Bảo đảm an toàn đường thủy trong mùa mưa bão
Mùa mưa bão tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông thủy. Xoay quanh vấn đề đảm bảo an toàn sông nước mùa mưa bão, Thượng tá Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an tỉnh Tiền Giang cho biết:
Tình hình giao thông đường thủy từ đầu năm đến nay diễn biến khá phức tạp, nhất là trong thời điểm mưa bão. Mùa mưa tàu, thuyền dễ va chạm nhau, khó phát hiện các chướng ngại vật trên sông khi mưa lớn; lưu lượng nước, dòng chảy xiết khiến cho việc điều khiển các phương tiện thủy gặp nhiều khó khăn...
Bên cạnh đó, tình trạng phương tiện dân sinh tự đóng, không theo quy chuẩn kỹ thuật, không có thử nghiệm và kiểm định về an toàn giao thông (ATGT) được người dân sử dụng để đi lại, phục vụ đời sống còn khá phổ biến tiềm ẩn nhiều nguy cơ khi gặp mưa to gió lớn.
Nguy cơ này gia tăng đối với người tham gia giao thông trên các phương tiện thủy lưu thông ban đêm không đủ đèn chiếu sáng, tầm quan sát bị hạn chế trong mùa mưa. Đặc biệt, đối với các phương tiện thô sơ, phương tiện dân sinh phục vụ nhu cầu của người dân không có giấy phép cũng như thiếu trang thiết bị an toàn khi lưu thông trên các tuyến kinh, rạch nhỏ rất dễ xảy ra tai nạn khi gặp mưa, bão.
* Phóng viên (PV): Để bảo đảm trật tự ATGT đường thủy trên địa bàn trong mùa mưa bão, Phòng CSGT có những giải pháp gì, thưa Thượng tá?
* Thượng tá Nguyễn Văn Dũng: Lực lượng CSGT sẽ bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát nhằm kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự ATGT đường thủy đối với phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, cảng, bến thủy nội địa.
Đồng thời, tập trung xử lý các hành vi vi phạm đối với phương tiện không có động cơ trọng tải (toàn phần từ 1 tấn đến 15 tấn hoặc có sức chở từ 5 người đến 12 người), phương tiện có động cơ công suất máy chính dưới 5 sức ngựa hoặc có sức chở dưới 5 người, các hành vi chở quá số người, không hướng dẫn và sắp xếp hành khách mặc áo phao, dụng cụ nổi đúng quy định.
Bên cạnh đó, đơn vị thực hiện Cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” trên tất cả các tuyến, địa bàn đường thủy trọng điểm. Qua đó, đánh giá kết quả, hiệu quả cũng như những hạn chế, đề xuất hình thức vận động xây dựng văn hóa giao thông đường thủy phù hợp tình hình mới.
Cùng với đó là nhân rộng các mô hình tiêu biểu, góp phần lan tỏa, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm đối với các bến hoạt động không phép, phương tiện không đăng ký đăng kiểm; lập biên bản, đình chỉ ngay các bến, phương tiện thủy hoạt động không đảm bảo ATGT.
Trong đó, lực lượng chức năng chú ý các bến đò ngang, các sông, kinh, rạch có mật độ phương tiện thủy lưu thông nhiều như: Kinh Chợ Gạo, kinh Nguyễn Văn Tiếp...
Yêu cầu của các bến thủy nội địa và phương tiện thủy đang hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu về giấy phép hoạt động; vị trí bến phải đảm bảo yêu cầu về địa hình ổn định, độ sâu, rộng; người điều khiển phải có bằng hoặc chứng chỉ chuyên môn; phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm...
Điều quan trọng trong thời điểm hiện nay là cần phát huy vai trò của chính quyền địa phương, các ngành, các cấp trong công tác phối hợp để giám sát chặt chẽ hoạt động của các bến đò, phương tiện thủy trên địa bàn quản lý nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn những nguy cơ tiềm ẩn xảy ra tai nạn giao thông đường thủy.
* PV: Thượng tá có những lưu ý gì đối với chủ phương tiện và hành khách khi tham gia giao thông đường thủy trong mùa mưa bão?
* Thượng tá Nguyễn Văn Dũng: Bên cạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở của lực lượng chức năng, người dân cần chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về việc mặc áo phao, mang dụng cụ nổi cứu sinh mỗi khi di chuyển trên các tuyến sông, kinh, qua đò, qua phà.
Trước khi rời bến, chủ phương tiện phải phát cho hành khách áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh và hướng dẫn cho họ cách sử dụng. Trường hợp cần thiết, chủ phương tiện có quyền từ chối vận chuyển những hành khách không chịu chấp hành yêu cầu trên. Trong thời gian tới, ngoài công tác đẩy mạnh tuyên truyền, đơn vị sẽ phối hợp các ngành chức năng tiến hành kiểm tra và xử phạt nghiêm đối với những trường hợp cố tình vi phạm về đảm bảo trật tự ATGT đường thủy nội địa.
Ngoài ra, trước khi qua đò, phà, hành khách cần xem phương tiện có đảm bảo điều kiện hoạt động, có đủ các thiết bị, dụng cụ cứu sinh hay không. Đặc biệt, chúng tôi khuyến cáo người dân chỉ nên đi trên những phương tiện đã được cấp phép và đảm bảo ATGT. Người điều khiển phương tiện không được chở quá số hành khách quy định, đặc biệt là khi chở học sinh; tuân thủ quy định mặc áo phao khi tham gia lưu thông.
* PV: Xin cảm ơn Thượng tá!
TUẤN LÂM (thực hiện)