.

Kinh tế Việt Nam bật dậy mạnh mẽ, vững vàng trong sóng gió

Cập nhật: 14:28, 30/09/2022 (GMT+7)

Kinh tế-xã hội 9 tháng năm 2022 khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, nhiều ngành đã khôi phục mạnh mẽ và đã trở lại mức tăng trưởng trước khi dịch Covid-19 xuất hiện. Phóng viên Nhân Dân điện tử phỏng vấn bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê về những kết quả tích cực này và triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế-xã hội cuối năm.

a
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương. (Ảnh: Quỳnh Như)

Phóng viên: Xin bà cho biết những điểm sáng của tình hình kinh tế-xã hội quý III-2022. Kết quả tăng trưởng quý III-2022 có ý nghĩa như thế nào khi so sánh với cùng kỳ năm 2021 và tiến trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ, thể hiện ở những chỉ tiêu cơ bản về tình hình kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng vượt ngoài mong đợi: Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III ước đạt 13,67% so cùng kỳ; GDP 9 tháng tăng 8,83% so cùng kỳ và là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 11 năm trở lại đây.

Những con số tích cực này không chỉ của Tổng cục thống kê công bố mà các tổ chức nghiên cứu cũng cập nhật trong vòng 2 tuần qua.

Điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội quý III và 9 tháng năm 2022 thể hiện ở hoạt động sản xuất kinh doanh phục hồi nhanh ở cả 3 khu vực kinh tế.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,04% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%, đóng góp 41,79%.

Khu vực dịch vụ tăng 10,57%, đóng góp 54,17%, trong đó nhiều ngành dịch vụ thị trường tăng cao như bán buôn, bán lẻ tăng 10,24%, vận tải kho bãi tăng 14,2%, dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 41,7%, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,05%.

Ngành công nghiệp tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng cao trong 8 tháng liên tiếp. Tháng 9-2022 ước tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số IIP của ngành chế biến chế tạo tăng 12,5%. Tính chung 9 tháng năm 2022, chỉ số IIP tăng 9,6%, nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao.

Hoạt động thương mại, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2022 đạt 4.170,2 nghìn tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước và là mức tăng cao so với cùng kỳ trong vòng nhiều năm trở lại đây; tăng 14,2% so với 9 tháng năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%, nhập khẩu tăng 13%. Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2022 ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của Quốc hội và Chính phủ đúng hướng và hiệu quả, tạo niềm tin cho nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong 9 tháng năm 2022, cả nước có 112,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 758,1 nghìn lao động, tăng 31,9% về số doanh nghiệp, tăng 6,4% về vốn đăng ký và tăng 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Số doanh nghiệp tham gia thị trường 9 tháng năm 2022 đạt 163,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước; tuy nhiên vẫn có 112,7 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,8%.

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng năm 2022 tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,85% của cùng kỳ năm 2020 và cao hơn mức tăng 1,82% của cùng kỳ năm 2021.

Những con số tích cực trên cho thấy nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ sau 2 năm tổn thương vì đại dịch Covid-19.

Phóng viên: Kinh tế Việt Nam đang phục hồi nhanh hơn dự kiến, đâu là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế quý III và 9 tháng năm 2022, thưa bà?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Động lực chính của sự tăng trưởng này đến từ các yếu tố sau: Thứ nhất, Việt Nam đã kiểm soát được tốt đại dịch Covid-19.

Các chính sách đối phó với dịch Covid-19 tiếp tục có hiệu quả và các chính sách hỗ trợ sản xuất, mở cửa kịp thời là cơ sở cho các hoạt động kinh tế diễn ra bình thường, bình ổn tâm lý doanh nghiệp và người dân.

Thứ hai, nhu cầu tiêu dùng đang phục hồi và gia tăng khi dịch bệnh được kiểm soát, người dân không còn bị hạn chế đi lại, được khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, ổn định thu nhập; nhu cầu giải trí, du lịch tăng mạnh.

Điều này đã mang lại sự tăng trưởng ngoạn mục của nhiều ngành dịch vụ trong quý II và đặc biệt là quý III-2022.

