Thứ Sáu, 08/11/2013, 09:03 (GMT+7)
.
ÔNG PHẠM VĂN TRỌNG, GIÁM ĐỐC SỞ TƯ PHÁP – PHÓ CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG PHỐI HỢP PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỈNH:

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ngày càng đi vào chiều sâu

Năm 2013 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) và Nghị định 28/2013/NĐ-CP ngày 4-4-2013 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật PBGDPL”; là năm đầu tiên tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị 06-CT/TU ngày 1-11-2012 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư pháp”. Nhân “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam” (gọi tắt là Ngày Pháp luật), Giám đốc Sở Tư pháp Phạm Văn Trọng chia sẻ:

Hoạt động PBGDPL năm 2013 tiếp tục nhận được sự quan tâm từ các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, nhất là sau khi có Luật PBGDPL ra đời. Các cấp ủy đều ban hành các văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh công tác PBGDPL trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm cơ sở để chính quyền các cấp tổ chức triển khai thực hiện.

Công tác phối hợp liên tịch giữa các ngành trong việc PBGDPL được đẩy mạnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và các huyện, thị, thành đã chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương.

Đặc biệt là việc tập trung thực hiện các hoạt động PBGDPL nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới. Từ đó đã góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, làm giảm tình hình vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội.

* PV: Xin ông cho biết công tác tuyên truyền, phổ biến, nghiên cứu đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo sửa đổi Luật Đất đai được ngành Tư pháp triển khai thực hiện như thế nào?

* Ông Phạm Văn Trọng: Xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2013 nên Hội đồng phối hợp PBGDPL tỉnh đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh trong việc tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, công chức và nhân dân đóng góp vào  dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua công tác tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cho thấy, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã quán triệt và nhận thức đúng, sâu sắc về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đã quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời, chặt chẽ, sâu rộng, đạt hiệu quả, chất lượng việc lấy ý kiến.

Đây thật sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân; đã huy động được nhiều tầng lớp nhân dân, các ngành, các cấp tham gia đóng góp ý kiến. Với việc tham mưu giúp các cấp, các ngành tổ chức lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã khẳng định được vị trí, vai trò của công tác tư pháp trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương.

Ở các cấp huyện, xã đều tổ chức lấy ý kiến và phát phiếu lấy ý kiến nhân dân về việc đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Nhìn chung, tuyệt đại đa số nhân dân đều đồng tình với nội dung dự thảo sửa đổi Hiến pháp; đồng thời cũng có nhiều ý kiến đóng góp cụ thể vào dự thảo.

* PV: Giáo dục pháp luật cho học sinh là việc đặc biệt quan trọng và cần thiết. Trong thời gian qua, ngành Tư pháp thực hiện việc PBGDPL trong nhà trường như thế nào?

* Ông Phạm Văn Trọng: Sở Tư pháp đã phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức triển khai thực hiện Thông tư liên tịch 30-2010/TTLT - BGDĐT - BTP ngày 16-11-2010 giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp “Hướng dẫn việc thực hiện công tác PBGDPL trong nhà trường”.

Ngành GD&ĐT đã tổ chức 198 cuộc tuyên truyền pháp luật dưới cờ trong giờ sinh hoạt đầu tuần cho 80.600 lượt học sinh tham dự; tổ chức các buổi đố vui tìm hiểu kiến thức pháp luật, với sự tham gia của 22.200 lượt học sinh; tuyên truyền pháp luật về an toàn giao thông tại 220 trường tiểu học, THCS và THPT.

Sở GD&ĐT chỉ đạo các trường lồng ghép hoạt động giáo dục pháp luật thông qua dạy chính khóa với các văn bản pháp luật được tập trung tuyên truyền là: Pháp luật về an toàn giao thông; Luật Phòng, chống ma túy; Luật Hôn nhân và gia đình; Luật Giáo dục; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Bộ luật Hình sự…

Ngành GD&ĐT cũng đã có văn bản chỉ đạo thực hiện Ngày Pháp luật trong hệ thống trường học, đưa nội dung sinh hoạt pháp luật vào sinh hoạt hàng tháng cho học sinh, sinh viên; đồng thời mở chuyên mục PBGDPL trên website của Sở GD&ĐT.

* PV: Công tác PBGDPL cho nông dân được triển khai thực hiện như thế nào, thưa ông?

* Ông Phạm Văn Trọng: Trong thời gian qua, Hội Nông dân đã tập trung tổ chức quán triệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn… cho 1.600 lượt hội viên.

Tổ chức tuyên truyền pháp luật lồng ghép trong việc sinh hoạt các chi, tổ hội và trợ giúp pháp lý được 498 cuộc, có 13.692 người tham dự. Ở cấp huyện, ngành Tư pháp phối hợp với Hội Nông dân tổ chức tuyên truyền pháp luật thông qua lồng ghép sinh hoạt chi, tổ hội được 1.122 cuộc, với 33.712 lượt cán bộ, hội viên nông dân tham dự…; đồng thời Hội Nông dân tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến hội viên nông dân về sửa đổi Luật Đất đai cho 1.502 hội viên.

* PV:  Công tác PBGDPL trong nữ giới cũng cần quan tâm. Trong thời gian qua, ngành Tư pháp đã làm gì để nâng cao kiến thức về pháp luật của nữ giới?

* Ông Phạm Văn Trọng: Để góp phần nâng cao kiến thức pháp luật cho phụ nữ, vừa qua Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng tuyên truyền pháp luật cho 169 cán bộ chủ chốt ở cơ sở, 65 cán bộ chi hội thuộc cán bộ cấp phường và 270 cán bộ tại các xã xây dựng nông thôn mới.

Thông qua các buổi họp lệ kỳ của tổ hội, các nhóm tín dụng tiết kiệm và các mô hình tập hợp khác của hội, các cấp hội đã đưa nội dung tuyên truyền pháp luật đến 600.000 lượt hội viên thông qua 15.000 cuộc họp. Duy trì CLB Pháp luật về an toàn giao thông, CLB Phụ nữ có người thân không vi phạm pháp luật, CLB Phụ nữ thông tin pháp luật và 164 CLB Pháp luật cấp xã.

Tiếp tục triển khai Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho phụ nữ nông thôn, các cấp hội đã tổ chức tuyên truyền trong hội viên, phụ nữ các xã với các nội dung: Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình... Ngoài ra, Sở Tư pháp cũng đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Sở VH-TT&DL tổ chức hội thảo về công tác phối hợp PBGDPL.

* PV: Xin cảm ơn ông!

NGUYÊN CHƯƠNG

(thực hiện)

.
.
.