Việc mua kit test và thu phí test nhanh đảm bảo đúng quy định
(ABO) Những ngày gần đây dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề giá mua kit test xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 của Sở Y tế Tiền Giang cũng như giá thu phí test nhanh có sự chênh lệch tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Bác sĩ chuyên khoa 2 (BSCK2) Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế trao đổi với Báo Ấp Bắc về vấn đề này.
* Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, hiện nay nhiều dư luận cho rằng đã có sự khuất tất trong việc chỉ định thầu mua kit test xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 của Sở Y tế Tiền Giang. Bác sĩ giải thích sao về vấn đề này?
* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Tôi có biết về dư luận này. Tuy nhiên, tôi khẳng định hoàn toàn không có gì khuất tất hay tiêu cực trong việc mua sắm trang thiết bị, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch thời gian qua.
Như mọi người đã biết, trong thời gian qua, đặc biệt từ đầu tháng 7-2021, dịch bệnh Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Thường trực UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc họp liên tiếp trong 2 ngày 16 và 17-8-2021 để thống nhất phương án triển khai thực hiện Chiến dịch tầm soát diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh, chỉ đạo thực hiện chiến dịch đảm bảo yêu cầu có đủ test nhanh khẩn để cung ứng cho chiến dịch tầm soát diện rộng toàn tỉnh (bắt đầu từ ngày 18-8-2021).
Yêu cầu loại test nhanh phải thực hiện được mẫu gộp 3 để tiết kiệm ngân sách nhà nước, đảm bảo chất lượng, hiệu quả về chuyên môn, nghiệp vụ. Trên thực tế thị trường đã có loại test không thực hiện gộp được, nhiều loại test có độ nhạy thấp gây nên tình trạng âm tính giả khiến không phát hiện ra người nhiễm, nguy cơ lây lan trong cộng đồng.
Bộ Y tế khuyến cáo mọi người không nên mua các loại test quảng cáo trên mạng, dù giá rẻ nhưng chất lượng không bảo đảm. UBND tỉnh chỉ đạo ngành Y tế phải bảo đảm cung ứng ngay và kịp với số lượng lớn test nhanh để đủ thực hiện chiến dịch, không để thiếu hoặc chậm gây ảnh hưởng cho chiến dịch; mọi thủ tục mua sắm hoàn chỉnh theo quy định.
Cuộc họp ngày 16-8-2021, UBND tỉnh đã quyết định giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang làm đầu mối thực hiện mua sắm tập trung test nhanh và vật tư y tế phục vụ công tác tầm soát diện rộng (Công văn 4567 ngày 16-8-2021 của UBND tỉnh).
Tuy nhiên, do tính cấp bách và nhu cầu sử dụng quá lớn; đồng thời, vừa vật tư y tế, vừa test nhanh trên địa bàn toàn tỉnh nên CDC Tiền Giang không thể tổng hợp kịp để thực hiện phương án. Vì vậy, CDC Tiền Giang đã trình xin UBND tỉnh chỉ thực hiện mua sắm tập trung test nhanh kháng nguyên và giao các địa phương tự tổ chức thực hiện mua sắm vật tư y tế và UBND tỉnh đã chấp thuận tại Công văn 4590 ngày 17-8-2021.
CDC Tiền Giang đã khẩn trương, tiến hành tìm kiếm nhiều nhà cung ứng khẩn đảm bảo với số lượng, giá phù hợp, loại test được cấp phép lưu hành và được Bộ Y tế cho phép. Tuy nhiên, do diễn biến dịch bệnh thời điểm tháng 7, 8, 9 trong cả nước vô cùng phức tạp, căng thẳng, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên rất khó tìm nhà thầu đủ năng lực cung ứng ngay test nhanh với số quá lượng lớn.
Đồng thời, tại thời điểm này, các tỉnh đồng loạt thực hiện chiến dịch sàng lọc cộng đồng, nhu cầu lớn nên phải đặt hàng trước các nhà thầu mới cung ứng được, trong khi đang khan hiếm hàng hóa, hãng sản xuất không kịp cung ứng, khó khăn trong các thủ tục nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa….
