.
BÁC SĨ CHUYÊN KHOA II LÊ ĐĂNG NGẠN, PHÓ GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TIỀN GIANG:

Cần tiêm ngừa đầy đủ để phòng bệnh bạch hầu

Cập nhật: 20:46, 02/07/2020 (GMT+7)

 (ABO) Thời gian gần đây liên tục xuất hiện các ca bệnh bạch hầu tại tỉnh Đắk Nông, đã có trường hợp tử vong và mới nhất tại TP. Hồ Chí Minh ghi nhận 1 trường hợp mắc bệnh. Điều này khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ mắc căn bệnh này. Bác sĩ chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang giải thích về mức độ nguy hiểm của bệnh và cách phòng bệnh hiệu quả hiện nay.

Bác sĩ CKII Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật Tiền Giang
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tiền Giang.

* Phóng viên: Thưa bác sĩ, tình hình ghi nhận ca bệnh bạch hầu ở các địa phương và tại Tiền Giang thời điểm này như thế nào?

* Bác sĩ chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn: Bộ Y tế cho biết từ đầu tháng 6-2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông ghi nhận 12 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại huyện Krông Nô và huyện Đắk Glong, trong đó đã có trường hợp tử vong. Bệnh xảy ra ở khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ đạt 48% - 52% (vùng lõm tiêm chủng), các trường hợp mắc đều chưa được tiêm đủ mũi vắc xin phòng bệnh bạch hầu. Đây là nguyên nhân chính khiến dịch bệnh bùng phát.

Tại Tiền Giang, trong nhiều năm không có bệnh bạch hầu trên địa bàn tỉnh do đã liên tục duy trì tỷ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm nhắc lúc 18 tháng đều trên 96%, không có vùng lõm về tiêm chủng, tăng độ bao phủ bằng vắc xin đối với các bệnh truyền nhiễm có vắc xin dự phòng trong tiêm chủng mở rộng và dịch vụ.

* Phóng viên: Bệnh bạch hầu lây lan như thế nàobiến chứng nguy hiểm ra sao, thưa bác sĩ?

* Bác sĩ chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn: Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra. Vi khuẩn tiết ra ngoại độc tố gây tổn thương nhiều tổ chức và cơ quan của cơ thể.

Bệnh có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua đường hô hấp hoặc gián tiếp qua đồ chơi, vật dụng. Vi khuẩn bạch hầu có thể xâm nhập qua da tổn thương gây bạch hầu da. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân có thể gây lây nhiễm cho người khác.

Bệnh bạch hầu thường gặp với những triệu chứng điển hình như sốt nhẹ, đau họng, ho, khàn tiếng, chán ăn. Sau 2 - 3 ngày, xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu. Đây là dấu hiệu quan trọng nhất để phát hiện bệnh.

 Bệnh nhân có thể có dấu hiệu khó thở, khó nuốt. Bệnh có thể qua khỏi hoặc trở nên trầm trọng và tử vong trong vòng 6 - 10 ngày do viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim.

* Phóng viên: Được biết, hiện nay cả nước đã áp dụng cách ly hàng trăm người để ngăn dịch bạch hầu lây lan, vậy ngoài cách ly thì có những biện pháp gì khác để ngăn ngừa và phòng bệnh, thưa bác sĩ?

* Bác sĩ chuyên khoa II Lê Đăng Ngạn: Đối với người nhiễm bệnh bạch hầu, cần cách ly bệnh nhân ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp và đeo khẩu trang khi tiếp xúc. Ngoài ra, cần vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn.

Tiêm ngừa đầy đủ để bảo vệ trẻ khỏi bạch hầu
Tiêm ngừa đầy đủ để bảo vệ trẻ khỏi bạch hầu.

Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan Y tế. Tiêm vắc xin là biện pháp tốt nhất để phòng bệnh bạch hầu.

Đối với trẻ em, hiện nay trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, tất cả trẻ em sẽ được tiêm đủ 3 mũi vắc xin phối hợp 5 trong 1 phòng bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi, màng não do vi khuẩn Hib (DPT-VGB-Hib) lúc 2, 3 và 4 tháng tuổi; tiêm nhắc lại vắc xin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) khi trẻ đủ 18 tháng tuổi. Việc trì hoãn tiêm chủng vì bất cứ lý do gì sẽ khiến cho trẻ có nguy cơ mắc bệnh.

Tiền Giang nhiều năm liền không ghi nhận ca bệnh bạch hầu do tỷ lệ bao phủ tiêm chủng mở rộng đạt rất cao
Tiền Giang nhiều năm liền không ghi nhận ca mắc bệnh bạch hầu do tỷ lệ bao phủ tiêm chủng mở rộng của tỉnh đạt rất cao.

Đối với trẻ từ 7 tuổi trở lên và người lớn, thực hiện tiêm phòng vắc xin uốn ván và bạch hầu giảm liều (Td). Trong đó, đối với người đã tiêm đủ mũi cơ bản thì tiêm nhắc 1 mũi Td lúc 7 tuổi và lập lại sau mỗi 10 năm. Đối với người chưa tiêm ngừa thì thực hiện tiêm 2 mũi cách nhau 1 tháng và mũi nhắc sau 6 tháng, lập lại sau mỗi 10 năm.

Hiện tại, vắc xin uốn ván và bạch hầu giảm liều (Td) do Viện Vắc xin và  sinh phẩm y tế tại Nha Trang sản xuất rất tốt. Giá thành của mỗi mũi tiêm vắc xin này không cao, dưới 100 ngàn đồng nên người có nhu cầu có thể tiêm dịch vụ dễ dàng.

Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu, người bệnh phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

* Phóng viên: Xin cảm ơn bác sĩ!

THỦY HÀ (thực hiện)

 

.
.
.