Thứ ba, các dự án FDI đang hoạt động tại Việt Nam tiếp tục mở rộng đầu tư.

Vốn đầu tư thực hiện của khu vực FDI 9 tháng đầu năm 2022 đã tăng trưởng cao so với cùng kỳ 2021, đạt 16,3%. Vốn điều chỉnh tiếp tục tăng mạnh, quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ.

Thứ tư, trước sức ép lạm phát và giá cả tăng cao, Việt Nam vẫn đang từng bước ứng phó linh hoạt. Chính sách tiền tệ của Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước điều hành thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt và hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, cải thiện thanh khoản ngân hàng, giúp hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô, neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà Ngân hàng Nhà nước, Chính phủ đặt ra từ đầu năm. ..

Phóng viên: Chỉ số giá tiêu dùng hiện vẫn trong mục tiêu kiểm soát nhưng áp lực lạm phát đang gia tăng về cuối năm. Tổng cục Thống kê khuyến cáo giải pháp gì để đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm khoảng 4%?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Trong những tháng cuối năm 2022, kinh tế trong nước có khả năng phục hồi mạnh mẽ hơn, áp lực lạm phát sẽ tiếp tục xu hướng tăng dần khi giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào trên thế giới và giá sản xuất trong nước đang ngày càng tăng cao.

Để kiểm soát lạm phát, Tổng cục Thống kê kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam.

Đặc biệt, cần đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu nào có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp. Kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.

Bộ Công Thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đẩy mạnh sản xuất và tiêu thụ xăng dầu trong nước, quản lý và kiểm soát chặt chẽ sử dụng xăng dầu nhập khẩu, chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Phóng viên: Nhiều dự báo cho thấy tăng trưởng kinh tế sẽ chậm hơn và gặp nhiều khó khăn trong quý IV năm 2022 và năm 2023, xin bà cho biết nguyên nhân vì sao và giải pháp khắc phục để có mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 vượt 7-7,5% như mục tiêu phấn đấu của Chính phủ?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tăng trưởng kinh tế quý III và 9 tháng năm 2021 đạt mức khá cao, tạo đà cho tiến trình phục hồi kinh tế những tháng cuối năm 2022 và những năm tiếp theo.

Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế hiện nay chưa thể phục hồi so với mức tăng trưởng thời kỳ trước đại dịch (chỉ bằng 2/3). Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2021-2025 theo các Nghị quyết của Chính phủ thì chúng ta còn phải nỗ lực rất nhiều trong những năm còn lại.

Để đạt được mức tăng trưởng GDP cả năm 2022 vượt 7-7,5% như mục tiêu phấn đấu của Chính phủ, cần có nhiều giải pháp vừa hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động đang trên đà tăng trưởng hiệu quả, vừa khắc phục, kiểm soát các yếu tố làm chậm, bất lợi cho nền kinh tế nước ta.

Cụ thể, các cơ quan chức năng cần theo dõi sát sao diễn biến cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine, đặc biệt là các chính sách quản lý ảnh hưởng tới giá dầu, một số nguyên liệu, sản phẩm nông nghiệp; động thái, chính sách của các quốc gia như Mỹ và phương Tây về chính sách lãi suất, lạm phát ở Mỹ từ đó có những nhận định, đánh giá và các chính sách điều hành phù hợp, kịp thời, nhất là các chính sách đảm bảo nguồn cung nguyên vật liệu, vận chuyển và cung ứng đến nơi sản xuất, bảo đảm không để xảy ra gián đoạn dẫn tới hủy đơn hàng.

Về dài hạn, để đảm bảo ổn định, bền vững hơn, ít phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài, cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (gồm cả trong nước và nhập khẩu); chính sách điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung, ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Để tiếp tục ổn định hơn nữa hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới, cần triển khai hiệu quả các chương trình phục hồi, phát triển kinh tế xã hội đã đặt kế hoạch năm 2022, từ đó cải thiện thu nhập người lao động, nâng cao đời sống người dân.

Ngoài ra cần nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan tỏa đến đầu tư tư nhân và khu vực đầu tư nước ngoài...

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Theo nhandan.vn


 

 

.
.
.