Cuối cùng, CDC Tiền Giang đã tìm và thương thảo với Công ty cổ phần thiết bị Đông Á cam kết đáp ứng được các điều kiện trên. Tuy nhiên, đến chiều ngày 17-8-2021, công ty đòi hỏi phải có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh để bảo đảm trúng thầu hoặc ứng ngay số tiền bằng phân nửa giá mua. Do không thể đáp ứng yêu cầu, nên Công ty cổ phần thiết bị Đông Á thông báo không thể đảm bảo hàng cung ứng và hủy cam kết.
Giám đốc CDC Tiền Giang đã báo cáo khẩn cho Chủ tịch UBND tỉnh về việc không thể tìm ngay được nhà cung cấp test nhanh với số lượng lớn cho chiến dịch. Ngay sau đó, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao trách nhiệm cho Giám đốc Sở Y tế bằng mọi cách phải tìm được nhà cung ứng khẩn cấp test nhanh với số lượng lớn cho chiến dịch và báo cáo cho Chủ tịch UBND tỉnh ngay trong đêm 17-8-2021.
Giám đốc Sở Y tế và các nhân viên phải liên hệ hàng trăm cuộc điện thoại để tìm một số nhà cung cấp test nhanh nhưng hầu hết đơn vị cung ứng không thể đáp ứng ngay được yêu cầu quá khó. Cuối cùng, Sở Y tế cũng tìm được một nhà cung cấp đáp ứng các yêu cầu là Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức, đồng thời báo cáo và được Chủ tịch UBND tỉnh chấp thuận.
Chiến dịch tầm soát diện rộng Covid-19 trong cộng đồng từ tháng 8-2021, đến nay đã phát hiện sớm gần 2.750 ca F0, góp phần hạn chế dịch lây lan. |
Ngày 18-8-2021, Thường trực UBND tỉnh đã tổ chức cuộc họp khẩn với Sở Tài chính, Sở Y tế, Tổ công tác Bộ Y tế và CDC Tiền Giang để trao đổi và thống nhất chủ trương mua sắm theo nội dung tại Thông báo 185 ngày 18-8-2021 của UBND tỉnh cho phép tạm ứng và sử dụng test nhanh kháng nguyên từ Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức với loại test giá 122.640 đồng/test. Giao CDC Tiền Giang khẩn trương tiến hành thủ tục mua sắm test nhanh kháng nguyên nhằm đảm bảo công tác tầm soát dịch Covid-19 diện rộng trên địa bàn tỉnh.
Tuy nhiên, sau đó, CDC Tiền Giang đã báo cáo tình hình năng lực nhân sự hiện tại không đủ đảm bảo thực hiện kịp tiến độ mua sắm test nhanh kháng nguyên (Tờ trình 842 ngày 18-8-2021 của CDC Tiền Giang). UBND tỉnh đã giao Sở Y tế làm đầu mối mua sắm tập trung test nhanh kháng nguyên phục vụ công tác tầm soát dịch Covid-19 diện rộng (Công văn 4689 ngày 20-8-2021 của UBND tỉnh).
Nhận được chỉ đạo của Thường trực UBND tỉnh, căn cứ Thông báo 185, Sở Y tế liên hệ nhà thầu để kịp cung ứng, nhập kho, phân phối trong đêm đến sáng 19-8-2021 đã có 100.000 kit test. Sau đó, tiếp tục giao hàng những đợt tiếp theo (kể cả ban đêm) với tổng số 638.000 kit test nhanh. Với số lượng kit tets nhanh này đã đảm bảo kịp tiến độ, đầy đủ test nhanh thực hiện chiến dịch tầm soát diện rộng theo chỉ đạo, kịp thời phát hiện, kiểm soát, xử lý đối với các ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng…
Sở Y tế ý thức được việc mua sắm, đấu thầu trong giai đoạn dịch bệnh là rất nhạy cảm, phức tạp, nặng nề, chắc chắn sẽ có thanh tra hoặc kiểm toán nên chỉ đạo anh em thực hiện hết sức thận trọng, có trách nhiệm và phải đúng quy định.
Việc Sở Y tế thực hiện mua sắm test nhanh cho chiến dịch lần này là trách nhiệm UBND tỉnh giao phải hoàn thành trong điều kiện khẩn cấp, khó khăn (những cơ quan, đơn vị khác đã từ chối). Vì vậy, Sở Y tế đã cố gắng thực hiện đầy đủ trình tự, thủ tục mua sắm, lựa chọn nhà thầu mua test nhanh kháng nguyên tầm soát diện rộng. Hồ sơ mua sắm đã được cơ quan chuyên môn tham mưu (CDC Tiền Giang), được Sở Tài chính thẩm định và được cấp thẩm quyền (UBND tỉnh) quyết định, phê duyệt.
