.

Xây dựng bản đồ số để giải quyết đầu ra cho nông sản

Cập nhật: 12:13, 13/03/2021 (GMT+7)

Qua thời gian triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu, ngành Nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả trong việc chuyển đổi mô hình sản xuất.

Và để giải quyết được bài toán về vấn đề tiêu thụ cho nông sản của vùng và rộng ra hơn cho cả nước, cần có sự tham gia của các cơ quan hoạch định chính sách cùng với các doanh nghiệp nghiên cứu về nhu cầu của thị trường. Đồng thời, cần kết nối lại các vùng nguyên liệu, kết nối vùng nguyên liệu với doanh nghiệp, doanh nghiệp với thị trường… thông qua bản đồ số để định hình được nguồn cung - cầu, giải quyết vấn đề đầu ra cho tiêu thụ nông sản.

Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) Lê Minh Hoan với báo chí về một số vấn đề cần tập trung thực hiện trong thời gian tới khi triển khai Nghị quyết 120 của Chính phủ.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. (Ảnh: BT)
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan. (Ảnh: BT)

Phóng viên (PV): Xin Thứ trưởng cho biết về những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp từ khi thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ đến thời điểm hiện nay?

Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Nghị quyết 120 mở ra một chương mới cho ĐBSCL và được người dân ĐBSCL đón nhận hồ hởi. Nghị quyết đã đưa ra được tầm nhìn chiến lược cho phát triển đồng bằng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Với ngành Nông nghiệp có một số câu chuyện cần quan tâm. Một là chuyển dịch mô hình sản xuất thuận thiên, đây cũng là quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết 120 để thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, điều kiện hạn, mặn hàng năm, thích ứng với thay đổi của xu thế tiêu dùng, thay đổi của thị trường thế giới và trong nước.

Từ đây, Bộ NN&PTNT đã định hình lại mô hình sản xuất theo từng tiểu vùng, từng điều kiện ngọt, mặn, lợ và đan xen vào đó là những mô hình lấy theo mùa vụ này hỗ trợ cho mùa vụ khác, chuyển dần và giảm dần diện tích lúa sang mô hình khác. Ví dụ như: lúa xen tôm, lúa – cá... Đây là những mô hình vừa thuận thiên vừa thể hiện nền nông nghiệp tuần hoàn, đa canh góp phần làm giảm đi những rủi ro mùa vụ, nhất là khi thị trường lúa gạo có nhiều bất ổn.

Sản xuất lúa cần nhiều nước trong điều kiện biến đổi khí hậu, sông Mê Kông không còn được điều kiện tự nhiên như thời gian trước, do vậy, câu chuyện sản xuất tuần hoàn trong 1 năm sẽ tạo điều kiện cho sự phục hồi hệ sinh thái, dinh dưỡng của đất được tốt hơn, đồng thời giảm bớt chi phí đầu vào cho người nông dân, từ đó tạo ra nông sản sạch và có giá trị cao hơn. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, ĐBSCL đã có nhiều sản phẩm ra đời, tạo ra thương hiệu như như: tôm sạch, cá sạch… Những sản phẩm này bắt đầu từ thay đổi mô hình sản xuất và từ câu chuyện thực hiện Nghị quyết 120.

Bên cạnh đó những câu chuyện như dùng giải pháp công trình như: Cái Lớn, Cái Bé… để giải quyết bài toán vừa thuận thiên vừa một phần giảm thiểu những rủi ro đột ngột trong từng năm một, nhất là vấn đề hạn, mặn của ĐBSCL.

PV: Thứ trưởng đánh giá như thế nào về tác động của các giải pháp phi công trình tới sản xuất nông nghiệp của ĐBSCL?

Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Giải pháp phi công trình thay đổi tư duy hình thành những mùa vụ của ngành Nông nghiệp. Trong đó, vừa có những vùng tận dụng tiếp tục trồng lúa, thay đổi bằng giống lúa bản địa chất lượng cao hoặc những giống lúa hướng đến thị trường, có giá trị cao. Những vùng còn lại có thể đan xen kết hợp mô hình tôm - lúa, tôm - cá để giảm vụ và có thời gian để đất đai tuần hoàn lại. Chuyển đổi những cây trồng mùa vụ chính là những giải pháp phi công trình.

Và đối với những giải pháp công trình như là: Cái Lớn, Cái Bé… tác động tới tự nhiên. Muốn thành công ở giải pháp này cần quy chế vận hành. Đây chính là một phần mềm nhưng quyết định thành công của hệ thống đê đập, cống đập mà Chính phủ đầu tư trong thời gian vừa qua.

Một công trình tác động tới rất nhiều nơi, từ liên vùng, liên địa phương, tác động tới các xã, cộng đồng dân cư. Quy chế vận hành đó giúp cho người sản xuất, chính quyền địa phương điều chỉnh sản xuất phù hợp với cơ chế vận hành hằng ngày, hằng tháng, hằng quý, hằng năm hoặc trong từng muà vụ. Bộ NN&PTNT đã giao cho các cơ quan xây dựng quy chế vận hành trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta có thể dùng các công nghệ số để chuyển những thông tin dữ liệu về mặn, ngọt, triều cường đến người sản xuất trong từng khu dân cư.

PV: Trước đây đối với ĐBSCL sẽ là trồng lúa, rồi mới đến cây ăn quả… thì bây giờ có luồng ý kiến thứ tự ưu tiên sẽ là thủy sản, đến cây ăn quả đến trồng lúa, vậy ý kiến của Thứ trưởng về vấn đề này như thế nào?

Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Trong Nghị quyết 120 xác định thứ tự ưu tiên thủy sản, cây ăn trái, đến lúa gạo. Tuy nhiên, đó là quan điểm chung toàn vùng, nhưng đối với từng tiểu vùng tùy vào hệ sinh thái tự nhiên, vùng thượng hay vùng giữa, vùng hạ, thứ tự sẽ lại khác. Trong đó, như Đồng Tháp, An Giang tiếp tục ngành hàng lúa gạo, tuy nhiên, ngành lúa gạo cần có sự định hướng lại, không phải chạy theo mùa vụ, sản lượng như thời gian qua mà có thể định hướng thêm cây ăn trái, thủy sản… mang tính thay đổi chu trình sản xuất để đỡ tạo ra rủi ro mùa vụ và để tạo ra thương hiệu cho từng vùng.

PV: Việc huy động nguồn lực tư nhân trong thực hiện Nghị quyết 120 là vấn đề rất quan trọng. Vậy Thứ trưởng cho biết công tác này sẽ được thực hiện như thế nào trong thời gian sắp tới?

Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Nguồn lực trong xã hội và trong người dân rất lớn nhưng chúng ta chưa có chương trình tổng thể và định hình ra chiến lược mang tính đồng bộ và bền vững. Thực tế, những người có tiềm năng không thể đưa ra nguồn lực mà lại phải đối mặt với rủi ro của mùa vụ, rủi ro của thị trường, đối mặt với đứt gãy giữa nguồn cung - cầu hay vấn đề giải cứu nông sản. Nếu khi nào chúng ta có chiến lược bài bản để doanh nghiệp và người dân thấy rằng cùng tham gia vào chiến lược đó mà mỗi người sẽ nhận về mình những lợi ích riêng, thì lúc đó chúng ta sẽ huy động được nguồn lực.

PV: Trong thời gian tới, việc thực hiện Nghị quyết 120 cần tập trung vào những vấn đề gì để sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường và mang lại giá trị cao hơn cho người nông dân, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Lê Minh Hoan: Đối với nông sản thì rủi ro đối với tiêu thụ không chỉ có ở nước ta mà trên thế giới đôi lúc cũng lâm vào tình trạng dư thừa. Rủi ro về nông sản trên thị trường là câu chuyện khó tuyệt đối hóa, tuy nhiên, vẫn có những giải pháp để giảm thiểu rủi ro xuống mức thấp nhất.

