa nô lớn tuyên truyền về xây dựng NTM tại 10 xã điểm của tỉnh.
Vận động sáng tác, viết kịch bản, biên soạn, in ấn 2 đĩa hình DVD (700 bản) gồm 10 kịch bản, chập cải lương; in ấn 1.000 tập với 20 bài hát, 1.000 quyển tài liệu hỏi - đáp về xây dựng NTM để phát hành cho các huyện (thành, thị) và 169 xã (phường, thị trấn) trong tỉnh…
* PV: Thưa ông, với sự tích cực triển khai thực Đề án từ tỉnh, huyện đến cơ sở, đến nay các mục tiêu của Đề án đã đạt được như thế nào?
* Ông Huỳnh Văn Hiệp: Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án và sự đồng thuận hưởng ứng thực hiện của nhân dân, đến nay đã có một số chỉ tiêu đã đạt và gần đạt so với mục tiêu của Đề án đề ra như: Có 30% (chỉ tiêu 50%) người dân ở nông thôn tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó ước đạt 18% (chỉ tiêu 25%) dân số nông thôn luyện tập thể dục - thể thao thường xuyên.
Có 92% (chỉ tiêu 90%) gia đình giữ vững và phát huy danh hiệu “Gia đình văn hóa”, trong đó ước có khoảng 20% (chỉ tiêu 25%) gia đình văn hóa ở nông thôn làm giàu từ sản xuất nông nghiệp. Có 85% (chỉ tiêu 80%) ấp giữ vững và phát huy danh hiệu ấp văn hóa, trong đó có 25% (chỉ tiêu 40%) ấp văn hóa đạt chuẩn cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội NTM.
Có 75% (chỉ tiêu 80%) nông dân được phổ biến về pháp luật và các quy định về văn hóa và gia đình. Có 90% cán bộ văn hóa - thể thao ở nông thôn được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.
* PV: Ngoài những nét nổi bật nêu trên, ông còn trăn trở điều gì? Nếu có thì năm 2014 và những năm tiếp theo ông có giải pháp gì để giải tỏa những điều trăn trở ấy?
* Ông Huỳnh Văn Hiệp: Tuy đạt được những kết quả nêu trên, nhưng là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án, bản thân tôi cũng còn rất nhiều điều trăn trở như: Việc hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thông tin, thể thao ở nông thôn, góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ về văn hóa cho nông dân đạt được còn thấp.
Việc thực hiện chính sách khuyến khích xã hội hóa và tạo điều kiện để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở hoạt động văn hóa, thể thao còn nhiều bất cập nên việc huy động các nguồn lực thực hiện chưa nhiều. Đời sống nhân dân nông thôn vẫn còn nhiều khó khăn; sự chênh lệch về mức sống giàu - nghèo của người dân nông thôn và thành thị còn xa.
Các hủ tục lạc hậu và mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình vẫn còn xảy ra ở một số nơi. Nhiều hình thức văn hóa, lối sống không lành mạnh thâm nhập về nông thôn, làm mất đi nét đẹp văn hóa mang tính truyền thống ở nông thôn.
Trước những khó khăn nêu trên, theo tôi, trong thời gian tới cần tập trung nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng mới, chuyển đổi sang xã đạt chuẩn văn hóa NTM; đẩy mạnh các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa nông thôn mới lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Thực hiện tốt tiêu chí phát triển văn hóa NTM cấp xã.
Tập trung các nguồn lực hoàn thiện hệ thống thiết chế và hoạt động văn hóa, thể thao ở nông thôn, góp phần nâng cao dân trí, mức hưởng thụ về văn hóa cho nông dân…
* PV: Xin cảm ơn ông!
MINH PHÚC (thực hiện)