Sở Y tế đã thực hiện công khai kế hoạch lựa chọn nhà thầu, công bố kết quả trúng thầu trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y tế, Sở Y tế theo đúng quy định. Giá test nhanh mà Sở Y tế mua đã được Bộ Y tế công bố, xác định giá bán. Chủng loại được cấp phép lưu hành, đạt các tiêu chuẩn công nhận. Cơ sở chọn giá đúng quy định theo Nghị quyết 86 của Chính phủ, quy định của Bộ Y tế tại Công văn 6058 ngày 27-7-2021.
* PV: Có thông tin cho rằng giá test nhanh Sở Y tế Tiền Giang mua cao gấp đôi so với giá test nhanh mà Tập đoàn Vingroup mua. Thực tế như thế nào, đâu là nguyên nhân của sự chênh lệch giá này, thưa bác sĩ?
* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Không thể so sánh giá như thế được, nó rất khập khiễng, vô lý. Theo như Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn đã từng phát biểu: “Giá xét nghiệm Covid-19 phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu test có tiêu chuẩn Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thì giá cao so với tiêu chuẩn của nhà sản xuất; nếu test có xuất xứ các nước quốc gia Âu Mỹ thì đắt hơn nơi khác.
Vì vậy, không thể đánh đồng tất cả các loại kit test với nhau, cũng như không thể so sánh giá kit test xét nghiệm ở các thời điểm khác nhau và phải phụ thuộc cả vào các yếu tố chất lượng (độ nhạy, độ đặc hiệu), tình hình diễn biến của dịch bệnh và nhu cầu mua sắm test xét nghiệm trong nước và quốc tế.
Ở giai đoạn dịch gia tăng, nhà cung cấp ít thì giá sẽ cao hơn so với thời điểm dịch bệnh giảm, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, cung ứng, phân phối, nhập khẩu và đơn vị trong nước sản xuất được kit test xét nghiệm và bán phi lợi nhuận.
Ngoài ra, nếu mua với số lượng nhiều thì giá thường rẻ hơn so với số lượng ít” (trích Báo điện tử Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 30-9-2021 do tác giả Hoàng Yến viết). Cho nên, có một vài yếu tố cần xem xét:
Thứ nhất, giá mua test tại Tiền Giang vào thời điểm 18-8-2021 là thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội, vô cùng phức tạp, nhu cầu sử dụng tại các tỉnh đều cao, hàng hóa khan hiếm; giá Tập đoàn Vingroup mua vào tháng 10-2021, thời điểm dịch bệnh cơ bản được kiểm soát sau 30-9-2021, nhu cầu sử dụng đã giảm nhiều.
Thứ hai, giá nhập khẩu (mua vào) của Tập đoàn Vingroup (số lượng rất lớn) không thể so với giá bán ra của một công ty (phải có lãi, nên cao hơn với giá nhập khẩu vì cộng thêm rất nhiều chi phí) để so sánh, suy diễn, quy chụp lại là vô lý, không thể chấp nhận được.
Thật ra, tham khảo ý kiến nhà cung cấp Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức, Sở Y tế được biết: Hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc có nhiều dòng sản phẩm với tiêu chuẩn khác nhau và giá khác nhau trên thị trường.
Giá test SARS-CoV-2 Rapid Antigen Test do Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức từ khi bán cho Sở Y tế Tiền Giang đến nay vẫn chưa thay đổi và thống nhất giá bán cho các đơn vị của tỉnh, thành khác trong toàn quốc theo giá do Hãng sản xuất SD Biosensor Inc/Hàn Quốc quy định. Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức sẽ chịu trách nhiệm về giá bán sản phẩm được công bố công khai trên Cổng Thông tin điện tử trong phạm vi toàn quốc.
Chắc chắn lô hàng hóa của Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Kiến Đức bán cho Tiền Giang và lô hàng hóa của Tập đoàn Vingroup nhập về là hoàn toàn khác nhau, với các tiêu chuẩn, điều kiện, thời điểm khác nhau nên không thể so sánh giá cả với nhau được.