Đó là cần phải xác định lại câu chuyện thị trường, vì chúng ta thường nói sản xuất theo tín hiệu thị trường nhưng ai sẽ là người xác định được dữ liệu của thị trương. Và không ai khác, đó là các cơ quan nhà nước, mà các cơ quan nhà nước muốn làm được điều này cần thông qua thị trường trong nước, thông qua tham tán thương mại nước ngoài. Nhưng người xác định được vấn đề này tương đối gần nhất là doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp đưa nông sản ra thị trường, doanh nghiệp sẽ biết được từng loại quy mô thị trường, cần số lượng bao nhiêu hay vấn đề quy chuẩn, mùa vụ trong năm như thế nào? Vì vậy, câu chuyện của chúng ta là việc các cơ quan hoạch định chính sách thị trường cần cùng với các doanh nghiệp để dự báo về tình hình của thị trường.

Từ đó, sẽ đưa thông tin của thị trường về cho bà con, người sản xuất theo từng hiệp hội, ngành hàng. Chúng ta hướng tới không chỉ riêng ĐBSCL mà cả nước nói chung sẽ thực hiện được việc kết nối lại các vùng nguyên liệu và xây dựng bản đồ số. Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tại sao chúng ta không thể kết nối được các thị trường nông sản, vùng nguyên liệu; kết nối vùng nguyên liệu với doanh nghiệp, doanh nghiệp với thị trường… Từ đó, một bản đồ số trong một thời vụ sẽ giúp các cơ quan quản lý biết được diện tích nuôi cá là bao nhiêu hay diện tích xoài là bao nhiêu… Và, với việc minh bạch trên hệ thống, trên kho dữ liệu sẽ giúp các doanh nghiệp nắm bắt được tình hình.

Thực tế có lúc chúng ta rơi vào tình trạng người nông dân sản xuất dưới sự may - rủi, như xuống giống trồng su hào, bắp cải chỉ trông chờ vào thương lái, và không biết sản phẩm sẽ đi đâu, về đâu thì bây giờ làm sao định hình rõ, sẽ xác định được sản phẩm của chúng ta sẽ được tiêu thụ ở đâu.

Điều này có thể giải quyết được nếu như chúng ta kết nối được thị trường, xây dựng dữ liệu số về bên cung và bên cầu. Khi thực hiện thời gian đầu có thể vẫn còn một số bất cập, tuy nhiên thời gian dài sẽ từng bước khắc phục. Từ đây, sẽ góp phần thay đổi tư duy sản xuất, trước khi người nông dân gieo giống xuống đất thì đã có số liệu để tự cân đối xem cần làm bao nhiêu là vừa, yêu cầu đối với từng loại nông sản là như thế nào?.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng phải tính đến câu chuyện xây dựng hạ tầng của nông sản, có những cơ sở để bảo quản, tăng cường tỷ lệ chế biến, bởi chúng ta bán thô thường sẽ rất rủi ro. Bởi đầu mùa vụ bán được giá cao, nhưng giữa vụ và cuối vụ thường nông sản sẽ nhanh hỏng hơn nên bán nhanh, bán rẻ. Do vậy, sắp tới, Bộ NN&PTNT sẽ tham mưu Chính phủ hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, hệ thống logistics trong ngành Nông nghiệp. Có như vậy, chúng ta mới chủ động hơn về vấn đề này.

Thêm vào đó, cần có chính sách để doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã được hỗ trợ, có được những thiết bị, máy móc, cách bảo quản dài ngày hơn. Do vậy, các đơn vị của Bộ NN&PTNT đang triển khai những đề tài thiết thực về vấn đề bảo quản sau thu hoạch.

PV: Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của Thứ trưởng.

(Theo dangcongsan.vn)

.
.
.