.

Tiền Giang quyết liệt ngăn chặn dịch tả heo châu Phi

Cập nhật: 10:21, 06/03/2019 (GMT+7)

 

Dịch tả heo châu Phi là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút gây ra trên heo. Dịch có tính chất lây lan nhanh, gây chết 100% số heo mắc bệnh.

Đặc biệt, bệnh dịch này chỉ lây nhiễm trên loài heo (heo rừng và heo nhà), không lây sang người và không gây bệnh cho các loài động vật khác.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Văn Mẫn cho biết, hiện nay, dịch tả heo châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh.

Vi rút gây ra bệnh dịch tả heo Châu Phi có sức đề kháng cao với môi trường, đặc biệt là vô hạn đối với thịt heo đông lạnh.

* Phóng viên (PV): Đồng chí có thể cho biết sơ lược về tình hình dịch tả heo châu Phi đang diễn ra ở nước ta?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Hiện nay, tình hình dịch tả heo châu Phi ngày càng diễn biến phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam. Theo báo cáo từ Bộ NN&PTNT, từ ngày 1-2 đến 3-3, dịch tả heo châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành trên cả nước gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương.

Tổng số heo mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn. Các tỉnh, thành có heo nhiễm dịch tả heo châu Phi hiện nay là ở khu vực phía Bắc.

Nguyên nhân lây lan bệnh dịch chủ yếu là do các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm từ heo chết, heo bệnh không rõ nguồn gốc giữa các địa phương. Hiện giá heo ở miền Bắc thấp hơn nhiều so với khu vực phía Nam.

Chính vì vậy, nguồn heo từ miền Bắc “đổ” vào miền Nam rất nhiều. Đây cũng là nguyên nhân làm cho bệnh dịch có nguy cơ lây nhiễm vào các tỉnh, thành miền Nam là rất lớn.

Tiền Giang vừa là cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, vừa là địa phương kết nối TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nên nguy cơ dịch tả heo châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh là rất cao.

* PV: Trước tình hình trên, tỉnh đã có kế hoạch gì cho công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Hiện Sở NN&PTNT đã trình UBND tỉnh nội dung kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Sau khi được duyệt, Sở sẽ triển khai ngay các bước để tiến hành công tác ngăn chặn dịch tả heo châu Phi.

Theo đó, thời điểm chưa có dịch, ngành chức năng tổ chức vận động, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; tập huấn, hội thảo nhằm giúp người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của dịch tả heo châu Phi.

Đặc biệt, chú trọng tuyên truyền để mọi người hiểu dịch bệnh này không lây lan sang người. Người tiêu dùng có thể sử dụng thịt heo khỏe mạnh để làm thực phẩm.

Người dân bán heo cho thương lái vào chiều ngày 3-3.
Người dân bán heo cho thương lái vào chiều ngày 3-3.

Ngoài ra, Sở chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y thông tin về biện pháp xử lý, mức hỗ trợ của Nhà nước đối với động vật nuôi mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi gây ra.

Nghiêm túc thực hiện 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển heo bệnh, heo chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt heo bệnh, heo chết; không vứt heo chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt để tránh phát tán mầm bệnh ra ngoài môi trường.

Bên cạnh đó, Sở thành lập các đoàn công tác tiến hành kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi tại các địa bàn có nguy cơ cao. Thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại nhiều điểm khi dịch có nguy cơ lây lan cao.

Tổ chức giám sát sự lưu hành vi rút dịch tả heo châu Phi, thông qua lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở thu gom và cơ sở giết mổ heo có nguồn gốc từ các tỉnh, thành nhập vào Tiền Giang.

Tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện dịch tả heo châu Phi; thường xuyên hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các biện pháp an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi; giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ, quy trình kiểm dịch tại các cơ sở giết mổ, cơ sở thu gom heo.

Đoàn liên ngành các cấp cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ thịt heo và sản phẩm từ heo trên các tuyến đường chính ra vào địa bàn tỉnh.

Xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển thịt heo và các sản phẩm làm từ thịt heo không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch của cơ quan thú y.

Vận động các công ty, xí nghiệp, hợp tác xã vận tải không vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc; không vận chuyển hành khách cùng với động vật, sản phẩm động vật; phối hợp với lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra các phương tiện vận chuyển, xử lý nghiêm các trường hợp có hành vi vi phạm.

* PV: Tỉnh đã có những phương án ứng phó như thế nào khi xảy ra dịch tả heo châu Phi?

* Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn: Nếu dịch tả heo châu Phi có xuất hiện trên địa bàn tỉnh, thì chúng tôi sẽ thành lập ngay Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.

Tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch theo quy định của Luật Thú y. Tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị bệnh dịch tả heo châu Phi trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với vi rút của bệnh dịch tả này. 

Đặc biệt, chúng tôi kiên quyết không để người dân điều trị heo bệnh, heo nghi mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Tổ chức khoanh vùng ổ dịch, kiểm soát không để heo và sản phẩm làm từ thịt heo vận chuyển ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát; không vận chuyển heo con, heo giống từ bên ngoài vào trong vùng giám sát, vùng bị dịch uy hiếp.

Ngoài ra, chúng tôi triển khai lực lượng kiểm soát việc giết mổ heo, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm làm từ thịt heo tại các cơ sở, điểm giết mổ heo trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát.

Công bố hết dịch theo quy định của Luật Thú y sau 30 ngày kể từ khi tiêu hủy con vật bệnh cuối cùng mà không có thêm con vật nào mắc bệnh; đồng thời, thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, đảm bảo không còn mầm bệnh để phát sinh ổ dịch mới hoặc lây lan sang nơi khác.

Bên cạnh đó, chúng tôi tiến hành thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo buộc phải tiêu hủy theo Nghị định 02 ngày 9-1-2017 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

SĨ NGUYÊN (thực hiện)

.
.
.