* PV: Hiện nay, người dân cũng quan tâm là tại sao lại có tình trạng không thống nhất mức giá thu phí test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 giữa các cơ sở y tế được cấp phép thực hiện dịch vụ này. Sự chênh lệch này xảy ra giữa các cơ sở y tế công lập và tư nhân, ngay cả giữa cơ sở y tế công lập với nhau. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này, thưa bác sĩ?
* BSCK2 Trần Thanh Thảo: Đúng là hiện nay đang có tình trạng chênh lệch giá thu phí test nhanh này. Nguyên nhân xuất phát từ chủ trương của Bộ Y tế theo từng thời điểm, giá mua, các loại test nhanh của từng đơn vị sử dụng để thực hiện kỹ thuật này. Mỗi loại test nhanh, tùy theo chất lượng và xuất xứ sẽ có sự chênh lệch với nhau.
Ngày 28-5-2021, Bộ Y tế có Công văn 4356 về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19, trong đó có yêu cầu xét nghiệm test nhanh thực hiện theo hình thức thực thanh, thực chi kể từ ngày 1-7-2021. Mức giá xét nghiệm test nhanh thực hiện theo hướng dẫn tại mục VI công văn này chia làm 2 giai đoạn.
Trước ngày 1-7-2021, đối tượng BHYT thực hiện theo mức giá 238.000 đồng; đối tượng không thanh toán BHYT thực hiện theo mức giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhưng tối đa là 238.000 đồng. Từ ngày 1-7-2021 thực hiện thực thanh, thực chi, cụ thể: Các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm, vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công, cơ sở y tế chi và quyết toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành về kinh phí phòng, chống dịch.
Chi phí test xét nghiệm thực hiện thực thanh, thực chi: Chi và thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng test xét nghiệm nhanh thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Ngày 7-7-2021, Bộ Y tế có Công văn 5378 về việc hướng dẫn mức giá thanh toán chi phí thực hiện xét nghiệm Covid-19, trong đó Bộ Y tế có hướng dẫn mức giá test nhanh từ ngày 1-7-2021 theo hình thức thực thanh, thực chi như sau: Các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm như vật tư tiêu hao, điện nước, nhân công cơ sở y tế chi và quyết toán theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành về kinh phí phòng, chống dịch.
Chi phí test xét nghiệm thực hiện thực thanh, thực chi: Chi và thanh toán với từng đối tượng người bệnh theo số lượng test xét nghiệm nhanh thực tế sử dụng cho người bệnh và giá mua test theo kết quả đấu thầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật. Ví dụ, đơn vị được cấp có thẩm quyền phê duyệt kết quả đấu thầu test nhanh là 135.000 đồng/test.
Nếu người có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) đủ điều kiện được thanh toán BHYT và là đối tượng được hưởng mức 80% chi phí khám, chữa bệnh thì được Quỹ BHYT chi trả theo phạm vi được hưởng với mức hưởng của một lần xét nghiệm nhanh là 135.000 đồng x 80% = 108.000 đồng. Phần đồng chi trả 27.000 đồng và các chi phí liên quan đến việc lấy mẫu, trả kết quả xét nghiệm do ngân sách nhà nước chi trả theo phân cấp hiện hành.
Đến ngày 27-9-2021 Bộ Y tế có Công văn 8157 về việc chấn chỉnh việc thực hiện thu dịch vụ xét nghiệm Covid-19, trong đó Bộ Y tế tại mục 4 có nêu: “Trường hợp cơ sở y tế công lập thực hiện xét nghiệm cho các đối tượng không thuộc phạm vi chi trả của BHYT và ngân sách nhà nước: Cơ sở y tế công lập thực hiện thu theo mức giá theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Công văn 4356 ngày 28-5-2021, Công văn 5378 ngày 7-7-2021; không thực hiện mức giá dịch vụ theo yêu cầu đối với xét nghiệm Covid-19”.
Vậy theo các hướng dẫn của Bộ Y tế hiện nay, việc thu xét nghiệm test nhanh Covid-19 là theo hình thức thực thanh, thực chi như hướng dẫn nêu trên, thì trong tỉnh sẽ có rất nhiều giá thu, do giá test nhanh xét nghiệm SARS-CoV-2 mua vào tại từng thời điểm, từng chủng loại, từng hãng sản xuất... khác nhau sẽ có mức giá khác nhau.
* PV: Xin cảm ơn bác sĩ!
THỦY HÀ (thực hiện)