Không phát hiện khi chấm thẩm định tại Hòa Bình, sao nay bị khởi tố?
Những tiêu cực điểm thi xảy ở Hà Giang, Sơn La và hiện nay đang điều tra ở Hòa Bình là rất nghiêm trọng, sai phạm này thể hiện rất rõ một điều là những người gây ra sai phạm này có ý đồ từ trước, thậm chí có tổ chức nhằm vô hiệu hóa quy trình tổ chức thi vốn rất nghiêm ngặt.
·
Ngày 3-8, Cơ quan công an đã khởi tố vụ sai phạm thi cử ở Hòa Bình. Cùng ngày, PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT khi trả lời báo chí đã nhận định sai phạm của Hòa Bình hết sức nghiêm trọng và “thậm chí là có những hành động tinh vi và xảo quyệt hơn”.
PGS-TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT |
* PHÓNG VIÊN: Ông lý giải thế nào về việc Tổ chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT không phát hiện thấy gì bất thường khi chấm thẩm định tại Hòa Bình, nhưng nay thì vụ việc đã khởi tố?
- ÔNG MAI VĂN TRINH: Trước hết phải khẳng định, với chức năng nhiệm vụ của Tổ chấm thẩm định thì tổ sẽ tiến hành chấm ở trên các bài thi. Qua điều tra cho thấy sai phạm diễn ra trước khâu chấm, cụ thể là họ đã sửa phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh trước khi mang vào chấm, vì vậy Tổ thẩm định không phát hiện ra điều gì cũng là bình thường.
Nhưng qua chấm thẩm định thì chúng tôi yêu cầu rà soát quy trình và đã phát hiện thấy dấu hiệu vi phạm quy trình trong lúc chấm thi.
Tổ chấm thẩm định của Bộ GD- ĐT ở Hòa Bình đã phát hiện thấy dấu hiệu bất thường, đặc biệt trong quy trình chấm thi. Chính kinh nghiệm của Tổ công tác ở Hà Giang, Sơn La đã giúp phát hiện điều này, trên cơ sở đó Bộ GD-ĐT có công văn ngày 24-7 gửi Bộ Công an.
Qua đấu tranh và xác minh ban đầu của công an đã cho thấy, đã có dấu hiệu sửa đổi phiếu trả lời thi trắc nghiệm để nhằm tăng điểm cho thí sinh.
Trên quan điểm làm việc nghiêm túc, nghiêm minh, Bộ Công an sẽ sớm có kết quả cuối cùng, lúc đó chúng tôi sẽ thông báo tới xã hội.
* Thưa ông, so với Hà Giang, Sơn La thì dấu hiệu can thiệp điểm thi ở Hòa Bình có điều gì khác biệt hơn?
- Việc điều tra tình tiết thuộc chức năng Bộ Công an, tôi không có đủ thông tin. Nhưng một điều có thể khẳng định là kể cả sai phạm của Hòa Bình, Sơn La, Hà Giang thì đều rất nghiêm trọng.
Theo những thông tin sơ bộ ban đầu thì tôi cho rằng sai phạm của Hòa Bình hết sức nghiêm trọng và thậm chí là có những hành động tinh vi và xảo quyệt hơn.
* Liệu Hòa Bình đã là địa phương cuối cùng phát hiện gian lận thi cử?
- Quan điểm trước sau như một của Bộ GD-ĐT là không dung túng, bao che cho sai phạm, nên nếu có sai phạm là xử lý, xử lý đến cùng bất kể là địa phương nào, đối tượng nào gây ra. Quan điểm là xử lý đến cùng để mang lại công bằng cho kỳ thi này.
* Dư luận vẫn chưa hoàn toàn thấy được thuyết phục khi ở điểm thi Lạng Sơn có tới 35 chiến sĩ cảnh sát cơ động được đặc cách thi chung 1 phòng mà không phải là thi chung với nhóm thí sinh tự do khác?
- Tôi xin nói rõ hơn về Lạng Sơn, với đặc điểm của các thí sinh tự do, thì các thí sinh không thi trọn vẹn các môn thi trong tổ hợp trắc nghiệm. Đồng thời trong quy chế nói rõ, mỗi Sở GD-ĐT có thể dành một số lượng điểm thi nhất định để dành cho các thí sinh tự do. Các thí sinh tự do được thi ở những phòng khác nhau, sắp xếp tên theo bảng chữ cái. 35 chiến sĩ ở Lạng Sơn không ngồi chung trong 1 phòng vì mỗi phòng chỉ được có 24 thí sinh.
Chỉ có câu chuyện là 35 người này thi chung 1 điểm thi và được sắp xếp ở 10 phòng thi khác nhau. Như vậy việc sắp xếp phòng thi như vậy là đúng, không vi phạm quy chế thi.
* Được biết, tỉnh Hà Giang đã điều tra rõ các tin nhắn mua điểm và nhiều người có hành vi mua điểm đã được điều tra. Những người này sẽ được xử lý như thế nào?
- Bộ GD-ĐT và Bộ Công an vẫn đang rất quyết liệt trong việc điều tra và xử lí các hành vi này. Cụ thể xác định đúng người, đúng tội để xử lý đúng sai phạm của các cá nhân. Dựa vào các kết quả xác minh cả cơ quan công an để chiếu theo quy định mà xử lý tùy từng mức độ, có khởi tố, có xử phạt theo quy chế.
Hai Bộ sẽ làm đến cùng và tuyệt đối không có vùng cấm trong việc xử lý vấn đề này. Bộ GD-ĐT sẽ kiên quyết làm đúng người đúng tội lấy lại niềm tin và sự công bằng cho các thí sinh trong kỳ thi quốc gia này.
Một công đoạn chấm thi trắc nghiệm
* Từ sự cố gian lận này, xã hội đang đặt vấn đề trách nhiệm của Bộ GD-ĐT với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước và vai trò của chính quyền địa phương?
- Có thể nói rằng những tiêu cực xảy ở Hà Giang, Sơn La và hiện nay đang điều tra ở Hòa Bình là rất nghiêm trọng, sai phạm này thể hiện rất rõ một điều là những người gây ra sai phạm này có ý đồ từ trước, thậm chí có tổ chức nhằm vô hiệu hóa quy trình tổ chức thi vốn rất nghiêm ngặt. Sự vô hiệu hóa đó nhằm mục đích sửa đổi kết quả thi, điều này đã làm mất đi sự công bằng của kỳ thi.
Tuy nhiên, có thể nói là việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là việc rất quan trọng trong năm của các tỉnh thành phố, vì vậy trách nhiệm trước hết phải thuộc về Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh thành phố đó.
Nếu như cơ quan quản lý trực tiếp mà cụ thể ở đây là Hội đồng thi, Ban chấm thi mà thực hiện đầy đủ các quy định đã nói rõ, đầy đủ trong quy chế đã hướng dẫn thì rất khó để có thể sai phạm được.
Ví dụ, phòng bảo quản bài thi, phòng chấm thi thì trong quy định nói rõ phải được khóa bằng 2 khóa riêng biệt, 2 ổ khóa này phải được niêm phong và chìa khóa do 2 người khác nhau cầm, được bảo vệ 24/24. Khi mở phải có mở phải có biên bản, có sự chứng giám của ít nhất 3 bên và có 2 chìa khóa như vậy mới mở được.
Nhưng người ta đã bỏ qua khâu này để có thể vào phòng đó rất dễ dàng. ở đây tôi cho trước hết cơ quan quản lý trực tiếp của địa phương phải chịu trách nhiệm.
Còn về phía Bộ GD-ĐT thì chúng tôi cũng đã nhìn thấy trách nhiệm và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng đã xác định rõ trách nhiệm của mình. Chúng tôi cũng đã có định hướng rất rõ ràng để khắc phục trong kỳ thi những năm tới đây.
* Vậy định hướng kỳ thi năm sau ra sao?
- Chúng ta đang trong lộ trình hoàn thiện đổi mới thi cũng như đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Trong điều kiện cụ thể như hiện nay thì tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là phù hợp. Tất nhiên chúng ta đã nhìn thấy những lỗ hổng mà tới đây sẽ phải điều chỉnh để làm tốt hơn.
Cụ thể, về đề thi sẽ phải hoàn thiện hơn, bổ sung ngân hàng đề thi, hoàn thiện thêm một bước nữa về quy trình ra đề thi để bảo đảm chất lượng đề thi phù hợp với yêu cầu của kỳ thi THPT quốc gia.
Cùng với đó hoàn thiện phần mầm chấm thi trắc nghiệm để bảo đảm ngăn ngừa tối đa những cơ hội mà người ta có thể lợi dụng để sai phạm.
Công tác thanh tra, giám sát của Bộ GD-ĐT ở các địa phương cần quyết liệt hơn, thực chất hơn và phát huy hơn nữa vài trò của các trường ĐH-CĐ...
Tôi tin những gì mà chúng ta xử lý của kỳ thi 2018 thì kỳ thi 2019 và những năm tới sẽ hoàn thiện hơn.
Nhân dân hãy bình tĩnh, tin tưởng vào cách làm quyết liệt của Bộ GD-ĐT cũng như tuyệt đại đa số các địa phương.
* Khi làm Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ GD-ĐT xác minh gian lận thi, ông có chịu áp lực nào không?
- Tôi xin nhấn mạnh là khi xảy ra sự cố, với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đều có một quyết tâm là làm nghiêm minh, làm đến cùng sự việc, nên tôi không có áp lực. Nhưng vất cả thì có. Vì đằng sau tổ công tác của chúng tôi là đông đảo người dân, là hàng chục triệu học sinh và đặc biệt là 1 triệu thí sinh tham gia kỳ thi này. Đại đa số các em tham gia kỳ thi với sự nỗ lực, cần cù tích lũy nhiều năm, với một tâm hồn rất trong sáng. Nghĩ về điều đó tôi không áp lực.
(Theo sggp.org.vn)